06:15 21/05/2015

Vẫn không tán thành buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

Nguyễn Lê

Ủy ban Tư pháp vẫn kiên trì quan điểm không tán thành quy định “bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì  - Ảnh: Pháp Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì  - Ảnh: Pháp Luật.
Chiều 20/5, dự thảo Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trình Quốc hội. Một trong những điểm mới của dự thảo luật là quy định về việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Việc này, theo giải thích của ban soạn thảo thì ngoài ý nghĩa tăng cường sự minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động hỏi cung, còn là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.

Và, đây cũng là yêu cầu của các đại biểu Quốc hội, của nhân dân thời gian qua.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự án luật - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - vẫn kiên trì quan điểm không tán thành quy định “bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện giải thích: thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì.

Còn việc bức cung, nhục hình, nếu có thường xảy ra trước khi khởi tố bị can (khi lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ) hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang, hoặc trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau.

Với lập luận để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, nhưng tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định theo hướng: trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác, thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can.

Một nội dung khác cũng không được cơ quan thẩm tra đồng tình là trong trường hợp bị can, bị cáo không mời người bào chữa thì họ có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì cho rằng quy định này không khả thi.

Theo phân tích của Ủy ban Tư pháp, thì khác với người bào chữa, trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, bị can đã được nhận tất cả các quyết định tố tụng liên quan đến việc buộc tội bị can, kể cả bản kết luận điều tra, bản cáo trạng tổng hợp đầy đủ các chứng cứ vụ án.

Vì vậy, quan điềm của cơ quan thẩm tra là  để bảo đảm tính khả thi, cần quy định theo hướng: trong trường hợp bị can, bị cáo không có người bào chữa thì sau khi kết thúc điều tra hoặc sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu bị can, bị cáo có yêu cầu thì họ có quyền đọc, ghi chép một số bản sao tài liệu trực tiếp liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án. Như biên bản lời khai người làm chứng, lời khai của bị can khác trong vụ án, kết luận giám định…

Cũng có ý kiến đề nghị không quy định bị can, bị cáo có quyền đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án vì không khả thi, tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp trong thực tiễn thi hành, nhất là đối với những vụ án có đông bị can, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện phản ánh.

Liên quan đến vấn đề còn gây tranh cãi là biện pháp điều tra tố tụng đặc biêt, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo bổ sung một chương mới quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Theo đó những thông tin, tài liệu thu thập từ việc áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt chỉ được công nhận là chứng cứ nếu quá trình đó tuân thủ nghiêm ngặt quy định của luật và chỉ được sử dụng vào mục đích đấu tranh chống tội phạm, không được ảnh hưởng đến bí mật riêng tư của công dân.

Tán thành quy định các biện pháp điều tra hình sự đặc biệt, song Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phân biệt rõ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt với các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, an ninh, tình báo.

Đồng thời cân nhắc phạm vi áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là chỉ áp dụng đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tội khủng bố, rửa tiền và tội phạm về tham nhũng.