10:26 30/05/2023

Vàng chững giá dù đương đầu áp lực giảm từ nhiều phía

Điệp Vũ

Thị trường đang đặt cược rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 6, và điều này không có lợi cho giá vàng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới giằng co nhẹ trong vùng hẹp dù nhu cầu nắm giữ vàng phòng ngừa rủi ro suy giảm sau khi Mỹ đạt thoả thuận nâng trần nợ, và mối lo lãi suất tiếp tục tăng làm suy giảm sức hấp dẫn của những tài sản không mang lãi suất. Trong nước, giá vàng miếng duy trì ở vùng 67 triệu đồng/lượng.

Lúc gần 10h trưa nay (30/5), Tập đoàn Phú Quý báo giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,65 triệu đồng/lượng và 56,55 triệu đồng/lượng, đi ngang so với sáng qua.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,35 triệu đồng/lượng và 66,95 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.

Cùng thời điểm, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.945,9 USD/oz, tăng 1,9 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại thị trường Mỹ. Mức giá này tương đương 55,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 11,6 triệu đồng/lượng.

Trong phiên New York vào đêm qua, giá vàng giao ngay giảm 3,2 USD/oz, tương đương giảm gần 0,2%, chốt ở 1.944 USD/oz.

Hôm Chủ nhật, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã đạt một thoả thuận với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy để đình chỉ trần nợ liên bang ở mức 31,4 nghìn tỷ USD cho tới ngày 1/1/2025. Thoả thuận sẽ được chuyển tới Quốc hội Mỹ để bỏ phiếu thông qua, sau đó sẽ được ông Biden ký thành luật.

Việc đạt thoả thuận là một bước then chốt để đưa Chính phủ Mỹ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào ngày 5/6 - mốc thời gian mà Bộ Tài chính nước này đã cảnh báo là sẽ hết tiền.

Thời gian qua, khi Washington đối mặt nguy cơ vỡ nợ, giá vàng đã tăng mạnh theo nhu cầu phòng ngừa rủi ro, trong tháng 5 có lúc đạt gần mức kỷ lục mọi thời đại. Sau đó, khi giới đầu tư tin tưởng các bên sẽ không để xảy ra một vụ vỡ nợ, giá vàng đã tuột khỏi mốc 2.000 USD/oz. Giờ đây, với việc đạt thoả thuận giải quyết vấn đề trần nợ, nhu cầu vàng càng giảm thêm.

Tuy nhiên, thoả thuận trần nợ vẫn cần có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, nên sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn còn, và đó là lý do vì sao giá vàng không giảm nhiều.

Giá vàng thế giớid đã tăng khoảng 4,9% trong vòng 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz.
Giá vàng thế giớid đã tăng khoảng 4,9% trong vòng 1 năm qua. Đơn vị: USD/oz.

Các số liệu kinh tế Mỹ công bố gần đây, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng - cho thấy nền kinh tế còn khoẻ và lạm phát vẫn dai dẳng ở mức cao. Điều này làm gia tăng khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 - một động thái hoàn toàn không có lợi cho giá vàng vì vàng là tài sản không mang lãi suất.

Theo dữ liệu từ CME FedWatch, khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tới là 65,3%. Thị trường cũng đang nghiêng về khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm, thay vì chuyển sang cắt giảm như dự báo trước đó.

“Cách đây 1 tuần, khả năng tăng lãi suất chỉ là 17,4%. Thế mới biết thị trường đã từ bỏ kỳ vọng Fed dừng tăng lãi suất. Điều này giúp đồng USD tăng giá tuần thứ ba liên tiếp và gây áp lực giảm lên giá vàng”, nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của công ty City Index nhận định với hãng tin Reuters.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đang dao động quanh ngưỡng 104,2 điểm, gần mức cao nhất trong 2 tháng.

Tuần này, tỷ giá đồng USD và giá vàng có thể biến động khi thị trường đón báo cáo việc làm tổng thể tháng 5 do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.310 đồng (mua vào) và 23.650 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.