11:19 19/03/2010

Vàng tiếp tục gánh áp lực giảm giá

Kiều Oanh

Giá vàng trong nước mất thêm 40.000 đồng/lượng do giá vàng thế giới chịu sức ép mất giá từ sự gia tăng của tỷ giá USD

Cảnh sát chống bạo động Hy Lạp phòng ngừa những người biểu tình đang tức giận với tình trạng kinh tế của nước này. Chính phủ Hy Lạp hiện đang chạy đua với thời gian trong những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách để chống lại những áp lực tăng lãi suất phát hành trái phiếu - Ảnh: Reuters.
Cảnh sát chống bạo động Hy Lạp phòng ngừa những người biểu tình đang tức giận với tình trạng kinh tế của nước này. Chính phủ Hy Lạp hiện đang chạy đua với thời gian trong những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách để chống lại những áp lực tăng lãi suất phát hành trái phiếu - Ảnh: Reuters.
Giá vàng trong nước mất thêm 40.000 đồng/lượng do giá vàng thế giới chịu sức ép mất giá từ sự gia tăng của tỷ giá USD so với Euro. Tại châu Âu, phương hướng cứu trợ cho Hy Lạp đang lâm vào bế tắc khi nội bộ của Liên minh Châu Âu (EU) bất đồng về việc cứu hay không cứu quốc gia đang đương đầu với khủng hoảng nợ này.

Hoạt động chốt lời của giới đầu tư, cộng với những nỗi lo gia tăng về khủng hoảng nợ ở Hy Lạp, đã đẩy giá vàng giao ngay trong phiên giao dịch ngày 18/3 tại thị trường New York có thời điểm trượt sâu về mức 1.118 USD/oz, trước khi đóng cửa ở mức 1.126,9 USD/oz, tăng 0,8 USD/oz so với giá đóng cửa phiên liền trước.

Đồng Euro suy yếu so với USD trước việc Hy Lạp vẫn chưa thể có được một cam kết hỗ trợ cụ thể nào từ phía EU trong trường hợp nước này bị dồn tới chân tường của khủng hoảng.

Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, trong khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố EU sẽ cứu Hy Lạp nếu cần thiết, nhưng Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng quay lưng lại với Hy Lạp, buộc Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou phải gõ cửa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Với sự chia rẽ này của EU xung quanh vấn đề Hy Lạp, tỷ giá Euro/USD sáng nay chỉ còn 1 Euro đổi được 1,36 USD, từ mức 1 Euro tương đương 1,37 USD ở sáng qua.

Chính phủ Hy Lạp hiện đang chạy đua với thời gian trong những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách để chống lại những áp lực tăng lãi suất phát hành trái phiếu. Trong vòng hai tháng tới, số nợ công tới hạn của Hy Lạp là 20 tỷ Euro, tương đương hơn 27 tỷ USD. Nếu không được hỗ trợ tài chính, Hy Lạp sẽ buộc phải tăng lãi suất trái phiếu để huy động tiền trả nợ, tạo ra những gánh nặng nợ nần lớn hơn về sau.

Dữ liệu về lạm phát của Mỹ công bố ngày hôm qua cũng tạo thêm áp lực mất giá cho vàng.  Bộ Thương mại nước này cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 đã không có sự thay đổi so với tháng 1/2010. Sự tăng giá của hàng thực phẩm đã được bù đắp bằng mức giảm giá của xăng nên tạo vị thế khá cân bằng. Nếu loại trừ hàng thực phẩm và năng lượng thì CPI cơ bản trong tháng 2 đã tăng 0,1%, tương đương với mức dự báo được giới phân tích đưa ra trước đó.

Vì vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu, nên tốc độ lạm phát thấp gây bất lợi cho giá kim loại quý này.

Tại thị trường châu Á sáng nay, giá vàng giao ngay đi xuống, dao động trong vùng 1.124-1.125 USD/oz.

Giới phân tích nhận định, sở dĩ giá vàng chưa giảm sâu vì vẫn đang ít nhiều được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào để phòng ngừa khủng hoảng ở Hy Lạp. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng đang giữ thái độ thận trọng và chờ đợi những diễn biến tiếp theo về tình hình của cuộc khủng hoảng này.

Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust từ đầu tuần tới nay không thực hiện vụ mua bán nào, duy trì khối lượng vàng nắm giữ ở mức 1.115,5 tấn.

Bản tin tư vấn thị trường vàng của Công ty Phú Quý (PQJ) hôm nay nhận định giá vàng thế giới ngày 19/3 sẽ diễn biến theo chiều hướng giảm, với biên độ dao động là 1.110-1.125 USD/oz.

Theo các nhà phân tích của Sacombank-SBJ, vàng có thể giảm giá về vùng 1.097-1.100 USD trước khi bắt đầu một đợt tăng giá mới. Sacombank-SBJ cho biết, biểu đồ phân tích kỹ thuật chỉ ra rằng, xu hướng tăng giá của vàng đang rất tích cực, vì các đợt giảm giá vừa qua của vàng đều hình thành đáy sau cao hơn đáy trước.

Bản tin của Sacombank-SBJ nhận định, việc vàng vẫn chốt phiên với mức giá tăng nhẹ đêm qua, bất chấp sự giảm giá của Euro là một tín hiệu khả quan về khả năng đảo chiều của giá kim loại quý này.

Giảm theo giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng nay lùi về mức 26,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và chưa đầy 26,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Tham gia thị trường vàng vật chất thời gian này hầu hết là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mua để tích trữ. Sự thiếu sóng của giá vàng đã không tạo được sức hấp dẫn của kênh đầu tư này với các nhà đầu tư lớn.

Hệ thống Sacombank lúc 10h40 sáng nay báo giá vàng SBJ ở mức 26,46 triệu đồng/lượng (mua vào) và 26,50 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường Hà Nội, Phú Quý cùng thời điểm niêm yết giá vàng SJC ở mức 26,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 26,53 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC công bố giá vàng cùng thương hiệu cho thị trường Tp.HCM ở các mức tương ứng lần lượt là 26,46 triệu đồng/lượng và 26,51 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay duy trì ở mức 18.544 VND/USD. Tại ngân hàng Vietcombank, giá mua và bán USD lần lượt là 19.080 VND/USD và 19.100 VND/USD.

Tại thị trường Hà Nội, một số điểm giao dịch ngoại tệ mua và bán USD với giá tương ứng lần lượt là 19.270 VND/USD và 19.290 VND/USD, giảm 20 VND/USD so với hôm qua. Mấy ngày gần đây, tỷ giá USD tự do diễn biến theo chiều hướng giảm, về sát hơn với giá USD ngân hàng.

Nếu tính theo giá USD ngân hàng, giá vàng thế giới quy đổi đang thấp hơn giá vàng trong nước 400.000 đồng/lượng, còn nếu tính theo giá USD tự do, mức chênh này chỉ xấp xỉ 100.000 đồng/lượng.

Giá dầu thô đang diễn biến theo chiều hướng giảm do lo ngại về khủng hoảng nợ ở Hy Lạp và sự mạnh lên của đồng USD. Chốt phiên đêm qua tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4/2010 giảm 0,9%, kết thúc chuỗi hai phiên tăng liền trước đó, đóng cửa ở mức 82,20 USD/thùng. Sáng nay, giá dầu đã có lúc xuống dưới mức 82 USD/thùng.