Vật liệu bền vững và tương lai của thời trang Việt
Nghiên cứu và phát triển các loại vải tái chế, vải sợi thân thiện với môi trường là một trong những bước tiến quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ ngành thời trang...
Hiện nay, ngày càng có nhiều công ty dệt may chuyển sang sử dụng vật liệu tái chế để giảm bớt tác động đến môi trường. Ví dụ công ty sản xuất nylon từ lưới đánh cá tái chế, trong khi công ty khác tập trung vào bông và polyester sau khi tiêu dùng… Thậm chí, các doanh nghiệp có tư duy tương lai này ngày càng muốn tạo ra những điều mới mẻ từ phế phẩm nông nghiệp.
Không chỉ hàng dệt may giúp ích cho môi trường thông qua việc tái chế. Một số thương hiệu cho biết các quy trình sản xuất vải dệt của họ giúp giảm 98% lượng nước sử dụng và cắt giảm 90% lượng khí thải. Nhiều người tiêu dùng có ý thức đang mong muốn giúp đỡ hành tinh bằng cách chọn trang phục thân thiện với môi trường và đây là một cách để làm điều đó.
Với các tín đồ yêu thích thời trang xanh, vải từ phế phẩm nông nghiệp như xơ lá dứa không phải quá xa lạ. Tuy nhiên, lần đầu tại Việt Nam có đơn vị sản xuất được với quy mô lớn. Sản phẩm tơ, sợi, vải sinh thái vừa ra mắt có tên là Ananas, là kết quả của sự hợp tác giữa Ecofa Việt Nam (đơn vị sản xuất tơ dứa) và Bảo Lân Textile (đơn vị phát triển và cung cấp các giải pháp về sợi vải).
Ông Dave Quách, đại diện Bảo Lân Textile, cho biết các nhà cung cấp vải sợi trong nước chưa đầu tư nhiều vào dòng vải sinh thái do đây là thị trường ngách nhưng chi phí sản xuất lại cao, nguồn cung nguyên liệu không có sẵn. Ngoài ra, việc dệt và nhuộm vải sinh thái cũng không dễ. “Việc có thể làm chủ quy trình sản xuất sợi dứa hoàn toàn tại Việt Nam sẽ giúp các nhãn hàng may mặc, thời trang Việt có được ưu thế hơn về việc xây dựng, củng cố thương hiệu sinh thái mà thế giới đang hướng đến. Các nhà sản xuất sợi vải sinh thái Việt cũng có thêm nhiều ưu thế trong kinh doanh khi giao lưu với nước ngoài”, ông Dave Quách nói.
Màn chào sân của tơ sợi Ananas có thể mở đường cho những cá nhân, đơn vị đang ấp ủ các dự án thời trang bền vững. Từ đây, các đơn vị có thể nghĩ đến việc mở rộng sản xuất vải từ sợi gai xanh, gai dầu, bã cà phê, vỏ hàu, bột bạch đàn, sồi, tảo… Trước đó, vào năm 2022, chị Nguyễn Thị Thanh Vân, một sinh viên ngành tài chính của trường Đại học Trà Vinh, đã nảy ra ý tưởng biến vỏ xoài thành loại da thực vật, vốn đang thuộc xu hướng phát triển bền vững. Phần vỏ xoài được nấu sôi, ép nén và sấy, rồi trộn với phụ gia, đổ vào khuôn và tạo hình ra các miếng da xoài có kích cỡ tờ giấy A4, A5.
Da xoài hiện có nhiều màu sắc, hoàn toàn tự nhiên. Sản phẩm “da xoài” đạt các tiêu chí thân thiện với môi trường, với “3 không” - không rác thải, không nước thải và không khí thải. Da xoài được may thành một số loại ví bóp, bao đựng danh thiếp, móc khóa, bao kính… Tại triển lãm dệt may Texture Vietnam tháng 9/2023, một số công ty trong nước và Nhật Bản đã tìm hiểu, đặt hàng để gia công làm phụ kiện thời trang.
Là một trong những công ty đi tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng nguyên vật liệu mới của ngành dệt may, Faslink đã đưa các loại sợi từ bã cà phê, sợi dứa, sợi sen, vỏ bắp, vỏ hàu… làm nguyên liệu sản xuất vải, sản phẩm may mặc. Bã cà phê tách dầu được nghiền và pha trộn với hạt nhựa từ vỏ chai nhựa tạo nên vải có độ đàn hồi, thông thoáng cao. Vải sen làm từ bột lá, thân và hạt sen khi lên đồ lót, sơ mi, khăn choàng thì mềm, mịn và mát. Loại vải chế từ vỏ hàu - thường bị vứt ở bờ biển, trong các quán ăn - được chế biến thành vải mịn đẹp, có thể giúp giảm được 2 độ C khi mặc…
Hiện, cây tầm ma (hay cây gai xanh) đã nổi lên như một nhân tố mới. Trong một cuộc hội thảo do An Phước - Viramie tổ chức, chuyên gia nông nghiệp GS.TS. Nguyễn Lân Hùng từng nhắc đến sợi gai với nhiều ưu điểm như dài hơn các loại nguyên liệu khác, có độ bền cao hơn sợi bông và sợi tơ tằm 7 - 8 lần. Vải dệt từ sợi gai có đặc tính dễ nhuộm, kháng khuẩn, chống bám bẩn tự nhiên, chịu được nước nóng khi giặt…
An Phước - Viramie đã đầu tư 628 tỉ đồng xây dựng một nhà máy sợi tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Hiện diện tích trồng cây gai xanh AP1 trên toàn Việt Nam chỉ đạt 1.400 héc ta trong khi An Phước - Viramie cần vùng nguyên liệu đến 6.300 héc ta. Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh rộng 3.000 héc ta, với nguồn đất chuyển đổi từ các vùng trồng cây lương thực và rau màu kém hiệu quả. Diện tích có thể mở rộng đến 6.500 héc ta.
Tại triển lãm Green Fashion: A journey from Revolution to Revolutions (Tạm dịch - Hành trình Thời trang xanh) tại London, Vương quốc Anh, đầu năm 2024, tiến sĩ Trần Mai Khanh (Giảng viên và nhà nghiên cứu về marketing tại LSBU) cùng các cộng sự đã trưng bày các mẫu thiết kế đến từ bộ sưu tập của nhà thiết kế thời trang Lan Hương, qua đó giới thiệu tới đông đảo công chúng chất liệu vải gai xanh đặc biệt đến từ Việt Nam.
Cũng vậy, hiện các nhà thiết kế Việt cũng đã dành sự quan tâm nhất định đến thời trang bền vững. Như NTK Trần Hùng, thay vì vải vóc thông thường, anh sử dụng chất liệu làm từ giấm nuôi. Trong khuôn khổ các sự kiện thời trang Paris Fashion Week và London Fashion Week 2024, NTK Phạm Ngọc Anh cũng giới thiệu bộ sưu tập với vải làm từ sợi lá dứa, gai xanh, gai dầu… Việc các NTK liên tục tìm đến chất liệu bền vững, thiên nhiên cho may mặc đã giúp làm phong phú thị trường, tăng sự lựa chọn cho khách hàng, giới thiệu đến bạn bè quốc tế những sáng tạo của Việt Nam trong ngành thời trang.
Đánh giá về tiềm năng khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển bền vững ở Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đây là một lĩnh vực có rất nhiều cơ hội, đặc biệt khi Việt Nam đang rất tích cực thúc đẩy thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP 26. Trong lĩnh vực sản xuất vải sợi, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công ngay từ vòng ý tưởng, gọi vốn đầu tư rất hiệu quả vì đây là lĩnh vực được đánh giá là hợp “xu hướng”.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, vẫn có không ít rào cản từ thị trường trong nước. Trong đó nhận thức của người tiêu dùng và việc sẵn sàng “chi trả” cho các sản phẩm thân thiện với môi trường còn hạn chế. Chẳng hạn, hiện thị phần trong nước của Ecosoi chỉ chiếm chưa tới 10%, trong khi sản phẩm tới được châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, có thể nói, để vừa giảm ô nhiễm, vừa giảm giá thành gần không tưởng. Thói quen của người tiêu dùng, chấp nhận chi trả số tiền lớn hơn đối với các sản phẩm xanh có ý nghĩa quyết định trong dài hạn.