10:27 01/12/2023

VCCI: Có tình trạng cắm biển cấm xe tải ở đường song song, dồn lưu lượng vào dự án PPP

Anh Tú

Trước tình trạng trên, VCCI cho rằng phương án tổ chức giao thông của cao tốc cũng như mạng lưới giao thông quanh sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng xe và doanh thu của các dự án đường cao tốc. Do đó, cần đưa nội dung này vào hợp đồng O&M để ngăn rủi ro phát sinh...

Dự kiến nhượng quyền kinh doanh - quản lý cao tốc do Nhà nước đầu tư theo phương thức đối tác công tư (O&M).
Dự kiến nhượng quyền kinh doanh - quản lý cao tốc do Nhà nước đầu tư theo phương thức đối tác công tư (O&M).

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có Công văn số 2534/LĐTM-PC trả lời Bộ Giao thông vận tải về việc đề nghị góp ý Thông tư hướng dẫn một số nội dung dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng kinh doanh - quản lý đường bộ cao tốc (O&M).

Theo Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22/04/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và sửa đổi bởi Nghị định 25/2023/NĐ-CP ngày 15/07/2023, các vấn đề này hiện thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Tuy nhiên, vấn đề tổ chức giao thông cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của của các chủ phương tiện, người dân và doanh nghiệp tại các địa phương có dự án.

Công văn nêu rõ một số nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông phản ánh với VCCI rằng rất quan tâm đến việc tổ chức giao thông của dự án và khu vực xung quanh, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng xe và doanh thu của các dự án đường cao tốc.

 

Trên thực tế, có trường hợp phản ánh với VCCI tình trạng đặt biển báo cấm xe tải tại đường song song nhằm dồn các phương tiện này đi vào dự án PPP.

Do đó, nhiều nhà đầu tư muốn có nội dung này trong hợp đồng PPP để giảm rủi ro doanh thu của dự án.

Các vấn đề về tổ chức giao thông mà doanh nghiệp quan tâm thường bao gồm: các loại biển báo giao thông, phương tiện được phép, không được phép đi vào dự án cũng như các đường nối, đường dẫn, đường song song với dự án.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào dự thảo một số nội dung.

Thứ nhất, bổ sung vào mẫu hợp đồng các vấn đề về phương án tổ chức giao thông của dự án đường cao tốc cũng như mạng lưới giao thông quanh như: đường dẫn, đường nối, đường song song.

Thứ hai, quy định kỹ hơn vấn đề lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch, công nghiệp trong khu vực về phương án tổ chức giao thông dự kiến.

Cũng theo VCCI, việc cho phép tư nhân tham gia quản lý, vận hành đường cao tốc thông qua các hợp đồng O&M không chỉ có tác dụng chuyển nợ công thành nợ tư nhân, chuyển rủi ro doanh thu của con đường mà còn nên được tận dụng để nâng cao năng lực quản lý, vận hành dự án.

Bởi các doanh nghiệp tư nhân thường năng động và linh hoạt hơn trong việc đưa ra các phương án quản lý dự án để đạt được đầu ra mong muốn.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quản trị dự án theo đầu ra thay vì quản lý quá trình.

Theo phương pháp quản lý quá trình, Nhà nước thường đặt ra các yêu cầu như thời hạn bảo trì, số lượng người trực, số lượng phương tiện thường trực để làm các công tác phân luồng, hạn chế ách tắc, cứu hộ cứu nạn…

Ngược lại, theo phương pháp quản lý đầu ra, Nhà nước có thể đặt ra các chỉ tiêu đầu ra như tốc độ lưu thông trung bình và trong giờ cao điểm, thời gian xếp hàng đợi trả phí, tỷ lệ tai nạn giao thông, thời gian từ khi tai nạn đến khi được cứu hộ cứu nạn, mức thiệt hại… Doanh nghiệp dự án có quyền tự đưa ra biện pháp quản lý về nhân lực, vật lực nhằm đạt được mục tiêu đầu ra.

Dự thảo thông tư do Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến quy định về nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; tổng mức đầu tư; doanh thu thu phí; khảo sát, dự báo lưu lượng giao thông; giá trị tối thiểu nộp ngân sách nhà nước; khung lợi nhuận; phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu; mẫu loại hợp đồng O&M.

Hình thức O&M được hiểu là Nhà nước làm đường cao tốc, sau đó nhượng quyền vận hành, bao gồm việc thu phí và thực hiện bảo trì cho nhà đầu tư tư nhân.

Theo giới phân tích, tính chất hợp đồng O&M có nhiều điểm khác biệt so với loại hợp đồng BOT do dự án không có cấu phần xây dựng, Nhà nước không góp vốn vào dự án mà nhà đầu tư phải nộp giá nhận chuyển nhượng quyền thu phí. Kinh nghiệm triển khai tại một số quốc gia cho thấy Nhà nước và nhà thầu tư nhân có thể ký kết hợp đồng trong 5, 7 năm hoặc 30 năm tùy theo mô hình.

Theo đó, nhà đầu tư có thể trả tiền một phần cho nhà nước, số còn lại được trả góp. Đơn vị được nhượng quyền có thể gia tăng lợi nhuận từ kinh doanh trạm dừng nghỉ, tổ chức sự kiện để thu hút phương tiện, giảm chi phí quản lý, bảo trì...

Theo đề xuất được đưa ra trong dự thảo thông tư này, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phải hoàn thành nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp dự án nộp tối thiểu 30% giá trị nộp ngân sách nhà nước trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực. Hợp đồng dự án cũng quy định mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp.