18:57 15/03/2023

Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng?

Hoàng Lan

Số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm, không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế vênh với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định… khiến ngân hàng khó cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ quản trị minh bạch, hiệu quả hơn để dễ dàng tiếp cận tín dụng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ quản trị minh bạch, hiệu quả hơn để dễ dàng tiếp cận tín dụng.

Chiều 15/3, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”.

Tham dự hội nghị có các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và một số bộ ngành liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ phận trong thành phần kinh tế tư nhân, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên phát triển. Thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn".

Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.  

Trong đó, dư nợ tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%).

Các ngân hàng thương mại Nhà nước đang đi đầu trong cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 48,05% tổng dư nợ. Khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%. Khối ngân hàng nước ngoài, liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Tại hội nghị, các tổ chức tín dụng và chuyên gia đã chỉ ra một số điểm mà doanh nghiệp nhỏ và vừa cần khắc phục để dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng. 

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên 65% doanh nghiệp cả nước hiện nay là doanh nghiệp siêu nhỏ. Quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị của những doanh nghiệp này còn hạn chế. Đáng nói hơn cả, nhiều doanh nghiệp có số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.

Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao.... 

Cộng đồng này cũng hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, đặc biệt trong vừa qua nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.

Cuối cùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công…dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.

Trong khi đó, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Do đó, các ngân hàng cho biết không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.