07:00 17/02/2022

Vì sao tuyên bố “không lông thú” của Dolce & Gabbana bị hoài nghi?

Minh Nguyệt

Mới đây, nhà mốt Dolce & Gabbana đã chính thức thông báo rằng họ sẽ không sử dụng chất liệu lông thú cho các bộ sưu tập trong tương lai. Từ năm 2022, thương hiệu sẽ mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất các mặt hàng thời trang bền vững...

Ngành công nghiệp lông thú từ lâu đã bị các nhà hoạt động vì quyền động vật chỉ trích gay gắt. Ngoài lo ngại về mặt đạo đức, các nhà khoa học nói thêm rằng việc sản xuất lông thú còn gây ảnh hưởng lớn tới sự biến đổi khí hậu. Quá trình sản xuất thức ăn gia súc và lượng khí thải từ phân có tác động tiêu cực đến khí hậu cao hơn ít nhất 5 lần so với sản xuất len.

“Dolce & Gabbana đang hướng tới một tương lai bền vững hơn. Chúng tôi sẽ không sử dụng lông động vật. Ngành thời trang cần có trách nhiệm với các vấn đề xã hội hơn. Chúng tôi sẽ tích hợp nhiều chất liệu mới vào bộ sưu tập của mình, đồng thời phát triển các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ có chính sách giúp các nghệ nhân thủ công tiếp tục được làm nghề,” Fedele Usai, đại diện truyền thông của Dolce & Gabbana, cho biết.

Dolce & Gabbana đã nhận được sự ủng hộ lớn từ Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ và Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế. Cả hai tổ chức này đều hoạt động rất năng nổ trong lĩnh vực thời trang bền vững. Từ bây giờ nhà mốt sẽ tạo ra các sản phẩm may mặc và phụ kiện làm từ lông thú sinh thái (ít ảnh hưởng đến khí hậu hơn). 

Vì sao tuyên bố “không lông thú” của Dolce & Gabbana bị hoài nghi? - Ảnh 1
Vì sao tuyên bố “không lông thú” của Dolce & Gabbana bị hoài nghi? - Ảnh 2
 

Bằng cách này, Dolce & Gabbana kỳ vọng sẽ thu hút được các khách hàng trẻ tuổi, những người quan tâm đến các vấn đề về sinh thái và khai thác động vật. Tuyên bố chung của hãng thời trang đã được Hiệp hội bảo vệ quyền động vật Humane Society International công bố trên trang web của tổ chức.

Tuy nhiên, động thái của Dolce & Gabbana đã dấy lên nhiều luồng ý kiến trong dư luận. Bên cạnh những bình luận hưởng ứng quan điểm của hãng, có không ít người tiêu dùng cho rằng đây chỉ là chiêu đối phó tạm thời trước những chỉ trích gay gắt từ Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA). Bởi mối quan hệ giữa thương hiệu nước Ý với PETA vốn không êm đẹp. Trong khi PETA đã từng nhiều lần tổ chức biểu tình phản đối trước các cửa hàng của Dolce & Gabbana thì thương hiệu này mãi đến nay mới tỏ rõ thái độ.

Trong một tuyên bố từ PETA, tổ chức bảo vệ động vật từng nói rằng để thuyết phục các thương hiệu từ chối sử dụng lông thú là một quá trình rất dài. Thậm chí, tổ chức này còn xuất hiện tại cuộc họp thường niên của các thương hiệu, hay biểu tình trên đường phố để tác động đến chính sách sản xuất của các hãng. Trong mục tiêu hoạt động hồi năm 2019, PETA cho biết,  các thương hiệu như Yves Saint Laurent và Dolce & Gabbana chính là "đích đến" để PETA tiếp cận và thuyết phục.

Vì sao tuyên bố “không lông thú” của Dolce & Gabbana bị hoài nghi? - Ảnh 3
Vì sao tuyên bố “không lông thú” của Dolce & Gabbana bị hoài nghi? - Ảnh 4
 

Dù vậy, sự thay đổi theo hướng thời trang có đạo đức đã khiến phong trào nói không với lông thú đang tăng tốc nhanh chóng trên toàn cầu. Prada, Miu Miu, Car Shoe và Church's là những thương hiệu thời trang tiếp theo đã ký tên vào danh sách không sử dụng lông thú, da động vật cho các bộ sưu tập kể từ mùa Xuân - Hè 2020.

Trước đó, hàng loạt thương hiệu thời trang nổi tiếng khác như Versace, Gucci, Michael Kors, Chanel, Armani, Burberry, Donna Karan, Calvin Klein... đã cấm lông thú xuất hiện trong các sản phẩm của hãng. Thương hiệu Victoria Beckham cũng đã ký cam kết không sử dụng lông thú hay các loại da kỳ lạ cho các BST trong tương lai. Ngoài Victoria Beckham, Stella McCartney là người nổi tiếng sở hữu thương hiệu thời trang tiếp theo ủng hộ việc không sử dụng lông thú để thiết kế trang phục.

Tháng 2/2019, Hội đồng thành phố Los Angeles, Mỹ đã thông qua sắc lệnh cấm bán và sản xuất lông thú ở khu vực. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. San Francisco cũng bắt đầu ra lệnh cấm tương tự thành phố Los Angeles. Trước động thái từ các tổ chức chính phủ, hội bảo vệ động vật, nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng liên tục ghi tên vào danh sách không sử dụng lông thú, da động vật cho các thiết kế là điều dễ hiểu.