14:00 14/02/2022

Saint Laurent và Chanel hợp tác chống đạo nhái trong thời trang

Minh Nguyệt

Trong những năm gần đây, Chanel và Saint Laurent đã trở thành 2 cái tên thành công trong việc tiếp cận tầng lớp khách hàng trẻ tuổi ở châu Á. Việc cạnh tranh từng giây phút để phát triển thịnh vượng khiến cũng có lúc, 2 "ông lớn" ngành thời trang này lâm vào tình cảnh "sứt đầu mẻ trán"…

Tháng 5 năm ngoái, khi Saint Laurent ra mắt bộ sưu tập Thu Đông 2021, giới mộ điệu nhanh chóng soi ra những thiết kế áo tweed mới của hãng nhìn y hệt người "hàng xóm" Chanel. Sau đó, chủ tịch Chanel, ông Bruno Pavlovsky đã công khai gọi Saint Laurent là "đồ ký sinh" và "công chúng biết ai mới là người làm áo khoác vải tweed". 

Vị chủ tịch của Chanel SAS đã chỉ trích thương hiệu Saint Laurent rất nặng nề: "Thật đáng buồn khi thấy một thương hiệu như vậy lại ký sinh vào nhà mốt khác. Saint Laurent là một thương hiệu lộng lẫy. Tôi nghĩ thật đáng xấu hổ khi không tự viết nên lịch sử của mình và phải sao chép từ người khác. Nhưng khách hàng sẽ không bị lừa. Khách hàng sẽ quyết định thương hiệu nào làm ra chiếc áo khoác vải tweed đẹp nhất. Tôi không quá lo lắng".

Công chúng sau đó cũng thừa nhận sự giống nhau giữa chiếc áo tweed của Saint Laurent với áo tweed của Chanel. Không chỉ dừng lại ở chất vải, Saint Lauren cũng sử dụng "chain belt" - chiếc thắt lưng kim loại mang đậm dấu ấn Chanel để khoác lên những bộ trang phục của mình.

Tuy vậy, liệu Saint Laurent có thực sự đạo nhái Chanel không vẫn là một việc khó để kết luận. Bởi các trường hợp như thế này trong thời trang thường được gọi là knockoff. Đây là thuật ngữ dùng để ám chỉ những thiết kế được "lấy cảm hứng" từ thương hiệu cao cấp và bán giá rẻ hơn. Các sản phẩm này khó lòng bị cho là vi phạm bản quyền trừ khi bị chứng minh là gây nhầm lẫn cho khách hàng. 

Saint Laurent và Chanel hợp tác chống đạo nhái trong thời trang - Ảnh 1
Saint Laurent và Chanel hợp tác chống đạo nhái trong thời trang - Ảnh 2
 

Vậy nhưng, 9 tháng sau những lùm xùm kể trên, chính hai thương hiệu này lại quyết định “hóa giải hận thù” bằng cách bắt tay hợp tác về cam kết chống đạo nhái trong thời trang. “Các hãng thời trang và thời trang cao cấp của Pháp là yếu tố thiết yếu của di sản nước Pháp. Chúng ta phải bảo vệ sự sáng tạo và tay nghề khéo léo này khỏi những công ty ký sinh có mô hình kinh doanh dựa trên đạo nhái và hàng giả”. Đây là những lời trích dẫn từ thông báo của sự hợp tác giữa hai thương hiệu.

“Chanel và Saint Laurent đã có sự tôn trọng dành cho nhau từ rất lâu và thống nhất với nhau trong việc hỗ trợ nhau bảo vệ sự sáng tạo trước mọi nỗ lực từ các mô hình kinh doanh cố tình làm suy yếu hoặc làm giảm giá trị của sáng tạo và đầu tư”, thông báo nói thêm.

Tuyên bố này khiến giới quan sát ngạc nhiên, một số người còn tự hỏi liệu đây có phải là một phần của sáng kiến ​​mới trên toàn ngành hay không. Trong khi đó, Chanel cho biết thương hiệu ra tuyên bố như vậy và không nhắm vào bất kỳ công ty nào riêng biệt. Công ty cũng từ chối xác nhận hay phủ nhận điều này có liên quan đến bất kỳ hoạt động pháp lý nào không.

“Hai thương hiệu của chúng tôi có sự tôn trọng sâu sắc đối với những người trong ngành và với tất cả những người đang đóng góp vào danh tiếng và sự xuất sắc của thời trang cao cấp ở Pháp và thế giới. Vào thời điểm nhiều công ty đang cố gắng thu lợi từ các mật mã thiết kế, hình ảnh và tính sáng tạo của những ngôi nhà lịch sử, chúng tôi cảm thấy việc tái khẳng định tinh thần sẵn sàng bảo vệ giá trị của thời trang Pháp là hoàn toàn phù hợp”, đại diện thương hiệu Chanel cho biết.

Việc đăng ký bảo hộ bản quyền cho thiết kế hoàn toàn có thể thực hiện nhưng vẫn sẽ rất tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc.
Việc đăng ký bảo hộ bản quyền cho thiết kế hoàn toàn có thể thực hiện nhưng vẫn sẽ rất tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc.

Trên thực tế, về phương diện pháp luật, ngoài châu Âu thì hầu hết ở mọi nơi trên thế giới kể cả Mỹ, thời trang không được pháp luật bảo vệ như với các ngành sáng tạo khác (văn học, điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật…) bởi thời trang được xem là một ngành công nghiệp sản xuất hơn là sáng tạo và quần áo có chức năng chính là bảo vệ cơ thể và làm đẹp vì thế không cần bảo hộ bản quyền.

Chính nhờ “lỗ hổng” pháp lý này mà hàng giả/nhái (counterfeit/replica) là vi phạm pháp luật trong khi knockoffs thì không. Với hàng giả/nhái, luật thi hành không chỉ áp dụng lên cơ sở sản xuất, phân phối hàng giả/nhái mà còn với cả khách hàng ở một số nước như Pháp và Ý bởi vì pháp luật nói chung mặc nhiên cho rằng người tiêu dùng hoàn toàn “vô tội” và không biết mình mua phải hàng giả nhưng trên thực tế, có một bộ phận đông đảo khách hàng chủ động tìm mua hàng giả/nhái của các thương hiệu cao cấp. Trong khi đó, các sản phẩm knockoff không vi phạm luật sở hữu trí tuệ bởi chúng không sao chép logo, tên thương hiệu, họa tiết đã đăng ký bản quyền của các thương hiệu thời trang “đã truyền cảm hứng” lên chúng. 

Có một ranh giới mập mờ giữa hàng giả/nhái và knockoff, giữa nguyên bản và sao chép vì cho đến nay, các thương hiệu thời trang chỉ có thể đăng ký “trademark” độc quyền đối với logo, tên thương hiệu, họa tiết, ký hiệu, mẫu vẽ… còn những phần mang tính chức năng như áo, quần, đế giày, mũi giày,… thì không thể đăng ký bảo hộ bản quyền trừ phi kiểu dáng của chúng thực sự rất khác biệt, không giống bất kỳ mẫu đã có sẵn nào và nhìn vào là nhận ra ngay. Khi đó, việc đăng ký bảo hộ bản quyền cho thiết kế hoàn toàn có thể thực hiện nhưng vẫn sẽ rất tốn thời gian, công sức và cả tiền bạc.