07:50 11/07/2007

Vì sao Vincom rút khỏi dự án Chợ Hôm - Đức Viên?

M.Đức - H.Xuân

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vincom trả lời về những thắc mắc xung quanh việc công ty này rút khỏi dự án Chợ Hôm - Đức Viên

Chợ Hôm - Đức Viên hiện nay - Ảnh: TP.
Chợ Hôm - Đức Viên hiện nay - Ảnh: TP.
Ngày 9/7, Công ty Cổ phần Vincom đã tuyên bố ngừng tham gia đấu thầu dự án Chợ Hôm - Đức Viên.

Thông tin này lập tức gây chú ý và thắc mắc ở công chúng đầu tư, đặc biệt là với những người vừa tham gia cuộc đấu giá cổ phiếu Vincom ngày 3/7 vừa qua. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vincom để làm rõ hơn về vấn đề này.

Vì sao Vincom lại rút khỏi dự án này nhanh như vậy, thưa ông?

Theo chúng tôi được biết, dự án này có 2 nhà thầu, một là Vincom và một là liên danh giữa Media Will, Golden Bridge và Công ty 36 (Bộ Quốc phòng).

Chúng tôi được biết là bên nhà thầu liên danh đã đưa ra những phương án rất tốt cho thành phố, ví dụ như tiền thuê đất cao gấp khoảng 4 lần mức chúng tôi đưa ra và tiền đóng góp cho thành phố cao gấp 11 lần.

Phía Golden Bridge cũng nhấn mạnh là trong dự án này, việc kinh doanh không phải là chính bởi ông Lý Tường Tuấn là hậu duệ nhà Lý và mong muốn đóng góp cho Thủ đô một công trình nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương này và rút khỏi dự án để tạo điều kiện cho liên danh thực hiện mong muốn của họ.

Dự án xây dựng Chợ Hôm - Đức Viên được các nhà đầu tư kỳ vọng là một trong những dự án mang lại hiệu quả cho Vincom sau này. Việc rút khỏi dự án của Vincom được đưa ra vào lúc này đã ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của Vincom và các nhà đầu tư tham gia đấu thầu cổ phiếu của Vincom ngày 3/7, thưa ông?

Trong bản cáo bạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vincom vào ngày 3/7 vừa qua có nêu rõ các dự án mà chúng tôi dự kiến sẽ triển khai.

Tôi xin nhắc lại là dự kiến sẽ triển khai, chứ chúng tôi không nói là đang triển khai rồi. Ở đây có sự nhầm lẫn, một số nhà đầu tư có thể hiểu là bắt đầu xây dựng, đã động thổ rồi. Trong bản cáo bạch cũng ghi rõ là số tiền huy động từ đợt IPO vừa qua hoàn toàn không để phục vụ cho dự án này.

Nếu nhà đầu tư nào đã trúng thầu đợt đấu giá cổ phiếu ngày 3/7 vừa qua cho rằng dự án Chợ Hôm - Đức Viên ảnh hưởng đến quyết định của họ và lo ngại việc rút khỏi dự án này sẽ ảnh hưởng đến quyết định đó thì có thể không mua cổ phiếu Vincom và rút toàn bộ tiền cọc.

Toàn bộ số cổ phiếu đó sẽ được cổ đông lớn nhất của Vincom là ông Phạm Nhật Vượng mua lại với giá trúng thầu. Chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu có sự ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Cũng có ý kiến cho rằng Vincom đã đưa dự án này vào bản cáo bạch để “làm giá” cổ phiếu. Ông giải thích thế nào về điều này?

Về một số thông tin cho rằng chúng tôi dùng dự án này để đánh bóng, làm giá cổ phiếu thì trong cáo bạch cũng đã nêu rõ, trong báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như thông báo rộng rãi chúng tôi cũng nói rõ là việc đang triển khai dự án với nghĩa là đang tham gia đấu thầu và kết quả đấu thầu đến nay vẫn chưa có.

Chúng tôi cũng không đề cập đến dự án này với báo chí và phóng viên cũng không hỏi về dự án. Và tôi gần như là người phát ngôn duy nhất ở Vincom về dự án này nên tôi tin chắc không có ai khác tung tin đánh bóng kiểu như thế.

Trong hồ sơ dự thầu, Vincom đưa ra phương án xây dựng theo trung tâm thương mại hạng 2, trong khi của nhà thầu liên danh là hạng 1. Ông có thể giải thích về sự khác biệt này?

Ở đây rất dễ gây mọi người nhầm tưởng là bên kia sẽ xây cao cấp hơn, sang trọng hơn, nhưng nếu có bản quy định của Bộ Thương mại thì sẽ thấy rõ thế nào là hạng 1, thế nào là hạng 2. Hạng 1 xin lưu ý là phải có diện tích kinh doanh trên 50.000 m2, không gồm khu phụ, cầu thang... Còn hạng 2 là dưới 30.000 m2.

Diện tích Chợ Hôm - Đức Viên nếu xây dựng tối đa, tính cả tường, là 42.000 m2, lưu ý là diện tích xây dựng chứ không phải diện tích kinh doanh, nên không thể xây dựng hạng 1. Đó cũng là lý do Vincom đề xuất chỉ xây dựng hạng 2 cho dự án này.

Khi trao đổi với báo giới, ông có đề cập đến sự “không đúng luật” của nhà thầu liên danh trong dự án này. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo mời các nhà đầu tư đăng ký đầu tư dự án, thời gian tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 13/2/2007. Có 2 nhà thầu đăng ký gồm Vincom và liên danh Media Will, Golden Bridge cùng Vinaconex 1.

Tuy nhiên, đến ngày 5/3/2007, Vinaconex rút khỏi dự án nhưng không hề chuyển giao cho bất kỳ bên nào khác để kế thừa các quyền và nghĩa vụ của mình trong liên danh trên. Như vậy có thể hiểu rằng liên danh trên không tồn tại kể từ 5/3/2007.

Nhưng ngày 7/3/2007, liên danh mới được lập gồm Media Will, Golden Bridge và Công ty 36 (Bộ Quốc phòng). Tháng 5/2007, liên danh này cùng Vincom nộp hồ sơ đấu thầu. Xét về thủ tục thì kể từ ngày 5/3/2007 chỉ còn 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia là Vincom vì liên danh trước đó không còn tồn tại.

Tuy nhiên, liên danh mới xuất hiện sau đó mà không phải là đơn vị đã đăng ký đầu tư trong thời hạn quy định (từ 29/1/2007 đến 13/2/2007), nhưng không rõ tại sao lại được chấp nhận và cho dự thầu thay thế liên danh trước?