17:19 20/03/2023

Việc làm "xanh" không tự xuất hiện, mà hình thành từ chiến lược của doanh nghiệp

Thu Hằng

Việc làm xanh không tự nhiên xuất hiện, mà hình thành từ chiến lược của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có những cam kết về phát triển bền vững thì phải có những cam kết về về bảo vệ môi trường, từ đó có nhu cầu về các vị trí việc làm xanh…

Ảnh minh họa. Nguồn - ILO.
Ảnh minh họa. Nguồn - ILO.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm “xanh” giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu; hạn chế phát thải khí nhà kính; giảm thiểu rác thải và ô nhiễm; bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái, cũng như hỗ trợ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

NGƯỜI LAO ĐỘNG NGÀY CÀNG QUAN TÂM ĐẾN VIỆC LÀM XANH KHI ỨNG TUYỂN

Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, với sự tham gia đóng góp của nhiều ngành nghề, tạo ra nhu cầu lớn về việc làm “xanh” và kỹ năng “xanh” trên thị trường lao động.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam, cho biết theo khảo sát của đơn vị này, những vị trí việc làm xanh được áp dụng từ năm 2022 đến nay tại Việt Nam chủ yếu là các vị trí như quản lý kỹ thuật dự án, giám sát xây dựng, giám đốc đầu tư, giám đốc quản lý vận hành…Nhu cầu việc làm xanh cao nhất đến từ các ngành sản xuất, chiếm đến 48%, năng lượng 34%, nông nghiệp 11%...

Nhìn chung, tất cả những việc làm hướng đến hành động bảo vệ môi trường, giảm tải phát thải và thực hiện những tiêu chí về phát triển bền vững của doanh nghiệp thì đều gọi là việc làm xanh.

“Chúng ta đừng ngần ngại và đừng bao giờ nghĩ rằng mình không có cơ hội để làm việc làm xanh, bởi việc làm xanh và kỹ năng xanh thực chất là những hiểu biết, hành vi và ứng xử hằng ngày khi chúng ta thực hiện những công việc của mình nhưng hướng đến bảo vệ môi trường”, bà Hương nói.

 
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam

Theo bà Hương, thực tế nhu cầu về việc làm xanh ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của người lao động. Điều này thể hiện rất rõ qua việc tìm kiếm việc làm hướng đến các doanh nghiệp xanh của ứng viên. Kinh nghiệm thực tiễn từ quá trình tuyển dụng, bà Hương nhận thấy nếu như trước kia ứng viên thường quan tâm nhiều hơn đến ngành nghề hoạt động của công ty, mức lương, địa điểm làm việc…, thì nay ngoài những yếu tố này, nhà tuyển dụng nhận được nhiều câu hỏi về các hoạt động xã hội của công ty hơn.

“Điều dễ nhận thấy là những quảng cáo tuyển dụng có đề cập đến yếu tố doanh nghiệp có trách nhiệm cao với cộng đồng, môi trường thường thu hút số ứng viên đông đảo hơn, nhất là khi phỏng vấn, nếu nhà tuyển dụng có những giải thích cụ thể về yếu tố này thì đây sẽ là điều rất hấp dẫn đối với các ứng viên, đặc biệt là lao động trẻ”, bà Hương dẫn chứng.

Tương tự các khách hàng cũng vậy, ở phía đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng, bà Hương cho rằng, trong tiêu chí tuyển dụng, hiện nay hầu hết họ đều yêu cầu khi đề cập tới “profile” của doanh nghiệp thì hãy đưa những hoạt động liên quan đến phát triển bền vững để thu hút ứng viên.

XU HƯỚNG TIẾP TỤC NỞ RỘ

Nhu cầu việc làm xanh đang trở thành xu hướng, còn doanh nghiệp cũng ngày càng chú trọng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, có những câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh suy thoái thì doanh nghiệp phát triển theo hướng xanh sẽ bị tác động thế nào, lao động nhóm này có bị ảnh hưởng, bị giảm việc, lương thấp hơn không?

Về vấn đề này, bà Thanh Hương nhìn nhận, đúng là thường có ý kiến rằng khi thoái kinh tế thì doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, từ đó dẫn đễn cắt giảm chi phí liên quan đến hoạt động phát triển bền vững. Doanh nghiệp sẽ chú trọng đến yếu tố làm thế nào để trụ lại trong khủng hoảng kinh tế hơn thay vì đầu tư và đóng góp cho chương trình phát triển bền vững. Song trên thực tế không phải như vậy.

Các ngành nghề có tác động nhiều đến môi trường vẫn có cơ hội việc làm xanh. Ảnh minh họa. 
Các ngành nghề có tác động nhiều đến môi trường vẫn có cơ hội việc làm xanh. Ảnh minh họa. 

Giám đốc Nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam đánh giá, qua những khảo sát và xu hướng tuyển dụng; đòi hỏi từ phía người lao động, nếu như cắt giảm những yếu tố này thì doanh nghiệp không còn là nhà tuyển dụng lí tưởng trong mắt ứng viên, nhân viên nữa.

“Nguy cơ hiện hữu là trong khủng hoảng mà doanh nghiệp không hấp dẫn ứng viên, nhân viên không gắn bó thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ chắc chắn có một số công ty sẽ phải xem xét cắt giảm những hạng mục theo thứ tự ưu tiên, song tin rằng các công ty rất cân nhắc, nghiêm túc khi họ cắt giảm những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.

Việc cắt giảm này có thể giúp doanh nghiệp ngay lập tức tiết kiệm một khoản chi phí, nhưng về lâu dài họ sẽ phải đối phó với những phản ứng không tích cực từ phía nhân viên, ứng viên. Tất cả những ai làm doanh nghiệp đều cảm thấy điều đó rất quan trọng và họ sẽ thực sự phải cân nhắc”, bà Hương tái khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Đinh Hoàng Yến, Trưởng phòng Tiếp thị và Đối ngoại, ManpowerGroup Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, doanh nghiệp phải cân nhắc rất nhiều yếu tố để đảm bảo tổ chức của họ vẫn hoạt động tốt.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp hiểu rõ được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong việc thu hút nhân viên và ứng viên thì sẽ luôn cam kết với những mục tiêu đã đặt ra, có giải pháp tốt nhất trong bối cảnh đó.

Theo bà Yến, cơ hội việc làm xanh là xu hướng trên toàn cầu khi các quốc gia đang hướng đến tăng trưởng xanh, việc làm xanh cũng sẽ nở rộ ở Việt Nam “không sớm thì muộn”. Theo nhận định của ManpowerGroup, Việt Nam đã có xu hướng này rồi và còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Nói thêm về nội dung trên, bà Nguyễn Thanh Hương nhấn mạnh, việc làm xanh chắc chắn có nhiều hơn ở những doanh nghiệp xanh, song ngay cả những ngành nghề có tác động tới môi trường như xi măng sắt thép, vật liệu công nghiệp thì vẫn có cơ hội để mở rộng việc làm xanh.

“Việc làm xanh không tự nhiên xuất hiện, mà hình thành từ chiến lược của doanh nghiệp, nếu họ có những cam kết về phát triển bền vững đồng nghĩa cần có cam kết về về bảo vệ môi trường”, bà Hương lí giải.

Ví dụ cụ thể với những ngành như sản xuất xi măng sắt thép thì cần đặt vấn đề xử lí nước thải thế nào, đảm bảo an toàn cho người lao động ra sao, trách nhiệm với cộng đồng, vấn đề kho bãi, vận chuyển…, những yếu tố này đòi hỏi người làm công việc đó phải có kiến thức, biết cách đóng góp để các tiêu chí trở thành hiện thực, thậm chí trong mỗi việc làm hằng ngày đều cần thể hiện kỹ năng đó.

“Điều quan trọng để mở rộng và duy trì việc làm xanh, đặc biệt ở những ngành nghề, doanh nghiệp có tác động lớn đến môi trường thì đầu tiên phải đi từ chiến lược của ban lãnh đạo. Chiến lược này cần được truyền tải bằng hành động cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh hằng ngày; bằng các chương trình truyền thông đào tạo cho người lao động.

Người lao động phải biết vận hành, ứng dụng. Song song với chiến lược phải có cơ chế khen thưởng việc làm tốt, nhưng cũng cần hình thức phạt nếu vi phạm đến tiêu chí, chính sách của công ty”, bà Hương nhấn mạnh.