19:36 24/05/2022

Viễn cảnh của tỷ giá trước cuộc "so găng" giữa kiều hối và xu hướng mạnh lên của đồng đô la

Dòng kiều hối liên tục tăng trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ rất lớn đối với điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước...

Báo cáo tóm tắt về "Di cư và Phát triển" vừa được Ngân hàng thế giới (WB) công bố cho biết, năm 2021, Việt Nam là 1 trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với khoảng 18 tỷ USD.

Còn theo số liệu chính thức do Ngân hàng Nhà nước công bố, kiều hối về Việt Nam năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020. Trong đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 70%, các công ty kiều hối 28%, còn lại qua bưu điện 2%.

Nhìn chung, dù thống kê của tổ chức quốc tế hay cơ quan quản lý trong nước có phần khác nhau nhưng thực tế cho thấy, nhiều năm trở lại đây, lượng kiều hối về Việt Nam rất ổn định, tăng trưởng với quy mô đều trên 10 tỷ USD mỗi năm.

Đáng chú ý, nguồn kiều hối đổ về hiện nay cơ bản từ các quốc gia phát triển, nơi có đồng tiền mạnh như USD. Do đó, nguồn ngoại tệ này đã góp phần lớn giúp Việt Nam giữ vững tỷ giá hối đoái trong thời gian vừa qua.

Thậm chí, năm 2021, VND còn lên giá so với USD bất chấp chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh DXY tăng mạnh. Cụ thể, giá giao dịch USD thực tế tại các ngân hàng thương mại đã giảm tới 1,14%; tương tự tỷ giá liên ngân hàng USD/VND cũng giảm 1,18% so với thời điểm cuối năm 2020.

Diễn biến tỷ giá USD/VND khá ổn định trong 1 năm trở lại đây
Diễn biến tỷ giá USD/VND khá ổn định trong 1 năm trở lại đây

Bước sang những tháng đầu năm 2022, dòng kiều hối tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh từng thông tin, lượng kiều hối đổ về địa phương này thông qua các ngân hàng quý 1/2022 đạt 1,775 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng gần 25% so với lượng kiều hối chuyển về của cả năm 2021.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, con số kiều hối nói trên là tín hiệu tốt trong bối cảnh những tháng đầu năm phát sinh những diễn biến phức tạp về địa chính trị có ảnh hưởng đến các thị trường và các hoạt động kinh tế thương mại trên thế giới. Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương.

Nhờ nguồn kiều hối tăng trưởng tốt, trong tuần đầu tháng 5/2022, VND hầu như đi ngang bất chấp quyết định tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Diễn biến này trái ngược với xu hướng giảm của các đồng tiền trong khu vực.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, do đồng USD mạnh lên quá nhiều nên nguồn kiều hối cũng chỉ giúp “ghìm cương” tỷ giá USD/VND trong một khoảng thời gian ngắn, chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn áp lực tăng tỷ giá ở mọi thời điểm trong năm.

Thực tế cho thấy, tỷ giá USD/VND đang rục rịch tăng. Cụ thể, tuần từ 9/5 – 13/5/2022, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tăng 0,6% lên 23.095 VND trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 140 VND, kết tuần ở mức 22.920/23.230 VND.

Kéo dài sang tuần vừa qua, từ 16/5 – 20/5/2022, giá USD trên thị trường liên ngân hàng đóng cửa tại 23.172 VND, tăng 78 VND so với phiên cuối tuần trước đó.

Dự báo về tỷ giá trong năm 2022, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định: "Mặc dù kỳ vọng vào lượng kiều hối tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 5-7%, nhưng diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính có thể khiến tỷ giá USD/VND tăng nhẹ trong khoảng 0,5 - 1% trong năm 2022".

Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, bên cạnh nguồn cung USD dồi dào từ kiều hối, thì Việt Nam vẫn đang có cán cân thương mại thặng dư và dự trữ ngoại hối ở mức cao nhất lịch sử.

“Thêm vào đó, Mỹ không cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ nhưng vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ vẫn phải sử dụng các biện pháp để giữ đồng VND không bị mất giá quá lớn”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.