Việt Nam - Azerbaijan tăng cường hợp lực về khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo
Việt Nam khuyến khích các quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ của Azerbaijan tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam, một thị trường gần 100 triệu dân với tinh thần khởi nghiệp đang lên cao. Ngược lại, Việt Nam cũng sẵn sàng hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo của Azerbaijan tiếp cận thị trường Đông Nam Á...

Chiều 16/7/2025, trong khuôn khổ phiên họp thứ nhất Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam - Azerbaijan, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Azerbaijan 2025 với chủ đề “Hội tụ nguồn lực đầu tư phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia trong kỷ nguyên kinh tế số” đã chính thức diễn ra, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Diễn đàn do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế Azerbaijan tổ chức nằm trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế “Global National Entrepreneurship Forum” - Diễn đàn Đầu tư và Khởi nghiệp Toàn cầu.
NHIỀU DƯ ĐỊA HỢP TÁC NGOÀI LĨNH VỰC TRUYỀN THỐNG
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Azerbaijan được xây dựng trên nền tảng lịch sử vững chắc và tình cảm chân thành giữa hai dân tộc. Ngay từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm tới Baku. Đến năm 1983, lãnh tụ Heydar Aliyev cũng đã đến thăm Việt Nam, đặt nền móng cho tình hữu nghị được tiếp nối và phát triển không ngừng cho tới ngày nay.
Gần đây nhất, chuyến thăm cấp Nhà nước Azerbaijan của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 5/2025, với việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược, đã mở ra một chương mới cho hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Azerbaijan. Azerbaijan hiện là đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam tại khu vực Caucasus, phản ánh sự tin cậy chính trị sâu sắc và tiềm năng hợp tác phong phú giữa hai nước.

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Azerbaijan đang ngày càng khởi sắc. Mặc dù kim ngạch song phương hiện nay còn khiêm tốn (chỉ đạt khoảng 52 triệu USD năm 2024), nhưng triển vọng tăng trưởng rất đáng lạc quan. Điển hình, ngay trong quý 1/2025, thương mại hai chiều đã vượt mốc 100 triệu USD, báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ và dư địa hợp tác còn rất lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hai bên có cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp nhẹ và nông sản chất lượng cao, trong đó dệt may, nông nghiệp là những ngành có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Azerbaijan.
Ngược lại, Azerbaijan có tiềm năng cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm như dầu thô (phục vụ năng lượng), bông sợi, nguyên liệu phục vụ dệt may, cũng như các sản phẩm mà thị trường Việt Nam có nhu cầu.
Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh năng lượng là một trụ cột hợp tác truyền thống và vẫn giữ vai trò chủ đạo. Azerbaijan đã trở thành nguồn cung cấp dầu thô ổn định cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam.
Bên cạnh lĩnh vực dầu khí truyền thống, hai bên cũng nhìn nhận tiềm năng to lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. “Tổng thống Ilham Aliyev khẳng định sẵn sàng đầu tư vào năng lượng sạch tại Việt Nam, mời gọi doanh nghiệp Việt Nam tham gia các dự án điện gió, điện mặt trời ở Azerbaijan. Đây là hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển xanh và bền vững của cả hai quốc gia”, ông Long nhận định.
Với lĩnh vực logistics, hai bên đang xem xét kế hoạch sớm mở các đường bay thẳng giữa Baku và các thành phố lớn của Việt Nam, với định hướng hình thành những tuyến vận tải kết nối “Trung Á – Caucasus – Đông Nam Á” mà Việt Nam và Azerbaijan là các điểm cầu quan trọng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy thương mại và du lịch giữa hai bên.
Ông Elnur Aliyev, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Kinh tế, Cộng hòa Azerbaijan cũng cho rằng Azerbaijan và Việt Nam đã có các thỏa thuận hiện có về dịch vụ hàng không, hợp tác vận tải. Tháng 5/2025 hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ mới về công nghệ và phát triển số. Sự hợp tác này phù hợp với tầm nhìn rộng lớn hơn của Azerbaijan về việc trở thành một trung tâm khu vực lớn.

Ngày nay, Azerbaijan được định vị chiến lược tại ngã tư của châu Âu và châu Á, đồng thời, đóng vai trò là một đối tác quan trọng trong sáng kiến Hành lang Trung. Azerbaijan tiếp tục phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế. Trong ba thập kỷ qua, đất nước Azerbaijan đã thu hút hơn 360 tỷ đô la đầu tư, với GDP thực tế tăng gấp ba lần từ năm 2004 đến năm 2024.
“Chúng tôi tự hào cung cấp một môi trường đầu tư năng động cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua Khu kinh tế tự do Alat (AFEZ) và một mạng lưới các khu công nghiệp, nơi chúng tôi cung cấp khung pháp lý thuận lợi nhất có thể”, ông Elnur Aliyev chia sẻ.
CÙNG TẠO RA NHỮNG DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ MỚI
Trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là động lực không thể thiếu cho tăng trưởng kinh tế. Thứ trưởng Long chia sẻ ngay trong chuyến thăm Baku tháng 5/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Phát triển Số của Azerbaijan đã ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số, công nghệ thông tin và hạ tầng số. Hai bên đặc biệt quan tâm đến an ninh mạng, chính phủ số và các công nghệ tiên tiến, tạo nền tảng cho việc hiện đại hóa nền kinh tế.
Cùng với đó, hai bên đang thúc đẩy kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp giữa hai quốc gia. Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia của Việt Nam và Cơ quan Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Azerbaijan đã ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập Hội đồng Doanh nghiệp Azerbaijan – Việt Nam, nhằm tạo kênh liên kết trực tiếp cho cộng đồng doanh nhân hai nước giao lưu, hợp tác.
“Chúng tôi khuyến khích các quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ của Azerbaijan tìm hiểu cơ hội tại Việt Nam – một thị trường gần 100 triệu dân với tinh thần khởi nghiệp đang lên cao. Ngược lại, Việt Nam cũng sẵn sàng hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo của Azerbaijan tiếp cận thị trường Đông Nam Á", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định; đồng thời cho rằng sự hợp lực về khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích thiết thực, tạo ra những doanh nghiệp công nghệ mới, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết các bài toán phát triển bền vững cho cả hai nước.
TS. Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, cho biết Hiệp hội đã nghiên cứu và xem SME House như một mô hình tham khảo quý giá trong kế hoạch phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, hướng tới mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Mô hình SME House của Azerbaijan, với cách tiếp cận tích hợp hỗ trợ doanh nghiệp từ ươm mầm đến trưởng thành, hoàn toàn tương đồng với định hướng đó.
Theo TS. Đinh Việt Hoà, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Azerbaijan 2025 là bước tiến mới trong chiến lược kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam ra toàn cầu. Thông qua hợp tác quốc tế, đặc biệt với những đối tác năng động như Azerbaijan, chúng ta có thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư vào công nghệ, khởi nghiệp số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng.

“Với kỳ vọng trở thành nền tảng kết nối chiến lược giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Azerbaijan 2025 là minh chứng cho nỗ lực mở rộng ngoại giao kinh tế, đưa khởi nghiệp Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ đổi mới toàn cầu”, ông Hoà nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia đánh giá Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, vô cùng ý nghĩa với Việt Nam khi dân số 100 triệu dân nhưng hiện tại Việt Nam mới có 940.000 doanh nghiệp.
“Khác với đất nước của các bạn - Azerbaijan, dân số các bạn chỉ bằng 1/10 dân số Việt Nam, nhưng các bạn có tới 250.000 doanh nghiệp. Nếu tính bình quân, chỉ 40 người một doanh nghiệp. Đó cũng chính là mục tiêu của Việt Nam, chúng tôi hướng đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp. Chúng tôi tìm đến sự cân bằng cũng giống như đất nước Azerbaijan”, ông Hoà chia sẻ.
Hơn nữa, không chỉ thúc đẩy, tạo dựng lên nhiều doanh nghiệp mới, hai bên cùng đồng hành giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức để số lượng các doanh nghiệp đóng cửa sẽ ngày một ít hơn.