21:50 01/02/2021

Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình ở Myanmar

Quang Thanh

Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho Cộng đồng ASEAN

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Báo TGVN
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Báo TGVN

Ngày 1/2, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tình hình gần đây tại Myanmar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi diễn biến tại nước này.

"Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Myanmar. Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Cùng ngày, Trung Quốc, Mỹ cùng chính phủ các nước láng giềng tại Đông Nam Á cũng lên tiếng về việc nhà lãnh đạo Myanmar - bà Aung San Suu Kyi cùng hàng loạt nhân vật cấp cao trong đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của nước này bị quan đội bắt giữ sáng ngày 1/2. 

Theo AFP, trong cuộc họp báo ngày 1/2, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết nước này vẫn đang tìm hiểu thêm về tình hình, đồng thời kêu gọi khôi phục ổn định ở Myanmar. 

"Trung Quốc là nước láng giềng hữu nghị của Myanmar. Chúng tôi hy vọng các bên bất đồng tại Myanmar sẽ giải quyết những khác biệt theo cách phù hợp với hiến pháp để bảo vệ sự ổn định chính trị và xã hội của nước này", ông Uông Văn Bân cho biết tại họp báo, đồng thời nhấn mạnh Myanmar là "mảnh ghép quan trọng" trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi các lãnh đạo quân đội Myanmar thả ngay bà Aung San Suu Kyi và các quan chức khác bị bắt, đồng thời nhấn mạnh Mỹ phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử gần đây hoặc thay đổi nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á. 

Brunei, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, cho biết đang tham vấn các quốc gia thành viên khác trong khối về diễn biến tại Myanmar, theo CNA.

Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình ở Myanmar - Ảnh 1.

Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng NLD kiêm Cố vấn Quốc gia (phải) và Tổng thống Win Myint - Ảnh: AFP

Còn Bộ Ngoại giao Indonesia kêu gọi Myanmar tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương ASEAN, trong đó có việc tuân thủ pháp quyền, quản lý đất nước ổn định, cũng như các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến. Bộ Ngoại giao Indonesia kêu gọi các bên ở Myanmar giữ bình tĩnh và giải quyết mâu thuẫn về cuộc bầu cử bằng đối thoại. Đây cũng là thông điệp được Bộ Ngoại giao Malaysia gửi tới các bên ở Myanmar, khuyến khích giải quyết bất đồng trong hòa bình. 

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng tình hình tại Myanmar là vấn đề nội bộ của nước này và nhấn mạnh Campuchia sẽ không bình luận về vấn đề nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, kể cả trong hay ngoài khối ASEAN. Đây cũng là quan điểm của Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan. 

Tại châu Âu, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Anh Boris Johnson lên án cuộc đảo chính tại Myanmar. Còn Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết chính phủ nước này "quan ngại sâu sắc" trước việc quân đội Myanmar một lần nữa tìm cách giành quyền kiểm soát chính quyền và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng Tổng thống U Win Myint. 

"Australia kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng pháp quyền, giải quyết mâu thuẫn bằng cơ chế hợp pháp và lập thức thả tất cả các nhà lãnh đạo dân sự cùng những người khác đã bị giam giữ trái pháp luật", hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Australia Marise Payne.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 1/2 lên án mạnh mẽ việc quân đội Myanmar bắt bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo khác trong đảng NLD. Ông Guterres kêu gọi lãnh đạo quân đội Myanmar tôn trọng ý nguyện của người dân nước này.