08:25 02/09/2022

Việt Nam lọt vào "tầm ngắm” của nhiều tập đoàn công nghệ lớn

Mộc Minh

Chi phí sản xuất và logistic phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn so với Singapore, Trung Quốc…

Các doanh nghiệp của Mỹ đã đến Việt Nam và coi đây là thị trường hấp dẫn để kinh doanh.
Các doanh nghiệp của Mỹ đã đến Việt Nam và coi đây là thị trường hấp dẫn để kinh doanh.

Vì vậy, các doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam, trong đó, nhiều công ty công nghệ của Mỹ đã hướng đầu tư vào thị trường này.

HẤP DẪN VÌ CHI PHÍ THẤP

Theo báo cáo Đầu tư Thế giới 2022 của United Nations Conference on Trade and Development (UNCTAD), Châu Á đã nhận được 40% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu trong năm qua, đạt mức 619 tỷ USD. Trong đó, FDI vào Trung Quốc tăng 21% và ở Đông Nam Á tăng 44%.

Các Quỹ đầu tư đang tập trung vào thị trường có sự phát triển của sản xuất và logistic. Ngoài ra, sự phát triển công nghệ và thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu về trung tâm dữ liệu để xử lý lưu lượng truy cập.

Ông Christopher J Marriott, Tổng giám đốc Savills Đông Nam Á, cho biết hiện nay, chi phí sản xuất và logistic phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn.

“So sánh với các thị trường khác trong khu vực, có thể thấy chi phí đầu tư tại Việt Nam rất phù hợp. Trong khi tại các thị trường như Singapore, Trung Quốc chi phí đều đã tăng cao, khiến hoạt động xuất nhập khẩu trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp đang tìm đến những thị trường thay thế và Việt Nam đang đón đầu các xu hướng đó, đặc biệt sau đại dịch”, ông Christopher J Marriott nhận định.

Ông Dominic Harding, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Hoa Kỳ : “Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp”.  
Ông Dominic Harding, Phó chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Hoa Kỳ : “Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp”.  

Còn theo ông Dominic Harding, Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Hoa Kỳ, so với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp. Điều này tạo động lực thúc đẩy dòng vốn của nhiều công ty công nghệ và doanh nghiệp khác ở Mỹ đầu tư vào Việt Nam.

“Các doanh nghiệp Mỹ đã đến Việt Nam và coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh vì đây là thị trường với sức tăng trưởng mạnh mẽ”, vị chuyên gia dẫn chứng.

Savills cũng nhận thấy sản phẩm thô ở Indonesia, ngành ô tô và nông nghiệp ở Thái Lan nhưng ngành điện tử đang phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là ngành công nghệ được thúc đẩy bởi lực lượng lao động có trình độ cao.

“SÀNG LỌC” TÌM DỰ ÁN CHẤT LƯỢNG

Theo Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài công bố mới đây, thực tế số dự án công nghệ cao từ những nền kinh tế phát triển (như Mỹ và châu Âu) vào Việt Nam khá ít. Đồng thời, số doanh nghiệp thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn chưa đáng kể.

Cụ thể, số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và Châu Âu chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình chiếm 80%, công nghệ lạc hậu chiếm 15%.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc thu hút nguồn vốn FDI đang được chọn lọc để nâng chất dòng vốn này, vì thời gian qua Việt Nam vẫn chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ nguồn…

Cùng với cả nước, TP.HCM có chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0. và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp để tạo các sản phẩm giá trị gia tăng cao…

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), đến nay, SHTP có 163 dự án đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư gần 12,1 tỷ USD, trong đó, có nhiều dự án của các tập đoàn, công ty công nghệ cao, như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTi (Đức), NTT (Nhật Bản)…

Với tầm nhìn trở thành tiểu khu đô thị khoa học và công nghệ, SHTP đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 thu hút đầu tư đạt khoảng 3 tỷ USD, với trên 50 dự án công nghệ cao, trong đó có từ 1-2 tập đoàn công nghệ cao của thế giới. Tổng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp trong nước giai đoạn 2021-2025 tăng gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước.

Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 30 tỷ USD giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng nội địa đạt trên 35%; số lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt trên 45% tổng số lao động.

TS Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, cho biết các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước về sản phẩm thuộc các ngành nghề như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp...

Về định hướng thu hút đầu tư, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết nếu những dự án không cho phép nâng cấp trình độ nhân lực, không cho phép tiếp nhận công nghệ mới thì không thu hút những dự án như vậy.

Tuy nhiên, cạnh tranh của Việt Nam cũng đang “vấp” phải thủ tục hành chính khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

Ông Thi cho biết thêm, trước đây thời gian cho thủ tục khởi công xây dựng trung bình 6 tháng thì hiện nay phải từ 1,5 – 2 năm, gấp 3-4 lần. Trong ngắn  hạn chưa tác động đến ưu thế thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, nhưng dài hạn thì chắc chắn ảnh hưởng bởi đây là yếu tố quan trọng khi nhà đầu tư xem xét ra quyết định đầu tư.

“Nếu cam kết được thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính như công bố sẽ là lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong bối cảnh chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu tái cơ cấu”, ông Thi nhấn mạnh.