16:17 16/07/2021

Vietnam Airlines muốn "bán đứt" 6 tàu ATR72

Ánh Tuyết

Khủng hoảng dịch Covid-19 khiến tàu bay trên thị trường dư thừa, hàng loạt tàu bay nằm "đắp chiếu". Dù vậy, Vietnam Airlines vẫn lên kế hoạch bán tiếp 6 tàu ATR72 thọ 12 năm tuổi...

Tổng số máy bay dư thừa của các hãng là 58 tàu, chiếm 26% tổng số máy bay. 
Tổng số máy bay dư thừa của các hãng là 58 tàu, chiếm 26% tổng số máy bay. 

Vietnam Airlines vừa thông qua chủ trương bán 6 tàu ATR72 sản xuất năm 2009, 2010. Các máy bay này thuộc đội bay ATR 72 gồm có 7 tàu, trong đó có 6 tàu sở hữu, 1 tàu thuê của Công ty Cổ phần Cho thuê máy bay Việt Nam sẽ hết hạn vào tháng 8/2022. Các tàu bay đều có tuổi thọ đến 12 năm tuổi.

BÁN 6 TÀU ATR72 THỌ 12 TUỔI

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “kế hoạch bán các tàu bay ATR72 sở hữu nằm trong chương trình đổi mới đội tàu bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, theo định hướng thay thế dần các tàu bay thế hệ cũ, đã khai thác trên 10 năm tuổi bằng các tàu bay thế hệ mới, tiết kiệm chi phí, đảm bảo ổn định khai thác, nâng cao chất lượng dịch vụ”.

 
"Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Vietnam Airlines bắt buộc phải sớm sử dụng loại tàu bay tương đồng để cạnh tranh trực tiếp với đối thủ và nâng cao hiệu quả khai thác".
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

ATR72 là loại tàu bay cánh quạt, tốc độ chậm và ồn hơn tàu bay phản lực, không đảm bảo cạnh tranh về tải cung ứng, dịch vụ cũng như tối ưu đội bay so với tàu bay phản lực khu vực.

Được viết, các tàu bay ATR72 của Vietnam Airlines hiện đang được khai thác trên các đường bay đến sân bay hạn chế, không tiếp cận được tàu bay Airbus 320, bao gồm sân bay Côn Đảo, Kiên Giang, Cà Mau, Điện Biên.

Đội tàu bay Vietnam Airlines sử dụng tính đến cuối năm 2020.
Đội tàu bay Vietnam Airlines sử dụng tính đến cuối năm 2020.

Cũng theo cáo báo của Vietnam Airlines, từ cuối năm 2020, các đối thủ cạnh tranh của Vietnam Airlines đã đưa tàu bay phản lực Regional Jet (RJ) vào khai thác đường bay Côn Đảo, Rạch Giá, đặc biệt lợi thế khai thác được trực tiếp được khu vực phía Bắc đi Côn Đảo, làm sụt giảm hiệu quả khai thác và hiệu quả tài chính của đội bay ATR72 của Vietnam Airlines.

Chính phủ đã có định hướng đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay địa phương, bao gồm Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên Phủ, Rạch Giá đến năm 2030 lên cấp 4C tiếp nhận được tàu bay A320/A321 và tương đương tại Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quyết định 470/QĐ-TTg ngày 27/03/2021.

Như vậy, lợi thế khai thác của tàu ATR72 đến các sân bay địa phương nêu trên sẽ bị mất dần đi. "Với các yếu tố trên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam phải sớm có đội bay đảm bảo năng lực cạnh tranh tại các sân bay địa phương nêu trên cũng như để phối hợp khai thác các đường bay có dung lượng thị trường nhỏ, mới và cần phối hợp về tần suất cạnh tranh với đội bay thân hẹp, đảm bảo đạt mức thị phần mục tiêu", ông Thắng phân tích.

ĐẤU GIÁ TÀI SẢN RỘNG RÃI QUỐC TẾ

Trước đó, từ năm 2019, Vietnam Airlines đã nghiên cứu các loại tàu bay có thể thay thế ATR72. Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, dòng tàu bay phản lực RJ được đánh giá là phù hợp. Đặc biệt, để tăng tải trên đường bay đi Côn Đảo có hiệu quả khai thác tốt, nhu cầu thị trường cao nhưng slot bị giới hạn để phục vụ khách đi/đến Côn Đảo, phân thị mục tiêu của Tổng công ty.

 
“Kịch bản điều hành Vietnam Airlines năm 2021 là xấu. Chúng tôi tìm mọi giải pháp tăng thu, tận thu. Hiện tại, nội địa tăng cường vận tải hàng hoá, hành khách, giữ thông thương tối thiểu. Với đường bay quốc tế, báo cáo Chính phủ, Bộ ban ngành, cuối tháng 7 đầu tháng 8 thận trọng mở cửa quốc tế”.
Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines.

Việc đưa tàu RJ vào khai thác thay thế ATR72 sẽ được triển khai theo từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch bán loại tàu bay này.

Theo đó, “trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines dự kiến thuê ngắn hạn tàu bay phản lực khu vực theo các hình thức thuê có tổ bay hoặc không có tổ bay để khai thác thử nghiệm, đo lường mức độ phản ứng của thị trường và đánh giá thực tế hiệu quả tài chính của đội bay mới", đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm.

Trên cơ sở đó, Vietnam Airlines sẽ xây dựng phương án khai thác dài hạn loại tàu bay RJ phù hợp để thay thế tàu ATR72.

Báo cáo của Vietnam Airlines cho thấy, tính theo giá trị sổ sách, đến ngày 31/12 năm nay, giá trị sổ sách còn lại của các tàu ATR72 sở hữu trong khoảng từ 3,5 – 4,3 triệu USD. Giá trị thị trường của tàu ATR72 sản xuất năm 2009-2010 trung bình trong khoảng từ hơn 5,9 triệu USD đến hơn 8,70 triệu USD. Trong khi đó, định giá của Ascend ngày 24/6 vừa qua cho thấy giá trị của tàu bay ATR72 là 5,15-7,33 triệu USD, phụ thuộc vào năm sản xuất và tình trạng tàu bay.

Thực tế, trong thời gian qua nhu cầu sử dụng ATR72 cũ của thị trường không nhiều và thủ tục bán tàu bay thường mất nhiều thời gian. Do đó, để tăng cơ hội bán khi thị trường có nhu cầu thì Vietnam Airlines cần sớm có phê duyệt của các cấp có thẩm quyền về chủ trương bán tàu bay.

Sau khi chủ trương bán được phê duyệt, Vietnam Airline sẽ xây dựng chi tiết phương án bán báo các các cấp có thẩm quyền thông qua và phê duyệt. Việc bán các tàu bay cũ sẽ được thực hiện theo các thủ tục xác định giá trị tài sản, đấu giá tài sản rộng rãi quốc tế, các quy định của Vietnam Airlines, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và bảo toàn vốn.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn kéo dài, việc dừng bay quốc tế, các chuyến bay nội địa phải cầm chừng khiến hàng loạt tàu bay phải nằm "đắp chiếu". Theo số liệu tháng 4/2021, căn cứ theo số giờ bay thực tế của tất cả các hãng, số tàu bay hiện có của các hãng, tổng số máy bay dư thừa của các hãng Việt Nam là 58 tàu, chiếm 26% tổng số máy bay. Vì vậy, Hãng hàng không Quốc gia muốn bán tàu bay, bổ sung dòng tiền trong giai đoạn này không hề dễ dàng.

 

Trước đó, Tổng công ty dự kiến bán 11 tàu A321 cũ trong năm 2021, nhằm bổ sung dòng tiền và thu nhập. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường vẫn đang đối mặt với tình trạng dư thừa tàu bay, khiến việc thanh lý 11 tàu bay A321 CEO trong năm 2021 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tính đến cuối năm 2020, Vietnam Airlines sở hữu 46 máy bay gồm 1 máy bay TurboProp ATR72-500; 38 máy bay thân hẹp A321CEO; 7 máy bay thân rộng B787-9. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn thuê 61 máy bay gồm 6 máy bay TurboProp ATR72-500; 33 máy bay A321CEO và 14 máy bay A350-900; 4 máy bay B787-9 và 4 máy bay B787-10.