16:07 14/07/2021

Giải cứu Vietnam Airlines: Gói 12.000 tỷ đồng trợ giúp thanh khoản đến đầu năm 2022

Ánh Tuyết

Dòng tiền Vietnam Airlines đang âm rất lớn. Khoản 12.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ thanh khoản cho Vietnam Airlines thời điểm này và cả những tháng đầu năm 2022...

Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines
Ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 do Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN-HOSE) tổ chức ngày 14/7, Vietnam Airlines đã thông qua nhiều giải pháp nhằm đối phó với mức lỗ 14.526 tỷ đồng dự kiến năm 2021.

Đáng chú ý, Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, với quy mô 8.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất phát hành, quy mô vốn điều lệ sẽ tăng lên thành 22.182 tỷ đồng, vượt mức 16.000 tỷ của Hãng Bamboo Airways và 21.772 tỷ của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) để giữ ngôi đầu ngành hàng không Việt Nam.  

Trước đó, Quốc hội, Chính phủ đồng ý “giải cứu” Vietnam Airlines thông qua việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng sau khi các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hiên nay, nguồn thu Nhà nước giảm sút, chi tiêu cắt giảm, phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn có nhiều động thái, đề xuất giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines. VnEconomy đã có trao đổi với ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines xung quanh câu chuyện tăng vốn và tái cấp vốn cho Hãng hàng không quốc gia.

Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 ngày 14/7, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, với quy mô 8.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ. Xin ông cho biết kế hoạch này sẽ triển khai trong 6 tháng cuối năm 2021 như thế nào?

Trong năm 2021, chúng tôi có kế hoạch tăng vốn 8.000 tỷ đồng. Sau khi Đại hội đồng cổ đông hôm nay thông qua, chúng tôi đang làm việc với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty phát hành để phát hành cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, với số lượng 800 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng vốn 8.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines.

Mục đích phát hành nhằm bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong ngắn hạn.

 
"Chúng tôi tiếp tục báo cáo các cấp mở lại các chuyến bay quốc tế một cách thận trọng, tìm mọi giải pháp để đưa hoạt động của Vietnam Airlines trở lại bình thường. Với sự quyết tâm của Chính phủ về chiến lược vaccine sẽ giúp ngành hàng không trong thời gian tới, đặc biệt là cuối quý 3, đầu quý 4/2021 sẽ có khởi sắc".

Dự kiến đến hết quý 3/2021, việc tăng vốn sẽ hoàn tất.

Thứ nhất, khoản tiền này sẽ được sử dụng để trả nợ các khoản vay ở các tổ chức tín dụng đã quá hạn.

Thứ hai, trả các khoản nợ vay mà Vietnam Airlines đang nợ các nhà cung ứng, đặc biệt là các đơn vị cho thuê máy bay.

Thứ ba, bổ sung các dòng vốn lưu động của Vietnam Airlines để đảm bảo sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Hiện nay, với việc tăng vốn 8.000 tỷ đồng, cổ đông nhà nước ủy quyền cho ​Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ để đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines, thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Quá trình này đang tiến hành rất thuận lợi, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, cũng như các cơ quan hữu quan. Hôm nay, Đại hội đồng cổ đông sẽ thông qua việc phát hành tăng vốn này, SCIC sẽ đầu tư vào theo đúng các quy định của pháp luật.

Đối với khoản 4.000 tỷ đồng vay tái cấp vốn các ngân hàng cam kết cho Vietnam Airlines vay, đến thời điểm này đã được giải ngân chưa? Vietnam Airlines sẽ sử dụng khoản 4.000 tỷ cho những hoạt động nào, thưa ông?

Ngày 07/7 vừa qua, Tổng công ty đã hoàn thành việc lựa chọn, ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại, đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội trước khi chính thức tiến hành giải ngân gói vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng.

Giải cứu Vietnam Airlines: Gói 12.000 tỷ đồng trợ giúp thanh khoản đến đầu năm 2022 - Ảnh 1

Các hợp đồng đã hoàn tất, trong tuần sau sẽ giải ngân. Chúng tôi sẽ sử dụng khoản tiền này theo đúng quy định nhà nước, chỉ sử dụng để hỗ trợ thanh khoản, thanh toán các khoản phải trả quá hạn, các khoản vay ngắn hạn và trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Mọi mục đích và phương án sử dụng cho từng hạng mục công việc đều được báo cáo minh bạch, rõ ràng và chi tiết với các cấp có thẩm quyền trước khi chính thức triển khai.

Đầu tiên là tái cấp vốn lãi suất thấp 4.000 tỷ đồng, sau đó, dự kiến cuối quý 3, sẽ hoàn tất phát hành thêm cổ phiếu 8.000 tỷ đồng. Xin ông cho biết, 12.000 tỷ đồng này sẽ “cứu cánh” cho Vietnam Airlines như thế nào trong việc khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của Covid-19?

Như chúng tôi đã báo cáo về kết quả năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm Vietnam Airlines lỗ hợp nhất lên tới trên 11.000 tỷ đồng. Dòng tiền âm rất lớn. Khoản 12.000 tỷ đồng này sẽ trợ giúp cho Vietnam Airlines để hỗ trợ thanh khoản cho thời điểm này, và cả những tháng đầu năm 2022.

Giải cứu Vietnam Airlines: Gói 12.000 tỷ đồng trợ giúp thanh khoản đến đầu năm 2022 - Ảnh 2

Nhưng đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra rất phức tạp, vẫn là một “ẩn số”. Chính vì vậy, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ triển khai hàng loạt giải pháp khác, như tiếp tục tái cơ cấu lại tổ chức, tài chính, danh mục đầu tư, đặc biệt là đàm phán với các chủ nợ, các nhà cung cấp để giảm, giãn hoãn các chi phí này.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục tăng nguồn thu thông qua sử dụng máy bay để tăng cường chở hàng hóa, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo giao thương cho đất nước, vừa duy trì sự phát triển cho Vietnam Airlines.

Đồng thời, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Vietnam Airlines chung tay cùng cả nước chống dịch bệnh. Qua đó, chúng tôi miễn phí vé bay với lực lượng tuyến đầu, gồm bác sỹ, y tá, chuyên gia y tế tham gia phòng, chống dịch; cũng như hàng hóa miễn cước để phục vụ công tác chống dịch các tỉnh thành trên cả nước.

Năm 2000, các giải pháp về điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí kỹ thuật đã giúp Vietnam Airlines tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng. Năm nay, ông đánh giá về giải pháp “thắt lưng buộc bụng” năm nay thế nào, liệu dư địa cắt giảm chi phí có còn hay không?

Có thể nói, các giải pháp về tiết kiệm chi phí, trong đó có giãn khấu hao, phân bổ lại chi phí kỹ thuật vẫn sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2021.

Chúng tôi cũng vừa báo cáo, trong năm 2021, tất cả các giải pháp của Vietnam Airlines bao gồm giải pháp tự thân. Tổng công ty chủ động tìm kiếm sự chia sẻ, hỗ trợ từ đối tác để đàm phán giảm giá, giãn, hoãn thanh toán, cắt giảm và triệt để tiết kiệm các khoản chi để giảm thiểu mức lỗ trong kinh doanh. Dự kiến tổng chi phí cắt giảm, tiết kiệm bằng các giải pháp tự thân năm 2021 đạt được trên 6.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, các giải pháp của Chính phủ về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không, giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa cũng giúp Vietnam Airlines tiết kiệm chi phí tương đương năm 2020.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ nhà nước do Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, nỗ lực tự thân có vai trò quyết định như thế nào đến việc Vietnam Airlines vượt qua khó khăn này?

 
Bằng các giải pháp, nỗ lực và sự đoàn kết của tất cả các khối từ kỹ thuật, khai thác đến thương mại, dịch vụ, tham mưu điều hành, chúng tôi hy vọng con số tiết kiệm được sẽ vượt hơn thế. Đặc biệt, việc tái cơ cấu tinh gọn, tổ chức lại bộ máy được chú trọng, giúp giải quyết công việc suôn sẻ hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, lên đến 86,19%, nhưng Vietnam Airlines cũng là doanh nghiệp đã hội nhập quốc tế từ nhiều chục năm nay.

Trước đại dịch, Vietnam Airlines đã phải cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế bay tại Việt Nam. Thị phần Vietnam Airlines trong mạng bay quốc tế trước Covid chiếm khoảng hơn 30%. Trên thị trường nội địa, các hãng hàng không khác cũng có sự cạnh tranh rất lớn.

Chính vì thế, chúng tôi đánh giá, mặc dù là doanh nghiệp vốn nhà nước chi phối, nhưng nội lực của Vietnam Airlines vẫn là một yếu tố quyết định trong khó khăn này.

Với những giải pháp tập trung vào tiết kiệm chi phí, đã giúp Vietnam Airlines tiết kiệm tới 6.800 tỷ đồng trong năm 2021, là một con số chúng tôi chưa từng nghĩ tới.