14:03 10/03/2014

VinaCommodities cùng liên danh trúng thầu khai thác cảng Thị Vải

Hồng Thoan

Gói thầu cho thuê khai thác bến cảng tổng hợp Quốc tế Thị Vải trị giá hơn 4.000 tỷ đồng

Lễ ký kết cũng đánh dấu việc lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam lựa chọn 
nhà khai thác cảng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo
 Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2013 của Chính phủ về quản lý cảng 
biển và luồng hàng hải.
Lễ ký kết cũng đánh dấu việc lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhà khai thác cảng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2013 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.
Ngày 7/3, gói thầu cho thuê khai thác bến cảng tổng hợp Quốc tế Thị Vải trị giá hơn 4.000 tỷ đồng đã được ký kết giữa Liên danh CSG - PTSCPM - VinaCommodities và Cục Hàng hải Việt Nam với định hướng phát triển cảng Thị Vải thành cảng xuất nhập khẩu nông sản lớn nhất Việt Nam.

Các bên tham gia Liên danh gồm Công ty TNHH Một thành viên Cảng Sài Gòn (CSG), Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ (PTSCPM), Công ty Cổ phần VinaCommodities, Công ty Cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam và Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hải dầu khí Hưng Thái.

“Liên danh CSG - PTSCPM - VinaCommodities hội tụ đầy đủ thế mạnh đảm bảo cho việc khai thác hiệu quả Cảng tổng hợp Quốc tế Thị Vải”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công nhận định khi chứng kiến lễ ký kết.

Tham gia liên danh là những doanh nghiệp vừa có năng lực tài chính, vừa có thế mạnh và kinh nghiệm về khai thác cảng, dịch vụ cảng như CSG, PTSC, Hưng Thái, còn VinaCommodities Tập đoàn Muối miền Nam có thế mạnh về nguồn hàng.

VinaCommodities hiện là một trong những nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất Việt Nam, sản lượng nhập khẩu trung bình mỗi năm đạt hàng chục triệu tấn hàng nông sản các loại. Vinacommodities đang sở hữu một khu cảng với diện tích 24 hecta, sức chứa gần 200.000 tấn hàng hóa, với hệ thống tháo dỡ hiện đại.

Lễ ký kết cũng đánh dấu việc lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhà khai thác cảng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2013 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, hiện tại, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống gồm 6 nhóm cảng biển với 31 cảng, gần 400 bến cảng, trong đó có những bến cảng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể đón được tàu trọng tải hàng trăm nghìn DWT.

Dự án phát triển cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải nằm trong nhóm cảng biển số 5 - nhóm có vai trò quan trọng, đảm nhận xấp xỉ 50% tổng lượng hàng hóa, trên 60% tổng lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Quy mô cảng Cái Mép - Thị Vải gồm 2 bến container Cái Mép và 2 bến cảng tổng hợp Thị Vải cho tàu chở hàng rời trọng tải 50.000DWT, tổng mức đầu tư 12.891 tỷ đồng.

Cảng tổng hợp Quốc tế Thị Vải đi vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Liên danh CSG - PTSCPM - VinaCommodities khẩn trương xây dựng phương án, tập trung khai thác tối đa hiệu quả Dự án, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà khai thác cảng.

Được biết, từ những năm 2009 - 2011, một loạt bến cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải được đưa vào khai thác, 16 tuyến vận tải hàng hóa đi châu Mỹ và châu Âu đã được các hãng tàu thiết lập từ khu cảng Cái Mép - Thị Vải.

Việc tàu mẹ có sức chở lên đến 14.000 TEUs đã vào, rời các cảng khu vực Cái Mép an toàn là tín hiệu đánh dấu sự giảm dần và tiến tới chấm dứt sự phụ thuộc vào các cảng trung chuyển của khu vực như Singapore, Hồng Kông,… đồng thời khẳng định khu vực Cái Mép - Thị Vải hoàn toàn có thể hình thành một khu cảng cửa ngõ, đầu mối mang tính chất trung chuyển quốc tế của Việt Nam.

Các nhà nhập khẩu nông sản Việt Nam hy vọng cảng Quốc tế Thị Vải đi vào hoạt động sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, giảm thiểu thời gian tháo dỡ hàng hóa, cũng như giảm chi phí nhập khẩu.

(Nguồn: VinaCommodities)