07:04 16/08/2023

Vĩnh Phúc: Hầu hết người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản

Nhật Dương

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, đến nay hầu hết các đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều được chi trả qua tài khoản cá nhân…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Là tỉnh có đông công nhân lao động, tình trạng lao động bị mất việc, giảm thu nhập có xảy ra trên địa bàn, vì vậy, Vĩnh Phúc đã tập trung đẩy mạnh chi trả chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đặc biệt qua tài khoản, tạo thuận lợi nhất cho người hưởng.

Theo số liệu từ báo cáo của UBND tỉnh, đến hết tháng 7/2023, đã có trên 218 nghìn người tham gia bảo hiểm thấp nghiệp, chiếm 37,9% lực lượng lao động; đã có gần 8 nghìn lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành đã giải quyết hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 4.699 người, với 87,5 tỷ đồng.

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc cũng thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp thông qua các hội nghị tư vấn, tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử, website, zalo, fanpage của đơn vị.

Đồng thời, kết hợp lồng ghép tuyên truyền bảo hiểm thất nghiệp với các hoạt động tuyên truyền về chính sách pháp luật trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Đặc biệt, Trung tâm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai việc chi trả hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo phương thức không dùng tiền mặt. Đến nay, 100% các đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đều được chi trả qua tài khoản cá nhân.

Trước đó, trong năm 2022, theo thống kê số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm là trên 11.000 người thì có hơn 10.500 người đã có quyết định thụ hưởng.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi trả tổng số tiền trên 212,7 tỷ đồng, gồm cả kinh phí hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tất cả các trường hợp được hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội tỉnh đều thực hiện chi trả theo hình thức chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, không dùng tiền mặt.

ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG TẠO VIỆC LÀM

Theo ông Đặng Phú Xuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài việc thực hiện tốt chính sách trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp.

Năm 2023, thay vì tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại Trung tâm, đơn vị cũng đẩy mạnh hoạt động này trên sàn giao dịch online và tổ chức lưu động tại các địa phương, trường học, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, mở rộng và nâng cao hơn chất lượng tuyên truyền để giúp nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, cũng như lao động trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp.

Trung tâm cũng kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện nâng cấp đồng bộ trong toàn hệ thống nhằm hỗ trợ tiếp nhận, quản lý, theo dõi cập nhật dữ liệu, và tổng hợp số liệu báo cáo về công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp được nhanh chóng, kịp thời và chính xác.

Ngoài ra, nhằm ổn định thị trường lao động trên địa bàn, tạo việc làm cho người lao động, tỉnh thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, để kịp thời kết nối, cung ứng lao động.

Đặc biệt là nắm bắt nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đã có dự án hoặc đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh cũng sẽ đầu tư phát triển, hiện đại hóa Trung tâm Dịch vụ việc làm đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, đóng vai trò chủ đạo đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phôi, hỗ trợ và quản trị thị trường lao động trên địa bàn.

Cùng với đó, nâng quy mô, tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm, các phiên giao dịch việc làm, tạo thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại, trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.