09:55 27/03/2023

VN-Index đang hồi phục và có thể cán mốc 1.300 điểm trong năm 2023?

Minh Tú

Dù chỉ số VN-Index thời điểm cuối quý 1/2023 chỉ tăng nhẹ xấp xỉ trên dưới 4% so với thời điểm đầu năm, tuy nhiên dự báo của chuyên gia phân tích đến từ Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng chứng khoán Việt Nam đang khôi phục trở lại và dự kiến có thể cán mốc 1.300 điểm trong năm 2023…

Chứng khoán Việt Nam đang dần hồi phục và VN-Index được dự báo có thể đạt mốc 1.300 điểm trong năm 2023.
Chứng khoán Việt Nam đang dần hồi phục và VN-Index được dự báo có thể đạt mốc 1.300 điểm trong năm 2023.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua gần hết quý I/2023 với kết quả tăng nhẹ và gần như đi ngang. Cụ thể, VN-Index đến hết ngày 24/3 đang tạm dừng ở mức 1.046,79 điểm, tăng 3,94% so với đầu năm. Dù chỉ tăng nhẹ trong quý I, nhưng so mức đáy của tháng 9/2022, VN-Index đã phục hồi 20% và đang đi vào thị trường “bull market” (thị trường bò tót).

Chia sẻ tại Hội thảo “Chứng khoán 2023 - La bàn giữa vùng biển động” do Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) tổ chức mới đây, ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) lạc quan cho rằng VN-Index đang hồi phục và có thể đạt mức 1.300 điểm trong năm 2023.

Dự báo của chuyên gia này có khả thi không khi mà ở thời điểm hiện tại, chứng khoán Việt Nam vẫn đang suy yếu do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như sự bất ổn của hệ thống tài chính toàn cầu gây ra bởi sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ và Credit Suisse (Thụy Sĩ); áp lực từ tỷ giá, lạm phát, trái phiếu, bất động sản...?

VN-INDEX CÓ THỂ ĐẠT MỐC 1.300 ĐIỂM?

Năm 2022, trong khi tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 8% thì giá trị thị trường chứng khoán lại giảm 40% (giảm mạnh nhất khu vực). Thanh khoản của thị trường cũng giảm mạnh.

Nếu như năm 2020 và 2021, thanh khoản thị trường ở mức 1 tỷ USD/phiên và có những phiên đột biến lên đến 2 tỷ USD/phiên, thì những phiên từ đầu năm 2023 đến thời điểm hiện tại, thanh khoản thị trường ở mức khá thấp, đặc biệt vào những phiên cuối tháng 2 thanh khoản chỉ khoảng 300-600 triệu USD/phiên.

Ngoài việc thanh khoản thắt chặt như những quốc gia khác, nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh còn đến từ những vấn đề riêng liên quan đến bất động sản, phát hành trái phiếu và cho vay ký quỹ quá mức.

Về tỷ lệ cho vay ký quỹ, theo Matthew Smith, năm 2022 Việt Nam đã đạt mức kỷ lục với 170.000 tỷ đồng, và tỷ lệ vay ký quỹ trên vốn hoá tự do tại quý III/2022 lên mức 68%. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ này đã giảm, chỉ bằng một nửa so với mức cao trước đây.

Với lĩnh vực bất động sản, hiện tại cổ phiếu bất động sản đã tạo đáy, dù phải mất thời gian khá lâu để hồi phục nhưng giá cổ phiếu hiện tại cũng đang ở mức hấp dẫn. Một số ngành nghề khác như năng lượng, chứng khoán, ngân hàng… có thể sẽ được hưởng lợi cũng khi lãi suất giảm. Tuy nhiên, cần tránh những công ty có tỷ trọng trái phiếu lớn bởi tồn tại nhiều rủi ro.

Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại cũng đang ở mức thấp nhất trong khu vực. Thêm vào đó, triển vọng thanh khoản của hệ thống tài chính Việt Nam có thể được nới lỏng hơn và lãi suất hạ nhiệt là yếu tố tích cực nữa cho thị trường. Do đó, dự báo mục tiêu chỉ số VN-Index đạt mốc 1.300 điểm trong năm nay (dù hiện đang được giao dịch ở mức khá thấp) không phải là không có cơ sở.

Tuy nhiên, ông Matthew Smith cho rằng không thể xác định chính xác thời điểm nào VN-Index có thể đạt mốc này. Muốn xác định đúng phải cần thời gian để có thêm các thông tin về thị trường, thông tin về chính sách và lãi suất.

CẦN DUY TRÌ SỰ THẬN TRỌNG

"Triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam rất tươi sáng khi “dân số vàng” sẽ tiếp tục duy trì trong thập kỷ tới. Sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và đô thị hoá giúp nhu cầu nội địa tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, sự bùng nổ FDI mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu tiếp theo. Đặc biệt, khi chỉ số VN-Index đang giao dịch tương ứng với P/E 2023 là 9-10 lần, là mức thấp nhất trong khu vực châu Á hiện tại", ông Matthew Smith nhận định.

Với mức điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được định giá khá hấp dẫn so với khu vực. Thêm vào đó, lãi suất giảm sẽ là lợi thế cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán trong dài hạn. Tuy vậy, trong ngắn hạn thị trường chưa thể hồi phục mạnh bởi diễn biến khó lường của tình hình chính sách tiền tệ thế giới vẫn đang là lực cản của thị trường và mục tiêu được nâng hạng lên thị trường mới nổi của Việt Nam khó đạt được trong năm 2023, có thể cả năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam còn đang tồn tại những khó khăn từ nội tại bên trong, nhất là về trái phiếu. Do đó, Matthew Smith khuyến cáo nhà đầu tư chứng khoán nên duy trì sự thận trọng.

“Nhà đầu tư cần đặt quản trị rủi ro lên hàng đầu. Đó là lấy phân tích cơ bản làm nền tảng, kiểm soát rủi ro giảm giá (cắt lỗ, bảo toàn lợi nhuận), tránh các giao dịch "phá hoại" - không "bỏ trứng vào một rổ", tránh dùng tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao vì có thể sẽ bị xóa sạch thành quả khi thị trường giảm giá”, Matthew Smith nhấn mạnh.

Đới với những nhà đầu tư mới, năm 2023 là thời điểm tốt để bắt đầu đầu tư nhưng nên có sự đa dạng hoá. Nhà đầu tư cũng không nên dùng đòn bẩy tài chính nhiều ở thời điểm hiện tại và nên đầu tư theo các kỳ hằng tháng hoặc hằng quý, như vậy mới có thể hưởng lợi từ thị trường. 

Nhiều dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ vào nửa cuối 2023, nhưng thực tế đang diễn ra sớm hơn kỳ vọng khi Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất vào ngày 15/3 vừa qua. Khi lãi suất giảm có lợi cho các tài sản tài chính và các tài sản có xu hướng tăng giá.

Trước lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút tiền do Fed tiếp tục nâng lãi suất, trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại hạ lãi suất sẽ gây áp lực lên tiền đồng Việt Nam (VNĐ), ông Smith cho rằng, trong quá khứ, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá rất tốt và không để biến động quá cao. Do đó, đây không phải vấn đề quá lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu và bằng chứng là khối ngoại vẫn mua ròng trong tuần qua.