Cho vay margin 170.000 tỷ đồng, có thể đã giảm mạnh so với đầu quý 3/2022 do hoạt động giải chấp diện rộng?
Con số thời điểm đầu quý 3 thậm chí có thể còn lớn hơn rất nhiều so với mức 170.000 tỷ đồng ghi nhận cuối quý, bởi trong suốt chu kỳ giảm điểm của tháng 9, hoạt động bán giải chấp đã diễn ra trên diện rộng...
Tính từ thời điểm đạt đỉnh 6/1/2022, VN-Index 1.519 điểm đến kết phiên 11/10, VN-Index còn 1.036 điểm, tương ứng giảm 484 điểm, giảm 31,8% từ đỉnh. Chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường có mức giảm mạnh nhất thế giới.
Sự sụt giảm của thị trường có thể đến từ ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, rủi ro suy thoái toàn cầu khiến dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất tăng cao cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh quay trở lại bình thường sau Covid-19 đã kéo một phần dòng tiền ra khỏi thị trường chứng khoán.
Thứ ba, các sự kiện "làm sạch" thị trường trái phiếu, cổ phiếu dù là tích cực nhưng ngắn hạn vẫn tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
Thống kê của VnEconomy cho thấy, lượng cho vay margin tại các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý 3 vừa qua. Tại 40 công ty chứng khoán top đầu cho vay margin, con số này tính đến 30/9 là 170.000 tỷ đồng, tăng 30.000 tỷ đồng so với con số của cuối quý 2/2022 và giảm 13.000 tỷ đồng so với con số đầu năm.
Mặc dù thị trường giảm điểm song khoản cho vay margin vẫn tăng nguyên nhân do, từ đầu quý 3, VN-Index hồi phục mạnh khiến nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường nên đã tăng vay mua chứng khoán.
Và con số đầu quý 3 thậm chí có thể còn lớn hơn rất nhiều so với con số 170.000 tỷ đồng cuối quý 3 bởi trong suốt chu kỳ giảm điểm của tháng 9, hoạt động bán giải chấp đã diễn ra trên diện rộng.
Một số công ty chứng khoán ghi nhận tăng cho vay margin trong quý gồm SSI tăng từ 14.723 tỷ đồng lên 15.592 tỷ đồng. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 dẫn đến các khoản lãi từ cho vay của SSI giảm từ 431 tỷ đồng quý 3/2021 còn 406 tỷ đồng quý 3 năm nay.
Chứng khoán Mirae Asset cũng cho vay tăng mạnh từ 13.433 tỷ đồng lên 16.366 tỷ đồng tương ứng tăng 3.000 tỷ đồng trong kỳ; Chứng khoán VnDirect tăng hơn 1.000 tỷ đồng cho vay; MBS tăng 1.000 tỷ đồng.
Ngược lại, một số công ty ghi nhận khoản cho vay giảm như TCBS giảm gần 2.000 tỷ đồng cho vay margin; Chứng khoán Hồ Chí Minh giảm 300 tỷ đồng.
Dự báo, dư nợ cho vay margin trong quý 4 sẽ giảm mạnh bởi thị trường còn nhiều khó khăn trước bối cảnh vĩ mô ngoại biên còn nhiều rủi ro khó lường. Trong nước, mặt bằng lãi suất tăng cao đã khiến một lượng tiền đã rút khỏi thị trường chứng khoán. Thống kê của VnEconomy cũng cho thấy, lượng tiền gửi tại các công ty chứng khoán giảm mạnh trong quý vừa qua, từ 79.000 tỷ đồng chỉ còn 65.000 tỷ đồng tại 30 công ty chứng khoán hàng đầu.
Chưa kể, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã công bố danh sách tổng cộng gần 150 cổ phiếu không được giao dịch ký quý trong quý 4. Đây là con số khá lớn so với thời điểm trước đó.