15:48 13/03/2023

Vốn ngoại mua gần 16% sàn HoSE, cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo

Kim Phong

Các quỹ ETF ngoại bước vào tuần giao dịch tái cơ cấu trọng điểm, giúp vốn ngoại ghi nhận mức giải ngân tới 1.741 tỷ đồng trên HoSE. Quy mô mua này tương đương gần 16% tổng giao dịch của sàn. Tuy nhiên nhà đầu tư trong nước vẫn xả mạnh, khiến độ rộng chỉ là 114 mã tăng/288 mã giảm đồng thời thanh khoản tăng gần 14% so với phiên trước...

VN-Index vẫn không thể vượt được tham chiếu trong phiên chiều nay.
VN-Index vẫn không thể vượt được tham chiếu trong phiên chiều nay.

Các quỹ ETF ngoại bước vào tuần giao dịch tái cơ cấu trọng điểm, giúp vốn ngoại ghi nhận mức giải ngân tới 1.741 tỷ đồng trên HoSE. Quy mô mua này tương đương gần 16% tổng giao dịch của sàn. Tuy nhiên nhà đầu tư trong nước vẫn xả mạnh, khiến độ rộng chỉ là 114 mã tăng/288 mã giảm đồng thời thanh khoản tăng gần 14% so với phiên trước.

Chi tiết giao dịch của các quỹ ETF đã được xác định rất rõ và đợt giải ngân này cũng không có gì đặc biệt. Không ít nhà đầu tư đã lợi dụng “sóng tái cơ cấu” này để giao dịch ngắn hạn – và đã đạt lợi nhuận khá tốt. Vì thế áp lực chốt lời cũng sẽ dồn lại ngày một nhiều.

Tổng thể khối ngoại mua ròng 841,5 tỷ đồng trên sàn HoSE hôm nay, mua ròng 21 tỷ ở HNX và bán ròng 7 tỷ ở UpCOM. Các cổ phiếu được mua ròng tốt nhất là HPG +98 tỷ, SSI +88,7 tỷ, VHM +87,2 tỷ, POW +82,2 tỷ, HSG +70,5 tỷ, VRE +66,8 tỷ, VNM +60,2 tỷ, MSN +54,5 tỷ, HDB +32,7 tỷ, VND +31,6 tỷ, CTG +27,8 tỷ, DGC +25 tỷ, GEX +24,9 tỷ, KDC +24,1 tỷ, DCM +23,6 tỷ...

Tuy vậy, rất nhiều cổ phiếu trong số nói trên lại giảm giá hoặc không tăng nổi như HPG giảm 0,94%, SSI giảm 0,76%, HSG giảm 1,22%, DGC giảm 1,52%, GEX giảm 0,81%... Tuy nhiên cũng có một số tăng tốt, trong đó VHM +4,43% là trụ khỏe nhất của VN-Index, cộng cho chỉ số tới gần 2,1 điểm.

Một thống kê khác, độ rộng tổng thể của VN-Index cuối phiên là 114 mã tăng/288 mã giảm, tức là số giảm nhiều gấp 2,5 lần số tăng. Rổ VN30 được cầu ngoại mua chiếm 25,5% tổng giá trị, nhưng chỉ số chỉ tăng nhẹ 0,27%, thậm chí số mã tăng là 14, số giảm là 15. Thêm nữa, top 5 cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường thì duy có VPB là tăng 6,01%.

Nói đơn giản, phiên hôm nay thanh khoản cao, khối ngoại mua mạnh tay nhưng giá cổ phiếu không tăng mà giảm nhiều. Điều đó nghĩa là nhà đầu tư trong nước đã bán ra đối ứng mạnh và kiềm chế giá. Trên toàn sàn HoSE, ghi nhận 156 cổ phiếu giảm với biên độ trên 1%, tức là hơn 54% số mã giảm giá hôm nay rơi khá sâu.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang giằng co cân bằng chỉ số.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang giằng co cân bằng chỉ số.

Dù vậy, biên độ giảm không đáng trong nhóm blue-chips kể tức là cung cầu vẫn tạm thời cân bằng với các cổ phiếu này. Chỉ 6 mã giảm hơn 1% là STB giảm 3,85%, BID giảm 1,91%, ACB giảm 1,61%, TCB giảm 1,47%, MBB giảm 1,41%, VIB giảm 1,19%. Lực cầu ngoại đang thể hiện sức mạnh nâng đỡ thị trường, nhất là ở blue-chips, trong khi khối nội là bên bán chính. Tuần trước, riêng cổ phiếu HoSE được khối ngoại mua 917,6 tỷ đồng. Hai tuần nay là thời gian các quỹ ETF ngoại tái cơ cấu và các đợt mua bán rải rác. Xu hướng chính là mua ròng, do đó lực cầu hỗ trợ sẽ vẫn còn, ít nhất tới khi đợt mua này kết thúc.

Dòng vốn trong nước đang bán ra nhiều hơn cho thấy quan điểm đầu cơ đang chiếm ưu thế. Nếu cầu trong nước cũng mạnh, kết hợp với cầu ngoại thì giá sẽ dễ tăng hơn là giảm. Tuy vậy những gì thể hiện trên bảng điện lại cho thấy mặt bằng chung là giá rất yếu. Số tăng giá chỉ có 54 mã tăng trên 1%, và 17 mã trong số này đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng, chưa tới một phần ba.

Cùng với các quỹ ETF tăng giải ngân, quỹ Fubon cũng sẽ tăng mua một đợt. Đây là hai yếu tố trực tiếp hỗ trợ lực cầu ngắn hạn. Điều quan trọng là lực cầu trong nước cũng phải ủng hộ, nếu không thì vẫn chỉ là các giao dịch ngắn hạn.