15:45 22/07/2022

Vốn ngoại tiếp tục “múc” mạnh, GAS, VIC lại “tước” cơ hội VN-Index vượt 1200

Kim Phong

Độ rộng rất hẹp trong nhóm blue-chips VN30 vẫn đang là điều khó chịu nhất cho những ai mong đợi sự kiện VN-Index đột phá qua mốc 1.200 điểm. GAS phiên này được vốn ngoại hỗ trợ mạnh mẽ nhưng vẫn trượt khá dài trong ít phút cuối ngày, khiến chỉ số kết tuần trong sắc đỏ...

VN-Index đánh võng liên tục quanh mốc 1200 điểm, nhưng thiếu trụ nên vẫn không thể thành công.
VN-Index đánh võng liên tục quanh mốc 1200 điểm, nhưng thiếu trụ nên vẫn không thể thành công.

Độ rộng rất hẹp trong nhóm blue-chips VN30 vẫn đang là điều khó chịu nhất cho những ai mong đợi sự kiện VN-Index đột phá qua mốc 1.200 điểm. GAS phiên này được vốn ngoại hỗ trợ mạnh mẽ nhưng vẫn trượt khá dài trong ít phút cuối ngày, khiến chỉ số kết tuần trong sắc đỏ.

Đóng cửa GAS tăng 3,55%, vẫn là cổ phiếu trụ xuất sắc nhất của VN-Index. Cổ phiếu này tăng đạt đỉnh +5,57% lúc 2h22. Lực bán gia tăng trong thời gian còn lại đã ép giá tụt xuống và tạo nên một nhịp giảm ở VN-Index đến mức kết thúc đợt liên tục, chỉ số đã mất 2 điểm.

GAS trong đợt ATC lại được đẩy nhẹ lên, nhưng VIC lại là mã gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể. VIC bị đánh mạnh với khoảng 255.000 cổ phiếu ở đợt này, khiến giá giảm tới 2,92% so với tham chiếu và riêng đợt ATC đã giảm 1,8%.

Diễn biến khá tiêu cực cuối ngày đã khiến VN-Index có thêm một nhịp trồi sụt bất thành quanh mức 1200 điểm. Riêng trong ngày hôm nay chỉ số có tới 6-7 lần đánh võng quanh mốc này. Đó là chưa kể đến phiên hôm qua chỉ số cũng có vài lần tương tự.

Vốn ngoại góp sức đáng kể vào lực cầu tốt trong bối cảnh thanh khoản kém hôm nay: Tổng giá trị giải ngân ở HoSE đạt 1.056,5 tỷ đồng, tương đương 10,5% tổng giao dịch sàn. GAS là một trong những mã được khối này mua ròng nổi bật với gần 73 tỷ đồng. Lượng mua từ tài khoản ngoại chiếm 64,1% thanh khoản của GAS, tạo lực đỡ mạnh. Các lệnh mua này cũng chính là động lực đẩy giá GAS tăng đạt đỉnh buổi chiều, trước khi nhà đầu tư trong nước bán ra.

Dấu ấn của vốn ngoại cũng khá đậm nét ở nhiều cổ phiếu tăng giá khác. MWG được mua ròng 105,5 tỷ đồng, lượng mua vào cũng chiếm 59% thanh khoản và giá MWG tăng 0,62%. Trong phiên MWG có thời điểm tăng 4,21%. MSN cũng có cầu ngoại chiếm 80% thanh khoản, giá trị mua ròng đạt trên 52 tỷ đồng...

Tính chung mức mua ròng ở HoSE hôm nay là 377,7 tỷ đồng, tại UpCOM là 33,7 tỷ chủ yếu là BSR. Đây là phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp của khối ngoại, sau chuỗi phiên bán ròng hàng tháng trời liên tiếp. Đây là một tín hiệu tốt, vì ít nhất dòng vốn này cũng có thay đổi trạng thái ngắn hạn, dù có thể cũng chỉ là các giao dịch lướt sóng.

Cổ phiếu đang phân hóa mạnh, thậm chí ngay trong một nhóm ngành.
Cổ phiếu đang phân hóa mạnh, thậm chí ngay trong một nhóm ngành.

Độ rộng tổng thể của HoSE cuối phiên khá hẹp, với 182 mã tăng/279 mã giảm. Hôm nay chỉ số giảm không nhiều nhưng cổ phiếu có biểu hiện kém hơn. Cụ thể, HoSE có 127 mã giảm trên 1%. Mặt khác, phân bổ vốn ở nhóm cổ phiếu giảm giá chiếm tới 67% giá trị khớp của sàn này, trong khi nhóm tăng giá chỉ chiếm 27,3%.

Hiện tượng phân hóa đang diễn ra ở khắp thị trường, thậm chí trong cả nhóm ngành. Ví dụ GAS tăng bùng nổ hôm nay nhưng không thể kéo các mã dầu khí khác lên được, nhiều cổ phiếu như PVD, PVS, PLX, PVB... vẫn đỏ. Cổ phiếu ngân hàng thậm chí BID, CTG rơi trên 2%. Độ rộng của rổ VN30 chỉ còn 7 mã tăng/22 mã giảm cuối ngày. Do trạng thái phân hóa nên không phải nhà đầu tư cứ nắm giữ một nhóm cổ phiếu theo ngành là có thể chiến thắng thị trường.

Giảm chung cuộc 3,71 điểm hay 0,31% so với tham chiếu, VN-Index vẫn có được 15,51 điểm tăng trong tuần. Tuy vậy việc đột phá qua ngưỡng tâm lý 1200 điểm thì vẫn không đạt được. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết giảm 11% so với hôm qua, chỉ còn 10.946 tỷ đồng. Thanh khoản thấp vẫn luôn là một biểu hiện của sự thận trọng.