11:48 26/11/2013

“Vụ” HAGL xin nhập đường: Mía đường bị ép đến chân tường

Nguyễn Huyền

Hàng triệu nông dân, công nhân ngành mía đường sẽ sống thế nào khi ngành mía đường không còn lối thoát?

Sảm phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lại tại Lào.<br>
Sảm phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lại tại Lào.<br>
“Nếu vì lợi ích của một doanh nghiệp mà quên đi lợi ích của hàng triệu nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân tại 40 nhà máy đường là sự đánh đổi quá lớn!”, đó là nhận định tại cuộc họp cuối tuần qua của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lấy ý kiến về việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đề nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu đường sản xuất tại Lào về Việt Nam, rồi tiêu thụ trong nước và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA tổng lượng đường do các nhà máy đường sản xuất niên vụ 2012 - 2013 là 1,530 triệu tấn. Đường sản xuất do nông dân trồng mía đã thừa so với nhu cầu tiêu thụ là 400.000 tấn. Cùng với đó là tệ nạn đường nhập lậu trốn thuế giá rẻ tràn vào Việt Nam khoảng 500.000 tấn/năm, khiến cho ngành mía đường mất 1/3 thị phần nội địa.

Cung vượt cầu, loay hoay xuất khẩu

Năm 2013, ngành mía đường phải chật vật xuất khẩu, bán tháo đường sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược, lối thoát duy nhất. Niên vụ 2013 - 2014 cung tiếp tục vượt cầu, lượng đường dư thừa sẽ lên đến 600.000 tấn, đường nhập lậu ngày càng nhiều cộng với đường nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ tăng lên 5% (khoảng 80.000 tấn), nên việc tiêu thụ hết lượng đường sản xuất thừa trong nước đang là vấn đề lớn của VSSA!

Tuy nhiên, vừa qua VSSA nhận được Công văn số 9842 ngày 30/10 của Bộ Công Thương, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cấp hạn ngạch nhập khẩu 30.000 tấn đường do HAGL sản xuất tại Lào về Việt Nam tinh luyện rồi xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược, tỉnh Lào Cai.

Tại hội nghị, hầu hết các thành viên Ban thường trực Hiệp hội và các doanh nghiệp đều cho rằng, vì lợi ích của nông dân trồng mía và sự sống còn của 40 nhà máy đường trong nước, VSSA nên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp nhận đề nghị của HAGL hợp tác với Công ty ĐBH đưa đường sản xuất tại Attapeu (Lào) về Việt Nam tiêu thụ.

Ông Long cho biết, các nhà máy đường đang mua mía của nông dân theo chính sách bảo hiểm giá tối thiểu từ 950.000 - 1.150.000 đồng/tấn mía, nên giá thành đường từ 9.000.000 - 11.000.000 đồng/tấn và ngành mía đường đang phân chia lợi ích giữa người trồng mía và nhà máy đường, nhờ vậy nông dân an tâm sản xuất.

Trong khi đó, với chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào cộng với những ưu đãi đặc biệt cho dự án trồng mía, nên giá mía của HAGL tại Lào rất thấp chỉ 296.000 đồng/tấn, giá thành đường cũng đặc biệt thấp, chỉ 4.320.000 đồng/tấn.

Vì vậy, đường do HAGL sản xuất tại Lào có sức cạnh tranh rất cao và đủ điều kiện xuất đi châu Âu theo ưu đãi thuế quan EBA mà Eurozone dành cho Lào kể từ tháng 3/2011, HAGL tại Lào nên khai thác kênh tiêu thụ này tốt hơn là chuyển đường về Việt Nam.

Lo ngành mía đường không đường thoát

Theo ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch VSSA, việc chấp thuận cho HAGL đưa đường từ Lào vào Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu nông dân trồng mía, nhân công thu hoạch mía cũng như hàng trăm ngàn công nhân đang làm việc tại 40 nhà máy đường trong nước.

Theo thỏa thuận với các nước láng giềng trong chính sách biên mậu thì tại khu kinh tế cửa khẩu chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa do nông dân 2 nước sản xuất ra. Nếu Chính phủ Việt Nam cho phép HAGL nhập đường thô về tinh luyện rồi xuất qua cửa khẩu Bản Vược như đề nghị thì đường của Lào bỗng nhiên có nguồn gốc (CO) từ Việt Nam.

“Theo thoả thuận chính sách biên mậu giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa nông sản do người dân 2 nước sản xuất. Nông dân Trung Quốc có lợi thế xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Việt Nam và nông dân Việt Nam cũng được hưởng lợi thế này. Nếu Chính phủ Việt Nam cho phép nhập khẩu đường của Lào về tái chế rồi xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược là Việt Nam đã vi phạm nguồn gốc hàng hóa (CO). Phía Trung quốc có đủ cơ sở để phạt hoặc đóng biên, khi đó sẽ ảnh hưởng lây lan đến hàng loạt hàng hóa khác hoặc vấn đề khác lớn hơn, bất lợi cho Việt Nam”, ông Liêm tỏ ra quan ngại.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đều cho rằng nếu Chính phủ chấp thuận theo đề xuất của HAGL sẽ tạo tiền lệ cứ doanh nghiệp nào đầu tư sản xuất đường ở nước ngoài đều được phép mang về nước tiêu thụ, còn các thương nhân thì nhập khẩu đường từ nước ngoài về chế biến rồi tái xuất qua cửa khẩu phụ, sau đó lập thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng rút tiền ngân sách.

Trong các năm tới, khi Việt Nam nhập khẩu đường trong khối ASEAN với thuế suất bằng 0, nhà nước không thu được thuế nhập khẩu nhưng phải chi tiền ngân sách hoàn thuế xuất khẩu! Cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích nông dân bỏ mía.

Dựa vào các cơ sở trên, VSSA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, không chấp thuận đề xuất của Bộ Công Thương theo đề nghị của HAGL và Công ty ĐBH về việc nhập khẩu đường HAGL sản xuất tại Lào để chế biến rồi xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ.

Nếu cho ĐBH nhập khẩu đường nguyên liệu để sản xuất thì nên thực hiện theo tạm nhập và tái xuất chính ngạch qua cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế. Nếu tiêu thụ trong nước phải nằm trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm mà Việt Nam đã cam kết với WTO bằng hình thức đấu thầu nhập khẩu.

Đường sản xuất trong nước dư thừa lớn, đường nhập lậu ngày càng tăng nay, nếu chấp thuận đề xuất này của Bộ Công Thương, 3 yếu tố này sẽ dồn ngành mía đường trong nước đến chân tường! Hàng triệu nông dân trồng mía, nhân công thu hoạch mía và công nhân làm việc ở các nhà máy đường sẽ sống thế nào khi ngành mía đường không còn lối thoát?

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)