20:29 27/08/2016

Vụ khách tố mất 26 tỷ tại VPBank: Tiền rút ra đã chuyển vào đâu?

Minh Đức

VPBank khẳng định nhân viên của mình không đứng tên mua séc như tố cáo

Phía UBND Tp.HCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM đã có yêu cầu 
các bên, cũng như các đầu mối liên quan phối hợp, vào cuộc để sớm có 
những kết luận cuối cùng.
Phía UBND Tp.HCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM đã có yêu cầu các bên, cũng như các đầu mối liên quan phối hợp, vào cuộc để sớm có những kết luận cuối cùng.
Chiều 27/8, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiếp tục có thông tin gửi tới các cơ quan chức năng và báo chí, về sự việc khách hàng tố cáo bị mất 26 tỷ đồng trong tài khoản tại ngân hàng này.

Ngân hàng này cũng cho biết là đã cung cấp toàn bộ hồ sơ, chứng từ gốc cho cơ quan điều tra.

Trước đó, ngày 24/8/2016, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và phát triển Quang Huân (công ty Quang Huân) tố cáo trên báo rằng, vào tháng 7/2015, khi đến VPBank để rút tiền thì mới biết 26 tỷ đồng trong tài khoản của công ty, do bà là chủ tài khoản, đã “biến mất”.

Nguyên do, theo phản ánh của bà Xuân trên báo chí, là do nhân viên VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng đứng ra mua séc của công ty để tiếp tay cho các ông Nguyễn Huy Nhựt, Đỗ Đình Bảo và Phạm Văn Trinh dùng séc “đánh cắp” tiền từ tài khoản của bà.

Sự việc trên đã xẩy ra gần một năm qua, nhưng đến nay các tình tiết, các thông tin trái chiều từ các bên vẫn chưa được làm rõ. Phía UBND Tp.HCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM đã có yêu cầu các bên, cũng như các đầu mối liên quan phối hợp, vào cuộc để sớm có những kết luận cuối cùng.

“Nhân viên VPBank không đứng tên mua séc

Một khẳng định trong tài liệu VPBank gửi đến báo chí chiều 27/8, liên quan đến một trong những điểm mấu chốt trong tố cáo của bà Xuân, là nhân viên ngân hàng này không đứng tên mua séc.

Tài liệu của VPBank dẫn giải chi tiết như sau:

Về ý kiến cho rằng cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đứng tên mua séc của công ty Quang Huân, trước hết, VPBank khẳng định rằng nhân viên Đoàn Thị Thúy Hằng không đứng tên mua séc mà chỉ đứng tên nhận hộ séc theo chỉ định của công ty Quang Huân; việc mua séc của công ty Quang Huân được chính công ty này thực hiện.

Theo chứng từ, tài liệu lưu trữ tại VPBank thì công ty Quang Huân có văn bản đề nghị mua séc ngày 28/3/2015, đề nghị mua séc được ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của công ty Quang Huân, trên đó ghi rõ người nhận séc là Đoàn Thị Thúy Hằng (thời điểm đó là cán bộ VPBank).

Trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu chữ ký, dấu trên đề nghị mua séc khớp đúng chữ ký, dấu mẫu được đăng ký, lưu trữ tại VPBank, VPBank đã chấp thuận bán quyển séc cho công ty Quang Huân theo đúng qui định tại điều 8 Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/7/2006 của Ngân hàng Nhà nước.

Để làm rõ lý do cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đứng tên nhận séc trên đề nghị mua séc của công ty Quang Huân, VPBank cho biết đã kiểm tra, xác minh và thấy rằng: cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng đã giải thích về việc có tên trên đề nghị mua séc của công ty Quang Huân là do kế toán công ty Quang Huân - tức ông Phạm Văn Trinh - đề nghị nhận hộ và trao lại cho ông Trinh sau đó.

Xác minh thêm với ông Phạm Văn Trinh, tại biên bản làm việc ngày 4/11/2015, ông Trinh đã xác nhận rõ toàn bộ số séc mà cán bộ Đoàn Thị Thúy Hằng nhận hộ trên đề nghị mua séc đã được chuyển lại cho Phạm Văn Trinh và sau đó, ông Trinh đã chuyển lại cho bà Xuân.
 
Từ các bước xác minh, kiểm chứng lại tài liệu lưu trữ và các cá nhân liên quan nói trên, VPBank nêu ba điểm trong khẳng định về chi tiết mua séc.

Thứ nhất, VPBank đã bán séc cho công ty Quang Huân theo đúng đề nghị mua séc, tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 30/2006/QĐ-NHNN ngày 11/7/2006 của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, việc kiểm soát yêu cầu đề nghị mua séc được thực hiện theo đúng quy định - chữ ký, dấu trên đề nghị mua séc khớp đúng với chữ ký, con dấu được đăng ký mẫu của công ty Quang Huân tại VPBank.

Thứ ba, quyển séc công ty Quang Huân mua đã được giao cho người nhận séc theo chỉ định của công ty Quang Huân và thực tế người nhận séc (Hằng) đã chuyển lại quyển séc đã mua cho Trinh kế toán của công ty Quang Huân và Trinh đã chuyển lại ngay cho bà Xuân - đại diện theo pháp luật của công ty Quang Huân.

Tiền đều chuyển vào tài khoản bà Xuân?

VPBank cho biết, trong quá trình giải quyết tố cáo của bà Xuân, VPBank cũng tìm hiểu về đường đi/đến của số tiền được rút ra từ 3 tấm séc (theo như tố cáo của bà Xuân) do công ty Quang Huân phát hành.

“Theo biên bản làm việc với Phạm Văn Trinh - cán bộ kế toán công ty Quang Huân (có luật sư đại diện) thì Trinh đã nêu rõ toàn bộ số tiền rút séc từ tài khoản của công ty Quang Huân đều được sử dụng theo chỉ định của bà Xuân - đại diện theo pháp luật - chủ tài khoản của công ty Quang Huân hoặc có sự giám sát của bà Xuân hoặc người nhà bà Xuân. Cụ thể: … ba lần rút séc với tổng cộng 11,3 tỷ đều chuyển lại tài khoản của cá nhân bà Xuân, tài khoản của công ty Quang Huân tại Argribank”, tài liệu của VPBank ngày 27/8/2016 nêu hướng đi của nguồn tiền.

Như đề cập ở các thông tin phản ánh trước, tường trình với VPBank, ông Trinh cho biết các lần rút tiền đều có 4-5 người của công ty Quang Huân đi cùng, trong đó có con của bà Xuân, sau đó giao tiền lại cho bà Xuân; bà Xuân gọi ông Trinh đến nhà lấy séc đi rút tiền, có người đi cùng chứng kiến trong các giao dịch trên…

Những tình tiết trên quan trọng vì liên quan đến kết luận bà Xuân có bị mất tiền không, hay những người bà Xuân tố cáo tường trình sai sự thật và chiếm đoạt số tiền trên. Dĩ nhiên kết luận vẫn phải chờ cơ quan điều tra xác minh.

Ngoài ra, số tiền liên quan cuối cùng là bao nhiêu cũng cần được xác định cụ thể. Vì VPBank đưa ra từ đơn tố cáo của bà Xuân, số tiền bị tố biến mất là 11,3 tỷ đồng, nhưng sau đó bà Xuân phản ánh trên báo là 26 tỷ đồng.

Còn theo nhân viên VPBank trước đây, người liên quan trong vụ việc là Đoàn Thị Thúy Hằng, thì số tiền trong tài khoản của công ty Quang Huân, không có đủ đến 26 tỷ đồng để mất như tố cáo.

Cụ thể, bà Hằng cho biết trên báo Tuổi Trẻ rằng: “Tôi không biết số tiền 26 tỷ đồng từ đâu ra vì tổng dòng tiền về tài khoản chưa đến 24 tỷ đồng. Có bốn người rút tiền trong tài khoản nhưng khi tố cáo, bà Xuân chỉ tố cáo ba người là ông Nhật, ông Bảo và ông Trinh”.

Trong tài liệu gửi cơ quan báo chí ngày 27/8, VPBank cũng dẫn lại số tiền tố cáo bị mất, với lập luận: “Tại đơn tố cáo VPBank nhận ngày 19/10/2015 bà Xuân có khiếu nại số tiền là 11,3 tỷ đồng, thế nhưng khi tố cáo tại cơ quan báo chí lại đưa ra con số thiệt hại tận 26 tỷ phải chăng chính bà Xuân cũng không thống nhất được nội dung khiếu nại/tố cáo của mình”.

Biết trước nhưng không khiếu nại?

Ngoài những nội dung trên, trong tài liệu công bố ngày 27/8/2016, VPBank dẫn thêm một chi tiết nữa liên quan đến quá trình của sự việc.

Đó là ngày 30/7/2015, bà Xuân có thực hiện thay đổi chữ ký chủ tài khoản công ty Quang Huân tại VPBank và sau đó có thực hiện một loạt giao dịch trong tháng 8/2015 như: ngày 6/8/2015, nhận chuyển khoản từ cá nhân bà Xuân; ngày 17/8/2015, chuyển tiền cho tài khoản Trần Thị Thanh Xuân.

Các thay đổi, biến động số dư tài khoản của các giao dịch kể trên vẫn tiếp tục được VPBank gửi SMS tới số điện thoại 097XXX9993 bà Xuân đang sử dụng. Tại biên bản làm việc với VPBank ngày 30/10/2015, bà Xuân thừa nhận bắt đầu từ ngày 6/8/2015 nhận được tin nhắn SMS thông báo biến động số dư tài khoản.

Theo VPBank, “điều này đồng nghĩa với việc bà Xuân đã biết rõ số dư tài khoản công ty Quang Huân từ 6/8/2015 trở đi - nghĩa là hoàn toàn mâu thuẫn với đơn tố cáo bà Xuân gửi đến VPBank cho rằng đến 14/9/2015 bà Xuân mới biết tài khoản bị mất tiền”.

Kết luận trong tài liệu gửi tới cơ quan chức năng và báo chí ngày 27/8/2016 của VPBank nêu: các giao dịch giả mạo (nếu có theo tố cáo của bà Xuân) chỉ có thể xảy ra trước ngày 30/7/2015 (trước thời điểm bà Xuân đổi chữ ký); hai là, bà Xuân đã biết chữ ký chủ tài khoản trước đó có sự khác biệt và đã biết số dư tài khoản của công ty Quang Huân tại ngày 30/7/2015 nhưng hoàn toàn không có khiếu nại/thông báo nào cho VPBank mà đến tận tháng 10/2015 VPBank mới nhận được đơn tố cáo về việc mất tiền.

“Câu hỏi đặt ra là phải chăng bà Xuân đã biết và chấp nhận có sự khác biệt chữ ký chủ tài khoản, biết giao dịch tài khoản trước đó?”, VPBank đặt tình huống.

Ngân hàng này cũng cho rằng, với thực tế là nội dung khiếu nại, tố cáo của bà Trần Thị Thanh Xuân “có rất nhiều điểm chưa chính xác, không đúng với thực tế, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều điểm mập mờ, đáng nghi vấn cần phải được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng đầy đủ”, để làm rõ và có thể đưa ra các kết luận chính xác các thông tin, nội dung kể trên, xác định rõ các sai phạm, gian dối (nếu có), VPBank cho rằng rất cần sự vào cuộc của cơ quan công an để điều tra, làm rõ và đưa ra kết luận cuối cùng.

Thừa nhận giả mạo giấy tờ?

Trong tài liệu gửi ngày 27/8/2016, VPBank cũng cung cấp đơn tố cáo của bà Trần Thị Thanh Xuân, công văn đến đề ngày 19/10/2015. Trong đơn tố cáo này cũng có thêm một số tình tiết cần làm rõ.

Đó là, bà Xuân cho biết, tháng 7/2015, bà có chỉ đạo nhân viên Phạm Văn Trinh lên VPBank yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin về số dư tài khoản, nhưng theo bà Xuân là ông Trinh viện mọi lý do để kéo dài thời gian.

“Thấy không ổn nên vào lúc 10h ngày 14/9/2015, tôi trực tiếp đến phòng giao dịch VPBank tại Tân Phú yêu cầu kiểm tra số dư tài khoản của công ty và được phía ngân hàng cho biết hiện trạng trong tài khoản chỉ còn hơn 300.000 đồng”, đơn của bà Xuân viết.

Bà Xuân cho biết thêm trong đơn nói trên rằng, sau đó bà về tổ chức họp nội bộ và “ông Phạm Văn Trinh đã thừa nhận toàn bộ sự việc giả mạo giấy tờ có sự giúp đỡ từ phía ngân hàng để thực hiện trót lọt hành vi sai trái”.

Trong đơn, bà Xuân cũng nêu là “bước đầu xác minh số tiền mà ngân hàng đã để rút đi” 11,3 tỷ đồng.

Cũng từ đơn tố cáo trên, một sự việc khác trong quan hệ giữa bà Xuân với VPBank được tiết lộ: tháng 8/2015, VPBank đã kiện bà Xuân ra tòa buộc phải trả tiền phạt 1,8 tỷ cộng tiền vay 2 tỷ - điều mà bà Xuân cho là hết sức vô lý…

Cùng đó, liên quan là cơ quan thi hành án đã có quyết định không cho bà Xuân xuất cảnh - điều mà bà Xuân cho là một việc làm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự cá nhân bà.