Vụ ThuducHouse: Vai trò của ban kiểm soát ở đâu?
Theo quy định pháp luật, ban kiểm soát có quyền hạn lớn, thực tế lực lượng ít, không đủ khả năng thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 60 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (viết tắt là Thuduc House, mã TDH), Cục thuế TP HCM và các đơn vị liên quan.
60 bị can bị đề nghị truy tố về 9 tội danh là: "Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nhận hối lộ; Sản xuất, buôn bán hàng giả; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...".
Trong đó, có 17 người là cựu lãnh đạo, cán bộ của Cục thuế TPHCM như: bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó cục trưởng; Phạm Minh Tuấn, cựu trưởng phòng Kê khai kế toán thuế; Cao Văn Tỵ, Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra thuế số 5; Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Kiểm tra nội bộ; Đào Thị Nga, cán bộ Chi cục Thuế quận 1; Nguyễn Phương Nam, cán bộ Chi cục thuế quận 3; Ngô Huỳnh Luỹ, cán bộ Chi cục thuế quận 5...
Trước đó, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 34 bị can. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, Viện KSND Tối cao đã trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung. Sau đó, C03 đã khởi tố thêm 26 người, trong đó có bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh.
NHÀ NƯỚC THẤT THOÁT HƠN 365 TỶ ĐỒNG
Theo kết luận điều tra, từ năm 2017-2019, Trịnh Tiến Dũng (đã bỏ trốn) điều hành nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước để lập hồ sơ mua bán lòng vòng, xuất nhập khẩu hàng hóa linh kiện điện tử.
Sau khi làm thủ tục xuất khẩu linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia, UAE, Singapore, thông qua các đầu mối trung gian, Dũng cho tổ chức lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Theo kế hoạch, từ tháng 2/2018 đến tháng 6/2019, Dũng chỉ đạo cấp dưới móc nối với cán bộ, lãnh đạo Thuduc House để lập, ký 334 hợp đồng kinh tế với 8 công ty nước ngoài.
Tổng giá trị các lô hàng xuất khẩu là hơn 158 triệu USD (hơn 3.600 tỷ đồng), thuế GTGT hàng xuất khẩu bằng 0%.
Để hợp thức đầu vào, Thuduc House đã lập, ký 334 hợp đồng mua bán linh kiện điện tử trong nước với nhiều công ty có giá trị hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó tiền thuế GTGT là 10%. Thuduc House sau đó lập 17 bộ hồ sơ gửi Cục Thuế TP HCM đề nghị hoàn thuế GTGT hơn 365 tỷ đồng.
Khi tiếp nhận hồ sơ, Cục thuế TPHCM đã ban hành 17 quyết định hoàn thuế GTGT cho Thuduc House với tổng số tiền hơn 365 tỷ đồng.
C03 xác định, để xảy ra hành vi gian dối, lập hồ sơ khống để hoàn thuế GTGT còn có hành vi trái pháp luật về quản lý thuế của cán bộ Cục Thuế TPHCM trong việc kiểm tra, thanh tra, xét duyệt, quyết định hoàn thuế.
Các bị can tại Cục thuế TP HCM đã không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế, quy trình trong việc xét duyệt, thẩm định hoàn thuế GTGT.
Nhóm cán bộ này còn không đối chiếu số liệu, không báo cáo dấu hiệu bất thường trong các bộ hồ sơ, không tổ chức thanh tra để phát hiện sai phạm.
Các hành vi này dẫn đến việc hoàn thuế không đúng, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 365 tỷ đồng.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã truy nã quốc tế và đang tổ chức truy bắt đối với Trịnh Tiến Dũng để làm rõ và mở rộng vụ án.
TRÁCH NHIỆM CỦA BAN KIỂM SOÁT RA SAO?
Theo kết luận, từ năm 2001 đến nay, Thuduc House có 22 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh linh kiện điện tử vào năm 2017.
Trong giai đoạn từ 2018-2019, các bị can gồm Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc, Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Phó Tổng giám đốc, Quan Minh Tuấn, kế toán trưởng và Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu đã gian dối trong việc lập hồ sơ kinh doanh hàng linh kiện điện tử xuất khẩu, kê khai hoàn thuế GTGT với số tiền hơn 365 tỷ đồng. Hành vi của các bị can thực hiện trong thời gian dài, giúp sức cho Trịnh Tiến Dũng lừa đảo, chiếm đoạt tiền thuế nhà nước.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, để xảy ra sai phạm trong thời gian dài có sự thiếu trách nhiệm của ông Nguyễn Hưng Long, Trưởng ban kiểm soát Thuduc House.
Theo quy định tại Điều 163 và Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều lệ thì Ban kiểm soát thực hiện giám sát HĐQT, giám đốc hoặc Tổng giám đốc… Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy, từ năm 2017-2019 không có hồ sơ nào về việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên ban kiểm soát.
Kết luận thể hiện, việc Thuduc House kinh doanh hàng linh kiện điện tử có sai phạm của Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, ban kiểm soát không can thiệp. Ban kiểm soát hoạt động chỉ biết thông qua báo cáo của Ban điều hành. Ban kiểm soát không xây dựng kế hoạch, không phân công nhân sự tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động công ty.
Theo quy định pháp luật, ban kiểm soát có quyền hạn lớn, thực tế lực lượng ít, không đủ khả năng thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với Hội đồng quản trị, kết luận điều tra cho rằng, hoạt động kinh doanh hàng linh kiện điện tử do Tổng giám đốc chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, HĐQT không ban hành chủ trương, nghị quyết để thông qua; không có hợp đồng mua bán, xuất khẩu linh kiện điện tử vượt mức quy định của Điều lệ (bằng hoặc trên 35% tổng giá trị tài sản) cần xin ý kiến HĐQT.
HĐQT không biết Hoàng và các đối tượng lợi dụng việc công ty mua bán, xuất khẩu linh kiện điện tử để chiếm đoạt tiền thuế GTGT nên không có căn cứ xem xét.
Kết luận điều tra cũng làm rõ hành vi vi phạm kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, năm 2018-2019, Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Thuduc House ký hợp đồng với Công ty TNHH kế toán và kiểm toán Phương Nam do Lê Đình Túc làm Chủ tịch HĐTV để tư vấn các chính sách về thuế.
Để có nguồn tiên chi tiêu, Quan Minh Tuấn,kế toán trưởng, Nguyễn Ngọc Trường Chính, Phó Tổng giám đốc và Nguyễn Vũ Bảo Hoàng đã cấu kết với Lê Đình Túc nâng khống 80% giá trị bảng tổng hợp nghiệm thu dịch vụ tư vấn và hóa đơn GTGT. Sau đó, Tuấn nhận lại hơn 7,7 tỷ đồng để chi cho công ty mà không có chứng từ, còn Túc giữ lại 20%, tương đương hơn 1,9 tỷ đồng tiền tư vấn.