08:59 11/07/2022

WHO lại muốn họp khẩn vì diễn biến mới của dịch đậu mùa khỉ

Hoài Phương

Vào cuối tháng 6, Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã xác định rằng chưa cần tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng dịch bệnh khẩn cấp toàn cầu. Song, trước tình huống virus tiếp tục lây lan, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus muốn Ủy ban Khẩn cấp họp một lần nữa...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ Kenya và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/7 đã khánh thành một trung tâm y tế khẩn cấp tại thủ đô Nairobi, trung tâm đầu tiên trong mạng lưới các trung tâm tại châu Phi nhằm tăng tốc khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong khu vực. Cơ sở trên gồm một trung tâm tập huấn có thể ứng phó với trường hợp khẩn cấp y tế trong vòng 24 giờ đầu tiên và có đủ dự trữ thiết bị y tế. WHO bày tỏ mong muốn muốn tạo ra các lực lượng ứng phó nhanh ở tất cả các quốc gia châu Phi.

CNN dẫn lời ông Tedros cho biết WHO sẽ triệu tập các chuyên gia của ủy ban họp khẩn vào ngày 18/7 hoặc sớm hơn nếu cần thiết. "Tôi tiếp tục lo ngại bởi quy mô và sự lây lan của virus. Trên thế giới, hiện có hơn 6.000 trường hợp được ghi nhận ở 58 quốc gia," ông Tedros nói. Theo người đứng đầu WHO, xét nghiệm vẫn là thách thức và rất có thể số lượng đáng kể bệnh nhân không được phát hiện.

Trước đó, ngày 25/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra quyết định chưa tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ngay sau đó, động thái này vấp phải nhiều phản đối. PGS Gregg Gonsalves, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Yale, Mỹ, cố vấn cho ủy ban nhưng không phải là thành viên của WHO, nhận định với Reuters quyết định này là "sai lầm". "Dịch bệnh đã đến mức đáp ứng tất cả tiêu chí để tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp, nhưng họ đã phủ nhận quyết định quan trọng này," ông nói.

Bệnh đậu mùa khỉ là loại bệnh do virus gây ra, chủ yếu xuất hiện ở miền Trung và Tây Phi. Nhưng đợt bùng phát mới đã khiến virus lây lan đến nhiều khu vực trên thế giới, nhiều nơi thậm chí chưa từng ghi nhận ca mắc bệnh này. Trong cuộc họp báo gần đây nhất, ông Tedros cho biết những con số "kỷ lục" đang được ghi nhận và nhóm chuyên gia của WHO liên tục theo dõi chặt chẽ dữ liệu.

WHO sẽ triệu tập các chuyên gia của ủy ban họp khẩn vào ngày 18/7 hoặc sớm hơn nếu cần thiết. 
WHO sẽ triệu tập các chuyên gia của ủy ban họp khẩn vào ngày 18/7 hoặc sớm hơn nếu cần thiết. 

WHO cũng đang làm việc với các quốc gia và nhà sản xuất vaccine để phối hợp chia sẻ vaccine phòng bệnh đậu khỉ vốn khan hiếm. Tổ chức này cũng trao đổi với các nhóm để phá vỡ sự kỳ thị xung quanh virus và truyền thông tin chính xác, giúp cộng đồng bảo vệ sức khỏe.

Dữ liệu ban đầu về đợt bùng phát cho thấy nam giới đồng tính và lưỡng tính, quan hệ tình dục đồng giới chiếm số lượng lớn trong số các ca được báo cáo. Tuy nhiên, Tại một số nước, tình trạng trẻ em và những người không quan hệ tình dục mắc đậu mùa khỉ đang gia tăng. Điều này khiến các chuyên gia lo lắng dịch có thể bùng phát mạnh hơn nữa.

Theo tiến sĩ Hans Kluge, Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, các ca bệnh này bị lây nhiễm do tiếp xúc với những thành viên mắc bệnh trong gia đình. Ông kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực để kiềm chế tình trạng này. Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện phát ban và khoảng 3/4 báo cáo các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy, ớn lạnh, đau họng hoặc đau đầu.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Eurosurveillance, nhóm chuyên gia tại Đức phát hiện virus đậu mùa khỉ tồn tại nhiều nhất trên bề mặt phòng tắm, áo sơ mi, vỏ gối. Bên cạnh đó, DNA của virus cũng được tìm thấy trong phòng của người bệnh. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý sự lây nhiễm bề mặt của DNA virus hoặc virus sống sót không đồng nghĩa nếu tiếp xúc bề mặt này chúng ta sẽ mắc bệnh.

Điều này tương tự cơ chế của Covid-19. Việc ngăn ngừa sự lây lan của virus những bệnh nhân có triệu chứng nên được điều chỉnh theo từng cá nhân. Việc khử trùng thường xuyên các điểm tiếp xúc da, tay, bề mặt có thể giảm quá trình virus đậu mùa khỉ phát tán, hạn chế nguy cơ truyền bệnh.

Nhóm chuyên gia tại Đức phát hiện virus đậu mùa khỉ tồn tại nhiều nhất trên bề mặt phòng tắm, áo sơ mi, vỏ gối...
Nhóm chuyên gia tại Đức phát hiện virus đậu mùa khỉ tồn tại nhiều nhất trên bề mặt phòng tắm, áo sơ mi, vỏ gối...

Bộ Y tế Singapore (MOH) mới đây cũng đã xác nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên ở quốc gia này. Đó là một người đàn ông Malaysia (45 tuổi) sống ở Singapore. MOH khẳng định người đàn ông nói trên không liên quan ca nhập cảnh được công bố ở Singapore vào ngày 21/6 - ca đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận ở Đông Nam Á trong đợt bùng phát hiện nay. Ngoài ra, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đã xác nhận ca đậu mùa khỉ nhập cảnh đầu tiên ở các vùng lãnh thổ này.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay châu Âu hiện là tâm chấn của đợt bùng phát hiện nay, ghi nhận hơn 80% tổng số ca đậu mùa khỉ toàn cầu từ đầu năm đến nay. Ông cho biết thêm ở châu Phi, các ca đậu mùa khỉ đang xuất hiện ở những quốc gia không bị ảnh hưởng trước đó và số bệnh nhân cao kỷ lục đang được ghi nhận ở những nơi có kinh nghiệm ứng phó đậu mùa khỉ.ai