15:42 12/12/2022

Xả lớn, VIC giảm hết biên độ, VN-Index bốc hơi 1,88%

Kim Phong

Thanh khoản hai sàn chiều nay tăng vọt 34% so với buổi sáng nhưng cổ phiếu lao dốc hàng loạt. Nhóm blue-chips VN30 giảm đặc biệt mạnh với số mã giảm nhiều gấp 3,8 lần số tăng, trong đó VIC và KDH giảm kịch sàn. VN30-Index giảm 2,6%. Khối ngoại không phải là tội đồ, mà là nhà đầu tư trong nước...

VN-Index lao dốc không phanh trong phiên chiều nay.
VN-Index lao dốc không phanh trong phiên chiều nay.

Thanh khoản hai sàn chiều nay tăng vọt 34% so với buổi sáng nhưng cổ phiếu lao dốc hàng loạt. Nhóm blue-chips VN30 giảm đặc biệt mạnh với số mã giảm nhiều gấp 3,8 lần số tăng, trong đó VIC và KDH giảm kịch sàn. VN30-Index giảm 2,6%. Khối ngoại không phải là tội đồ, mà là nhà đầu tư trong nước.

Vốn ngoại duy trì mức mua ròng khá tốt buổi chiều, nhờ quy mô giải ngân tăng lên và bán giảm đi. Cụ thể, riêng phiên chiều, mức mua vào trên HoSE đạt 1.033,8 tỷ đồng, mua vào 781 tỷ đồng. Ngay trong rổ VN30, khối này cũng quay đầu mua ròng tổng thể 5,9 tỷ đồng, dù phiên sáng vẫn bán ròng 62,7 tỷ đồng.

Quy mô bán ra của khối ngoại tại HoSE chỉ chiếm gần 7,9% tổng giá trị sàn này. Trong khi đó giá trị khớp lệnh của HoSE phiên này tăng 15% đạt 13.527 tỷ đồng và nếu tính cả thỏa thuận, đạt 16.401 tỷ đồng, tăng 27%. So với hôm qua, tổng giá trị bán từ tài khoản ngoại tăng hơn 23%.

Nói đơn giản, lực bán của khối ngoại có tăng, nhưng tăng áp đảo hơn chính là từ nhà đầu tư trong nước. Đặc biệt buổi chiều, khối ngoại tăng mua khá nhiều, nhưng nhà đầu tư trong nước xả còn mạnh hơn.

Kết hợp với lực bán gia tăng ở diện rộng, nhóm blue-chips cũng chịu sức ép rất lớn. Thống kê trong rổ VN30, chiều nay chỉ còn NVL và MSN là đứng giá so với phiên sáng, còn lại 28 mã đều giảm.

Trong nhóm trụ, giảm sốc nhất là VIC khi sau 2h khối lượng xả tăng vọt trong khi cầu bốc hơi, khiến giá gần như rơi tự do. Đợt ATC khoảng 437.400 cổ xả ra, không phải là khối lượng quá lớn, nhưng VIC thiếu cầu nghiêm trọng nên giá rơi xuống tận mức sàn. VIC riêng chiều nay giảm 5,82% so với giá chốt phiên sáng.

Những mã lớn khác giảm rất mạnh chiều nay còn là VHM, giảm 4,72% so với phiên sáng, đóng cửa dưới tham chiếu 6,65% chỉ còn cách mức sàn đúng 1 bước giá. VCB chốt phiên vẫn tăng 0,13% so với tham chiếu nhưng thực chất đã bốc hơi tới 3,25% giá trị trong buổi chiều, tức là vẫn góp phần lớn vào nhịp lao dốc. HPG riêng chiều giảm 3,38%, đóng cửa giảm 3,13% so với tham chiếu. GVR giảm 3,9% so với buổi sáng, đảo từ xanh sang đỏ, chốt giảm 1,66%. Đó là chưa kể tới VRE, BID, VPB, MBB, STB, TCB, SSI đều lao dốc cực nặng chiều nay.

Nhóm cổ phiếu trụ của VN-Index hôm nay hầu hết là giảm mạnh.
Nhóm cổ phiếu trụ của VN-Index hôm nay hầu hết là giảm mạnh.

Ảnh hưởng từ nhóm trụ tác động mạnh đến tâm lý thị trường chung. Thực ra dù đi ngang trong 3 phiên cuối tuần trước nhưng dòng tiền phân hóa mạnh nên không phải cổ phiếu nào cũng có lãi, thậm chí nhiều mã quay đầu giảm nhanh. Khi chỉ số chính mất quá nhiều điểm hôm nay, tâm lý bất an lan rộng, thúc đẩy hành động bán quyết liệt. Điều đó dẫn đến thanh khoản tăng mạnh nhưng giá lại lao dốc giảm.

HoSE kết phiên còn 158 mã tăng/286 mã giảm, cũng không phải là quá tệ. Độ rộng thể hiện sự phân hóa có hẹp lại, nhưng vẫn còn khá nhiều mã giao dịch tích cực. CTD, EIB, NVL, ANV, OGC, HVN vẫn kịch trần thành công cho tới phút cuối. Số khác như HBC, VOS, VGC, HAH, DBC, STG, PLX, VHC, DGC cũng có thanh khoản trên 20 tỷ đồng và giá tăng từ 2% trở lên.

Tuy nhiên điều quan trọng là nhà đầu tư có đang nắm giữ đúng những cổ phiếu ngược dòng tích cực nói trên hay không. Mặt khác, xét về tổng thể, thanh khoản ở những cổ phiếu đi ngược dòng đo chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng thanh khoản chung, cho thấy rủi ro nhà đầu tư bị thua lỗ là lớn hơn. Cụ thể, giao dịch ở nhóm tăng giá hôm nay chiếm 20% tổng giao dịch của HoSE, trong khi giao dịch ở nhóm giảm chiếm 77%. Tình thế này đảo ngược hoàn toàn so với buổi sáng, phản ánh một phiên chiều rất bất lợi cho phía cầm cổ.

VN-Index đóng cửa hôm nay xuống mưc 1.032,07 điểm, tức là xuống dưới nền điểm số của 3 phiên tích lũy đi ngang trước đó. Điều này làm gia tăng rủi ro nối dài nhịp điều chỉnh hiện tại.