Xây dựng pháp luật cần bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển
Trong tham luận của mình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho rằng xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới, góp phần đánh thức mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, nắm bắt mọi cơ hội phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo...

Ngày 27/7, Bộ Tư pháp phối hợp với tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo “Trao đổi, lấy ý kiến đối với kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật tại khu vực miền Nam”.
Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành chính (Bộ Tư pháp) báo cáo tóm tắt kết quả rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật.
Theo báo cáo, về kết quả rà soát theo 3 tiêu chí (quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 206/2025/QH15 của Quốc hội) có 97 nội dung tại 61 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm 08 Luật; 19 Nghị định, 34 Thông tư) có quy định mâu thuẫn, chồng chéo.
Có 71 nội dung tại 28 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm 8 luật; 16 Nghị định; 3 Quyết định, 1 thông tư) có quy định không rõ ràng, có cách hiểu khác nhau, không hợp lý, không khả thi, gây khó khăn trong áp dụng pháp luật.
Có 88 nội dung tại 29 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm 15 Luật; 14 Nghị định) có quy định tạo gánh nặng chi phí tuân thủ; chưa có quy định hoặc có quy định của văn bản quy phạm pháp luật nhưng hạn chế việc đổi mới sáng tạo, phát triển động lực tăng trưởng mới, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế.
Mặt khác, Bộ Tư pháp nhận được 1.751 kiến nghị, phản ánh do quy định pháp luật trong nhiều lĩnh vực.
Đánh giá về việc tổ chức thực hiện, ông Hồ Quang Huy cho biết về mặt tích cực, kịp thời tham mưu ban hành Kế hoạch chỉ đạo, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan và thời gian hoàn thành; có văn bản đề nghị, hướng dẫn; thực hiện thu thập phản ánh, kiến nghị từ nhiều kênh. Tuy thời gian rất gấp, với khối lượng công việc phải triển khai và nghiên cứu rất lớn nhưng đã được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, khách quan, kỹ lưỡng, thận trọng…
Tuy nhiên, hạn chế đáng chú ý là việc phối hợp chưa thường xuyên, tích cực; một số Bộ, ngành chưa xác định đúng trách nhiệm của cơ quan mình trong việc tổ chức nghiên cứu, cho ý kiến đối với kết quả rà soát để có phương án hoàn thiện pháp luật do Bộ, ngành mình phụ trách.
Trong tham luận của mình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cũng đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn”, các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, trên cơ sở đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật: chuyển từ tư duy “quản lý” sang “kiến tạo phát triển”, từ bị động sang chủ động.
Đồng thời, xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới, góp phần đánh thức mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, nắm bắt mọi cơ hội phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực phát triển, dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Bộ Tài chính cũng đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tháng 10/2025) đối với 08 dự án Luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý nợ công; Dự án Luật Đầu tư (thay thế); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dự trữ quốc gia; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Dự án Luật Quy hoạch (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản…
Trong nhiều kiến nghị của ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP.HCM, đáng chú ý có kiến nghị cần tổng rà soát những vướng mắc liên quan đến phân định về thẩm quyền, trách nhiệm tập thể và cá nhân, không thể quy định chung chung như hiện nay.
Kiến nghị về cải cách thể chế, ông Trần Văn Bảy đã đưa hiện tượng thực tế Nhà nước là quản trị theo quy trình chứ không phải quản trị theo kết quả (giống như doanh nghiệp). Vì vậy, rất nhiều bộ quy trình “làm khó” cho cả cán bộ công chức lẫn người dân và doanh nghiệp. Do vậy, sự cần thiết cải cách thể chế là phải thay đổi việc “quá quan tâm đến quy trình (vỏ bọc) mà quên đi kết quả”.