Xem xét sửa Luật Phòng chống tham nhũng
Trong phiên họp thứ 14 bắt đầu từ 11/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng
Đồng thời với cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, trong phiên họp thứ 14 bắt đầu từ 11/9 tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.
Đây cũng là hai nội dung đã được Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra trong hai ngày 5 và 6/9 vừa qua.
Theo dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), liêm chính là một chế định mới trên cơ sở tập hợp và hệ thống hóa một số nhóm quy định của luật hiện hành bao gồm: quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; các quy định về tặng quà và nhận quà tặng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh.
Tại điều 23, dự luật đã quy định cụ thể những việc mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm.
Đó là, không được cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh đối với tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Cán bộ, công chức, viên chức cũng bị cấm thành lập doanh nghiệp, giữ chức vụ quản lý, điều hành hoặc là thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu từ 10% cổ phần trở lên trong doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn 05 năm kể từ khi thôi giữ chức vụ, trừ trường hợp pháp luật khác có quy định thời hạn dài hơn thì áp dụng quy định của pháp luật đó…
Dự luật cũng quy định cụ thể các trường hợp để loại trừ việc “bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng”.
Theo đó, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho hoặc làm việc tại các vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc hoặc mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Lần sửa luật này cũng quy định về xung đột lợi ích để loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy hành vi tham nhũng.
Ngoài sửa Luật Phòng chống tham nhũng, tại phiên họp này Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về nhiều dự án luật khác. Gồm các dự án luật: Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Quản lý nợ công, Thuế bảo vệ môi trường, Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Quy hoạch...
Trong số này, dự án Luật Quản lý nợ công và Luật Quy hoạch đã nhiều lần được đặt lên bàn Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, nhưng một số vấn đề lớn vẫn chưa thể chốt.
Với dự án Luật Quản lý nợ công, trong phiên họp tháng 8/2017 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến, sau khi tiếp thu kết quả thảo luận của Quốc hội ở kỳ họp thứ ba.
Nhưng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra còn có ý kiến khác nhau về vấn đề lớn: đầu mối quản lý nợ công. Chính phủ đề nghị giữ nguyên nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước như quy định hiện hành. Còn cơ quan thẩm tra cho rằng phải thống nhất. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng kiên trì quan điểm đề xuất một đầu mối thống nhất quản lý nợ công (quan điểm của Bộ, không phải quan điểm của Chính phủ).
Chưa thể quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải đánh giá tác động của cả hai hướng một và ba đầu mối quản nợ công để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào phiên họp này.
Bên cạnh xây dựng pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp thứ tư của Quốc hội, các báo cáo công tác của khối tư pháp. Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh" cũng được giám sát tại phiên họp này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.