14:19 11/05/2014

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán

Nguyễn Hoàng

Xuất hiện những quan điểm đầu tư trái ngược trong các chuyên gia tại tọa đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền”

“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường thông qua các hoạt động giao dịch, hoạt động tư vấn đầu tư.<br>
“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường thông qua các hoạt động giao dịch, hoạt động tư vấn đầu tư.<br>
Những biến động mạnh trong tuần qua đã khiến tất cả các chuyên gia tại tọa đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” của VnEconomy đều tỏ ra rất thận trọng trong giao dịch, cũng như đánh giá xu thế ngắn hạn của thị trường.

Một điểm chung là trong khi phần lớn thị trường lo ngại câu chuyện rắc rối ở biển Đông, thì các ý kiến chuyên gia lại cho rằng vấn đề biển Đông chỉ là sự kiện có tác động mang tính thời điểm then chốt, vào một quá trình suy yếu của thị trường đã có từ trước. 

Quan điểm đầu tư ngắn hạn đã xuất hiện ý kiến trái ngược. Trong khi phần lớn các chuyên gia được hỏi đều đánh giá những hoạt động bắt đáy ngắn hạn là rủi ro và chấp nhận đứng ngoài, vẫn có 2/5 người thực hiện giải ngân với mức cổ phiếu cao nhất lên tới 60%.

Tuy nhiên quan điểm được thống nhất là tùy thuộc vào chiến lược đầu tư cụ thể, dài hạn hay ngắn hạn, mà hoạt động giao dịch bắt đáy vào thời điểm này có phù hợp hay không.

Điều này cũng góp phần lý giải tại sao tuần qua, những bản tin phân tích của các công ty chứng khoán khuyên nhà đầu tư đứng ngoài thị trường hoặc thận trọng tối đa, trong khi chính bộ phận tự doanh lại thực hiện mua vào khá mạnh.

Khả năng trường vốn, kho hàng có sẵn để phòng người rủi ro, quan điểm đầu tư dài hạn là những điều tạo nên sự khác biệt chính trong hoạt động mua tuần qua.

Giọt nước tràn ly?

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 1

Một tuần giao dịch với những biến động thật sự khó lường. Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất vẫn là những biến động tại biển Đông. Liệu những phản ứng tốt hơn trong phiên cuối tuần có phải là dấu hiệu của việc thị trường đã phản ánh hết những lo ngại đó hay chưa? Thị trường có phải đối mặt với rủi ro nào khác nữa hay không?

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 2

Tôi cho rằng vấn đề biển Đông chỉ là một giọt nước làm tràn ly khi thị trường đã trải qua 1,5 tháng giảm điểm liên tục, liên tiếp phá vỡ các mốc hỗ trợ khiến nhiều nhà đầu tư đối mặt với thất vọng này đến thất vọng khác. 

Phiên giao dịch hôm thứ Năm vừa rồi đã đẩy sự thất vọng lên đến đỉnh điểm, về mặt kỹ thuật đó được gọi đó là một phiên wash-out. 

Nguyên nhân chính của sự hoảng loạn là áp lực margin đã được giảm thiểu sau phiên giao dịch này. Tôi cho rằng rủi ro giai đoạn này thấp, nhưng tâm lý nhiều nhà đầu tư sau những tổn thất của nhịp vừa rồi vẫn chưa thực sự sẵn sàng để nhập cuộc trở lại.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 3

Thực tế, tôi không muốn nhắc đến câu chuyện về tình hình biển Đông và những ảnh hưởng của nó, không phải vì đây là vấn đề “nhạy cảm”, mà thực tế thì  năm nào cũng vậy, chu kỳ nào cũng vậy, khi thị trường lên thị trường sẽ nhấn sâu vào những “tin tốt”.

Và ngược lại, khi thị trường xuống thì những tin xấu luôn được chú ý một cách thái quá mà thực ra nó không phải là bản chất tác động chính đến thị trường. 

Thị trường đã giảm điểm trước đó sau khi đã có một chu kỳ tăng kéo dài với đầy đủ các phân lớp cổ phiếu, dư nợ margin cũng duy trì ở mức cao trong một thời gian dài - thể hiện hiện tượng bong bóng… 

Vụ “biển Đông” có gì đó cũng gần giống như vụ “bầu Kiên”, chỉ mang tính tác động thêm, cục bộ khiến cho một vài phiên giao dịch trở nên tiêu cực hơn, chứ về bản chất - đây không phải những nguyên nhân chính tác động đến xu hướng thị trường.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 4

Nếu phiên thứ Năm tuần trước, nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với việc bán mạnh cổ phiến ra bằng mọi giá, thì việc phục hồi trở lại phiên cuối tuần qua cũng là điều dễ hiểu. 

Các điểm rơi điều chỉnh ở các ngưỡng 575, 555 điểm với các phiên hồi sau đó với thanh khoản thấp đã vẫn chỉ báo dòng tiền lớn đã đứng ngoài thị trường và sẽ đợi chờ mua cổ phiếu ở nền tảng rẻ hơn. Trước đó hai tuần, tôi vẫn cho rằng thị trường sẽ tìm đến điểm cân bằng ở nganh ngưỡng 540 điểm tương ứng với ngưỡng Fibo 61.8% là mức giảm sâu nhất và ở đó thị trường sẽ tích lũy, tạo đáy và quay ngược lại xu thế tăng. 

Trong ngắn hạn, thị trường sẽ vẫn tiềm ẩn rủi ro do chỉ số VN-Index sẽ trồi sụt quanh ngưỡng 542 - 555 vào tuần tới và lực bán mạnh vẫn sẽ tiếp tục diễn ra vào cuối phiên 2 ngày thứ Hai và phiên giao dịch ngày thứ Ba. Điều này chỉ ra rằng ngoài việc vĩ mô trong giai đoạn hiện tại vẫn còn nhiều bất ổn, lượng hàng kẹp giá cao quá nhiều và thị trường hồi trở lại ở các phiên đầu tuần cũng chỉ tạo cơ hội cho những nhà đầu tư mất kiên nhẫn bán ra. 

Giai đoạn tới sẽ là giai đoạn thị trường đi ngang và tạo nền tảng giá mới trước khi có thể quay trở lại tăng mạnh vào đầu tháng 8 tới.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 5

Thông tin về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, gây căng thẳng tại vùng biển Đông, đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước. 

Theo tôi dù diễn biến thị trường đã ổn định trở lại vào phiên cuối tuần, tuy nhiên thông tin về vụ việc này vẫn sẽ thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Bất kỳ động thái leo thang nào của Trung Quốc đều có thể khiến nhà đầu tư thêm lo ngại, tạo áp lực giảm điểm cho thị trường.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 6

Sau hai nhịp bán tháo vào trước và sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, chỉ số đã lùi sâu về vạch xuất phát đầu năm 2014, với sự điều chỉnh mạnh trên diện rộng của nhiều cổ phiếu trụ cột như (BVH, VIC) và các cổ phiếu vừa và nhỏ khác. 

Có thể nói, diễn biến biển Đông đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý đang chán nản của nhà đầu tư sau khoảng một tháng thị trường dần dần điều chỉnh với thanh khoản rút nhanh và mạnh. Lực đỡ của thị trường chủ yếu từ khối ngoại và tự doanh của các công ty chứng khoán đã lý giải cho việc giảm tốc giảm điểm và bật tăng trở lại vào phiên cuối tuần. 

Thanh khoản của hai phiên ngày cuối tuần vẫn chưa cho thấy sự ổn định vì vậy chúng ta cần kiểm nghiệm lại điều kiện này ở các phiên đầu tuần tới để xác nhận xu hướng hồi phục đã rõ ràng hơn hay chưa. Trong tháng Năm vẫn còn nhiều diễn biến khó dự đoán đang chờ đợi ở phía trước nên rủi ro giảm điểm vẫn có thể còn tồn tại trong ngắn hạn.

Phân tích bảo bán, tự doanh lại mua

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 7

Một điểm khá thú vị về giao dịch trong tuần này, là đa số các phân tích của công ty chứng khoán đều khuyên nhà đầu tư thận trọng và đứng ngoài, hoặc cắt giảm danh mục. Tuy nhiên số liệu lại cho thấy khối tự doanh thực hiện mua rất mạnh trong ngày 8/5. Là những người trong nghề, anh chị có thể lý giải vấn đề này?

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 8

Con số mua ròng hay bán ròng theo tôi thực sự không có nhiều ý nghĩa, quan trọng là tỷ lệ cổ phiếu trong danh mục là bao nhiêu. 

Hơn thế, mục tiêu đầu tư của các quỹ tự doanh thường dài hạn hơn nhà đầu tư nhỏ lẻ và họ trường vốn hơn, đầu tư thiên về cơ bản nhiều hơn, nên dễ hiểu tại sao họ mua ròng lúc này. 

Nếu bạn đọc bản tin ngày của công ty chứng khoán, hãy hiểu rằng đấy thường là những khuyến nghị thiên về ngắn hạn. Bản tin của VNDS tuần qua vẫn khuyến nghị mua với mục tiêu trung hạn ngay tại phiên thị trường giảm mạnh nhất.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 9

Các công ty chứng khoán khuyên khách hàng cẩn trọng và đứng ngoài thị trường chủ yếu là đối với các khách hàng có xu hướng giao dịch ngắn hạn và đang có lượng cổ phiếu còn khá nhiều trong danh mục ký quỹ cần phải cắt giảm. 

Điều này là hoàn toàn chính xác khi thị trường đang đối mặt với các phiên biến động mạnh sau một chuỗi các phiên “cưa chân bàn để tạo thanh khoản” trước đó. 

Ngược lại, tự doanh các công ty chứng khoán và khối ngoại lại chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức có tầm nhìn trung và dài hạn nên họ sẽ mua vào dần dần ở các phiên điều chỉnh mạnh ở mức điểm phù hợp quanh 520-530 điểm, với mặt bằng P/E ở nhiều cổ phiếu chủ chốt đã thấp bằng giai đoạn đầu năm 2014. Do vậy, hai mục đích khác nhau sẽ có thể dẫn tới các hành động đầu tư khác nhau.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 10

Nếu những phiên sụt giảm mạnh với nguồn cung cổ phiếu lớn bán ra bằng mọi giá thì việc đứng ngoài thị trường là điều cần thiết. 

Những yếu tố bất lợi cho thị trường có mặt cùng thời điểm: xung đột khu vực, tình hình nợ công… đã thực sự không hỗ trợ cho giao dịch cổ phiếu lúc này. 

Nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đến gần các phiên đầu tuần này mới bán cổ phiếu thì tôi cho rằng thời điểm bán là quá muộn điều mà có thể phải thực hiện phải ở những ngày 14, 15/04 khi mà thị trường không còn lực cầu hỗ trợ. 

Khối tự doanh mua vào mạnh vào ngày 8/5 cũng có nguyên nhân của họ và tôi tin rằng họ mua vào thời điểm phiên chiều ngày 8/5 là chủ yếu do VN-Index giảm thái quá về sâu hơn ngưỡng Fibo 61.8% - ngưỡng hỗ trợ rất mạnh và nhiều cổ phiếu tốt đã giảm giá mạnh bất ngờ và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp mua gom vào ở các vùng hỗ trợ dễ dàng bật tăng trở lại. 

Với các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc đầu tư ngắn hạn rõ ràng là không quá hay để mua vào nhưng các nhà đầu tư lớn, các quỹ tự doanh lại hoàn toàn có thể, khi sự chuyên nghiệp trong trading và nguồn vốn vượt trội cho phép họ giải ngân ở vùng an toàn (vùng quá bán) sau khi thị trường sụt giảm mạnh bất ngờ và nhiều cổ phiếu tốt lại giá quá rẻ.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 11

Sự khác biệt đến từ quan điểm đầu tư, các nhà đầu tư cá nhân thường ưa thích và phù hợp với các chiến lược ngắn hạn - và hầu hết các khuyến nghị của các công ty chứng khoán tới khách hàng cá nhân cũng theo hướng này; và quan điểm tôi cũng đồng thuận với sự thận trọng ở giai đoạn hiện tại.

Với các nhà đầu tư tổ chức như tự doanh các công ty chứng khoán lớn, các quỹ đầu tư nước ngoài, chiến lược của họ sẽ khác.

Lật trở lại vụ “bầu Kiên”, cũng dễ thấy rằng thanh khoản ở các phiên sụt giảm đó là rất lớn, nhà đầu tư tổ chức họ mua nhiều, nhưng sau đó thị trường còn tiếp tục khó khăn thêm 4 tháng nữa, nhiều mã cổ phiếu cơ bản giảm từ 20-30% nữa, trong khi các cổ phiếu đầu cơ nhiều mã vẫn giảm tới một nửa giá trị. 

Cuối cùng, lưu ý rằng, không phải nhà đầu tư tổ chức luôn đúng, không ai luôn đúng trên thị trường chứng khoán.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 12

Tôi cho rằng, đa số các phân tích của công ty chứng khoán đều khuyên nhà đầu tư thận trọng và đứng ngoài, hoặc cắt giảm danh mục do lo ngại trong ngắn hạn thị trường còn có thể biến động mạnh trước các thông tin bất ngờ. 

Tuy nhiên, với tầm nhìn trung và dài hạn, việc sụt giảm giá mạnh đã nhanh chóng đưa nhiều cổ phiếu về mặt bằng hấp dẫn để đầu tư. Hành động của khối tự doanh và các quỹ dựa trên thời hạn đầu tư, quy mô vốn có sự khác biệt với nhà đầu tư cá nhân, do vậy đôi khi hành động của khối tự doanh, các quỹ có thể đi trước, hoặc ngược với đám đông.

Khó lường ngắn hạn

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 13

Có nhiều quan điểm trái ngược nhau khi phản ứng với những biến động bất thường như ngày 8/5 vừa qua, người nói cắt lỗ là hay, người bảo bắt đáy là tốt. Phản ứng của anh chị như thế nào đối với danh mục của mình? Liệu đã đến thời điểm để bắt đáy?

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 14

Tôi cho rằng đã đến lúc để mua vào đón đầu một nhịp hồi ít nhất đem lại 10% lợi nhuận trên cổ phiếu. 

Sự bật lại của thị trường trong phiên thứ 6, đồng thời xuất hiện một số mã dẫn dắt là bản lề để thị trường bước vào nhịp hồi. Thông thường với diễn biến giảm mạnh như 2 tuần qua, có thể thị trường cũng sẽ hồi phục rất nhanh và bất ngờ, trả lại toàn bộ phần giảm điểm quá đà trước đó. 

Tỷ lệ cổ phiếu hiện tại của tôi là 50% và có thể cân nhắc gia tăng thêm nếu tuần này thị trường xuất hiện các tín hiệu củng cố khả năng thị trường có thể đi xa hơn một nhịp hồi kỹ thuật.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 15

Xuất hiện các quan điểm trái ngược nhau khi phản ứng với những biến động bất thường ngày 8/5 là do vị thế và tỷ trọng cổ phiếu của các nhà đầu tư là khác nhau. Nhà đầu tư có tỷ trọng thấp sẽ thực hiện bắt đáy, trong khi nhà đầu tư có tỷ trọng quá cao lại thực hiện cắt lỗ để quản trị được rủi ro. 

Dù biến động trong ngắn hạn còn khó lường, tuy nhiên xét trên quan điểm trung và dài hạn, tôi cho rằng nhiều cổ phiếu đã nằm trong vùng giá hấp dẫn. Tôi tiếp tục duy trì tỷ trọng 60% cổ phiếu trong danh mục.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 16

Tôi tiếp tục để danh mục ngắn hạn của mình ở trạng thái “full tiền”, xu hướng là bán, và tôi là một nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn. 

Còn trên quan điểm tư vấn, tôi cho rằng, nhà đầu tư cần thật sự hiểu mình phù hợp với chiến lược đầu tư nào, nếu chọn theo hướng lướt sóng ngắn hạn, thì việc đứng ngoài thị trường là phù hợp, còn chọn phong cách đầu tư giá trị, các cổ phiếu sản xuất, cơ bản tốt giảm sâu trong nhịp vừa qua đang ở mức giá khá hấp dẫn. 

Tình trạng vốn đầu tư cũng quan trọng, giai đoạn này nếu vẫn còn sử dụng margin, thì dù ở chiến lược đầu tư nào, tôi cũng thấy là không phù hợp.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 17

Tôi cho rằng việc giải ngân chủ động tại các phiên giảm mạnh khoảng 30% quy mô danh mục vào các cổ phiếu trụ cột đã giảm điểm sâu (mức chiết khấu từ 30-40%). Có thể thị trường sau diễn biến bật tăng trở lại sẽ tiến đến cho kỳ đi ngang tích lũy trong khoảng vài tuần trước khi có diễn biến mới.

Các hành động mua đuổi giá tuyệt đối không nên áp dụng. Bên cạnh đó, việc mua bình quân giá ở các cổ phiếu nhỏ có tính chất đầu cơ cũng nên tạm thời được loại trừ trong điều kiện thị trường như hiện tại.

Xu thế dòng tiền: Sóng biển Đông và chứng khoán 18

Nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư giá trị, đầu cơ cổ phiếu, quỹ ủy thác, tự doanh mỗi đối tượng trên đều phải có chiến lược đầu tư riêng phù hợp. Đa số nhà đầu tư nhỏ ít kinh nghiệp lại bị kẹp cổ phiếu và tâm lý bán nhanh để giảm lỗ sẽ chi phối động thái bán ra của họ trong khi những nhà đầu cơ chuyên nghiệp thì đã bán nhanh rút tiền ra và chỉ mua vào bắt đáy sau 1 khoảng thời gian nữa. 

Tôi lựa chọn chiến lược là sẽ tiếp tục đứng ngoài thị trường với tỷ lệ cổ phiếu trong tài khoản rất thấp, có thể mua gom với số lượng ít những cổ phiếu theo tôi là rất triển vọng trong vài tháng. Tỷ lệ tiền/cổ phiếu vẫn là 80%/20% và chỉ gia tăng thêm khi thị trường diễn biến thuận lợi. 

Tôi không nghĩ bắt đáy là ý tưởng hay và cho rằng nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài thị trường thêm 1-2 tháng trước khi Vn-Index vào sóng tăng mạnh trở lại với các tín hiệu rõ nét hơn.

Nhằm giúp bạn đọc/nhà đầu tư chứng khoán có thêm những góc nhìn tham khảo uy tín, đến từ các chuyên gia hàng đầu trên thị trường, bắt đầu từ tháng 1/2014, VnEconomy mở thêm chuyên mục tọa đàm định kỳ hàng tuần mang tên “Xu thế dòng tiền”.

“Xu thế dòng tiền” hội tụ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm đến từ các công ty chứng khoán, là những người bám sát thị trường, có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường thông qua các hoạt động giao dịch, hoạt động tư vấn đầu tư. Ở vị trí điều phối cuộc tọa đàm là nhà báo Nguyễn Hoàng, người phụ trách Ban Chứng khoán của VnEconomy.

VnEconomy và các chuyên gia không chịu trách nhiệm trước những thiệt hại nếu có trong hoạt động đầu tư dựa trên những nhận định được đăng tải. Các chuyên gia là những thành viên tham gia thị trường, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các hoạt động đầu tư thực tế, do vậy, các quan điểm nhận định cũng như phương pháp đầu tư có thể dẫn đến những xung đột lợi ích.