11:14 27/04/2025

Xu thế dòng tiền: Thấy gì từ nhịp rung lắc đột biến?

Nguyễn Hoàng

Sau những hỗn loạn và hoảng loạn của giai đoạn đầu tháng 4 khi yếu tố thuế đối ứng xuất hiện, thị trường tưởng như đã bình yên. Vì vậy diễn biến sụt giảm đột ngột hơn 70 điểm trong tuần qua nằm ngoài dự tính của rất nhiều nhà đầu tư. Đó là cơ hội bắt đáy hay tín hiệu về sự nhạy cảm trước bất kỳ thông tin bất lợi nào về kết quả đảm phán?

VN-Index đột ngột xuất hiện biến động dữ dội chiều ngày 22/4 và kết thúc chóng vánh.
VN-Index đột ngột xuất hiện biến động dữ dội chiều ngày 22/4 và kết thúc chóng vánh.

Sau những hỗn loạn và hoảng loạn của giai đoạn đầu tháng 4 khi yếu tố thuế đối ứng xuất hiện, thị trường tưởng như đã bình yên. Vì vậy diễn biến sụt giảm đột ngột hơn 70 điểm trong tuần qua nằm ngoài dự tính của rất nhiều nhà đầu tư. Đó là cơ hội bắt đáy hay tín hiệu về sự nhạy cảm trước bất kỳ thông tin bất lợi nào về kết quả đảm phán?

Các chuyên gia có đánh giá khác nhau về biến động cực mạnh hôm 22/4 vừa qua, chủ yếu dựa trên yếu tố phục hồi và cân bằng của 3 phiên còn lại cuối tuần trước. Quan điểm chiếm ưu thế coi đó là “phiên rũ hàng” lịch sử, dựa trên 2 tín hiêu cơ bản. Thứ nhất là nhịp giảm mạnh nhưng kết thúc nhanh. Thứ hai, thị trường ổn định trở lại 3 phiên sau đó và không có thông tin đặc biệt nào đáng chú ý, áp lực bán của lượng hàng bắt đáy về không lớn.

Quan điểm thận trọng hơn tuy cũng đánh giá cao khả năng phục hồi và ổn định lại nhanh chóng nhưng coi diễn biến đó như một sự cảnh báo về tâm lý còn nhiều bất an. Trong bối cảnh không có thông tin gì mới chưa chắc đã là tốt, thị trường hoàn toàn có thể phản ứng tiêu cực nếu phải đón nhận những bất ngờ mới.

Với các góc đánh giá rủi ro/cơ hội khác nhau, phần lớn chuyên gia được hỏi đã thực hiện bắt đáy trong nhịp lao dốc mạnh ngày 22/4. Tuy nhiên cũng có chuyên gia chỉ thực hiện sàng lọc tín hiệu cổ phiếu mạnh tại hôm đó và chỉ giải ngân ở các phiên ổn định kế tiếp. Tỷ trọng cổ phiếu trung bình ở mức 70%-80%.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Diễn biến bất ngờ nhất tuần qua là biến động cực mạnh hôm 22/4, có lúc VN-Index sụt giảm hơn 70 điểm. Trong trao đổi tuần trước anh chị đánh giá cao khả năng điều chỉnh thêm, nhưng biến động lớn như vậy – thậm chí thủng các mức dự kiến của anh chị - có gây bất ngờ? Có ý kiến đánh giá đó là phiên “rũ hàng” và là một tín hiệu tốt. Quan điểm của anh chị thế nào?

 
Xu thế dòng tiền: Thấy gì từ nhịp rung lắc đột biến? - Ảnh 1

Phiên hàng giá thấp T+ về tài khoản nhưng khớp lệnh không cao, điều này cho thấy dòng tiền lớn chưa muốn bán ra ở vùng giá hiện tại. Nếu các yếu tố bên ngoài không có thêm tín hiệu xấu đi, tôi kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục đà phục hồi.

Nguyễn Thị Mỹ Liên

Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Trước tiên, phải khẳng định rằng mức biến động giảm hơn 70 điểm trong phiên 22/4 không vượt ngoài kỳ vọng của tôi về vùng hỗ trợ 1140 điểm và sau đó bật tăng trở lại, vì điều đó phản ánh tâm lý hoảng loạn tạm thời của đa số nhà đầu tư, chủ yếu đến từ hai nguyên nhân: (1) hiệu ứng dây chuyền từ các lệnh margin call và (2) tâm lý thận trọng trước vòng đàm phán thương mại Việt–Mỹ.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách chiến lược, tôi cho rằng đó là phiên “rũ hàng” mang tính thanh lọc cần thiết. Lịch sử thị trường Việt Nam ghi nhận những phiên giảm sốc tương tự vào các năm 2018, 2020, 2022 đều mở ra cơ hội đầu tư rất tốt sau đó. Thực tế, sau phiên 22/4, VN-Index đã cho tín hiệu phục hồi kỹ thuật ngắn hạn, khối lượng giao dịch lớn (hơn 34.000 tỷ đồng) chứng minh dòng tiền “mua giá thấp” hoạt động mạnh mẽ, thay vì đứng yên chờ đợi. Và đây là tín hiệu tích cực về mặt kỹ thuật, đánh dấu vùng tạo đáy ngắn hạn, chứ không phải dấu hiệu đầu tiên của một xu hướng giảm dài hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta

VN-Index trải qua phiên giao dịch đầy biến động vào hôm 22/4 khiến chỉ số có thời điểm giảm xuống 1140 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy mạnh vào cuối phiên giúp chỉ số chỉ giảm 10 điểm sau khi đóng cửa. Theo quan điểm nhận định từ tuần trước của tôi, chỉ số sẽ khó giảm qua 1190 điểm nhưng với diễn biến vừa qua tâm lý thị trường đang chịu áp lực lớn và đây hoàn toàn khả năng cao là phiên rũ hàng. Tuy nhiên chúng ta chưa thể kết luận đây là tín hiệu tốt với thị trường khi mà các tin tức vĩ mô ẩn chứa rất nhiều rủi ro tiêu cực.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Chỉ số trượt dốc vào phiên chiều ngày 22/4 với áp lực bán lan rộng toàn thị trường chứ không phải cục bộ ở một nhóm, nhiều cổ phiếu có lúc trong tình trạng dư bán sàn. Đợt thoái lui cũng gây bất ngờ với tôi, dù đã có dự trù kịch bản điều chỉnh nhưng biến động thực tế lại khá lớn. Dẫu vậy, thị trường đã sớm cân bằng trở lại và vận động trở về trạng thái bình thường.

Tôi cho rằng một phần tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bị tổn thương do đợt lao dốc mạnh trước đó, nên những bất ổn, hoặc những đồn đoán từ bên ngoài dễ gây ảnh hưởng lên tâm lý lúc này, từ đó thúc đẩy việc bán tháo. Tôi đồng quan điểm đó có thể là phiên “rũ bỏ”. Theo quan sát, phiên hàng giá thấp T+ về tài khoản nhưng khớp lệnh không cao, điều này cho thấy dòng tiền lớn chưa muốn bán ra ở vùng giá hiện tại. Nếu các yếu tố bên ngoài không có thêm tín hiệu xấu đi, tôi kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục đà phục hồi.

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Biến động sụt 70 điểm ngày 22/4 tuy vượt dự kiến nhưng không hoàn toàn bất ngờ trong bối cảnh thị trường tích lũy nhiều rủi ro vĩ mô. Đợt giảm mạnh có đặc điểm của “rũ hàng” khi áp lực bán gia tăng đột ngột với biên độ rộng, dọn đường cho giai đoạn tạo đáy kỹ thuật.

Tuy nhiên, việc đánh mất điểm số lớn trong thời gian ngắn cho thấy tâm lý yếu hơn dự kiến, cần thận trọng trước kịch bản điều chỉnh sâu hơn nếu không có tín hiệu hồi phục nhanh. Về tích cực, đây có thể là cơ hội để nhà đầu tư săn mua chọn lọc cổ phiếu chất lượng với triển vọng cơ bản khả quan.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Việc thị trường điều chỉnh bất ngờ có những lúc giảm về mốc 1140 – 1160 điểm hôm thứ 3 tuần trước khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Thời điểm thị trường giảm sâu, áp lực bán tăng mạnh trong phiên chiều khiến tâm lý hoảng sợ xuất hiện – điều này phản ánh một đặc điểm mang yếu tố tâm lý đặc trưng trong những giai đoạn thị trường vận động trong pha điều chỉnh trong bối cảnh các chính sách thuế, căng thẳng thuế quan.

Tuy nhiên, đà giảm thu hẹp “rút chân” và liền sau đó các chỉ số hồi phục tăng điểm 3 phiên liên tiếp cũng đã một lần nữa cho thấy thị trường đã tạo đáy kép và hồi phục quay trở lại khu vực điểm cân bằng 1230 – 1250 điểm từ nay cho đến một vài tuần tới. Nhiều thông tin tốt cũng đã được công bố, tôi nghĩ thị trường sẽ sớm tìm được điểm cân bằng và tăng điểm trở lại – nhiều cơ hội đầu tư tốt sẽ xuất hiện trong giai đoạn tới.

 
Xu thế dòng tiền: Thấy gì từ nhịp rung lắc đột biến? - Ảnh 3

Đây hoàn toàn khả năng cao là phiên rũ hàng. Tuy nhiên chúng ta chưa thể kết luận đây là tín hiệu tốt với thị trường khi mà các tin tức vĩ mô ẩn chứa rất nhiều rủi ro tiêu cực.

Ông Nguyễn Việt Quang

Nguyễn HoàngVnEconomy

Căng thẳng về thuế quan tuần qua có tín hiệu hạ nhiệt, Việt Nam cũng bắt đầu xúc tiến đàm phán. Tuy nhiên thị trường trong nước dường như không phản ứng tích cực với diễn biến đó như thị trường quốc tế, thanh khoản sụt giảm khá mạnh nếu không tính đến biến động đột ngột hôm 22/4. Thậm chí kết quả kinh doanh quý 1 tích cực được hé lộ cũng không tạo được phản ứng đáng kể ở nhiều cổ phiếu. Vì sao thị trường thận trọng như vậy?

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Tôi nghĩ thị trường trong nước thận trọng dù căng thẳng thuế quan hạ nhiệt và kết quả kinh doanh quý 1 tích cực, chủ yếu do rủi ro vĩ mô chồng chất và tâm lý e ngại đàm phán thuế chưa có kết quả cụ thể. Ngoài ra, thanh khoản sụt giảm phản ánh thiếu động lực mới sau đợt tăng mạnh trước đó, khiến nhà đầu tư dè dặt dù tin tốt. Kết quả kinh doanh quý 1 dù khả quan ở một số nhóm ngành nhưng nhiều doanh nghiệp chưa đạt kỳ vọng tăng trưởng đột phá, từ đó hạn chế động lượng hồi phục.

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Tôi không cho rằng phản ứng của thị trường trong tuần qua là kém tích cực. Chỉ số chưa đạt mức tăng mạnh, nhưng dòng tiền đang luân chuyển khá tốt ở nhóm midcap và nhiều cổ phiếu đạt hiệu suất tốt hơn chỉ số chung, thậm chí thiết lập đỉnh giá mới. Nhóm ngành trụ lớn như Ngân hàng điều chỉnh để nhường chỗ cho sự phục hồi ở các nhóm ngành khác, đây là tín hiệu tích cực. Tôi cho là dòng tiền có sự chắt lọc, chứ không phải tiêu cực và điều này sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư nếu biết tận dụng, cơ cấu hợp lý vào nhóm ngành, cổ phiếu phù hợp.

Về thanh khoản, chứng khoán Việt nam đang gần bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 dài ngày nên giao dịch có lẽ trầm lắng hơn. Bên cạnh việc chờ đợi kết quả của các tiến trình đàm phán thương mại, khi hiện tại, lập trường từ phía chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa cho thấy sự nhất quán.

 
Xu thế dòng tiền: Thấy gì từ nhịp rung lắc đột biến? - Ảnh 4

Cơ hội rõ nét nhất là khi thị trường bất ngờ giảm sâu mà không vì một lý do nào đặc biệt ngoại trừ yếu tố tâm lý “chim sợ cành cong”, tâm lý sợ thị trường giảm thêm cũng đã khiến các nhà đầu tư bán trong hoảng loạn thì đây lại là cơ hội tốt để mua vào.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta

Với quan sát của tôi trong thời gian gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có những sự nhượng bộ rõ ràng, tạo ảnh hưởng tâm lý lớn lên các thị trường phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam và như đã biết chúng ta nằm trong nhóm những quốc gia bị Mỹ áp thuế cao nhất. Cùng với đó tâm lý thận trọng và chờ đợi kết quả rõ ràng từ cuộc đàm phán cũng giải thích tại sao tín hiệu hạ nhiệt thuế quan không phản ứng tích cực như ở thị trường quốc tế, nơi chỉ số S&P500 và Nasdaq phục hồi.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Theo tôi tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá “mong manh” ngay cả trước những diễn biến mới tích cực từ dấu hiệu “xuống thang”, cởi mở cho các cuộc đàm phán thương mại. Nhìn chung các nhà đầu tư cũng vừa trấn tĩnh trở lại sau phiên sụt giảm bất ngờ nên diễn biến tăng điểm trở lại ở các phiên cuối tuần cũng chưa thực sự khiến các nhà đầu tư hào hứng. Sự thận trọng giai đoạn này cũng là điều dễ hiểu – nhiều nhóm  cổ phiếu dẫn dắt như nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng có lẽ cần thêm thời gian tạo nền giá trước khi quay trở lại xu hướng tăng rõ nét hơn.

Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Thị trường trong nước thận trọng không phải do thiếu tin tích cực, mà bởi tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng có chọn lọc sau nhiều biến cố vĩ mô những năm gần đây.

Thứ nhất, kinh nghiệm từ các vòng đàm phán thương mại Mỹ–Trung giai đoạn 2018–2019 khiến nhà đầu tư Việt Nam nhận thức rõ: rủi ro từ thuế quan chỉ thật sự giảm khi có thỏa thuận chính thức, còn các tín hiệu “mềm” mang tính chính trị luôn tiềm ẩn bất ổn. Chính vì vậy, dòng tiền nội không vội vàng phản ứng sớm với thị trường.

Thứ hai, áp lực từ khối ngoại bán ròng mạnh vẫn mạnh, dù có động thái mua lại nhưng không đáng kể.

 
Xu thế dòng tiền: Thấy gì từ nhịp rung lắc đột biến? - Ảnh 5

Tôi cho rằng đó là phiên “rũ hàng” mang tính thanh lọc cần thiết. Đây là tín hiệu tích cực về mặt kỹ thuật, đánh dấu vùng tạo đáy ngắn hạn, chứ không phải dấu hiệu đầu tiên của một xu hướng giảm dài hạn.

Nguyễn Thị Thảo Như

Thứ ba, dù mùa báo cáo quý 1 mang lại tín hiệu tích cực với lợi nhuận sau thuế toàn thị trường ước tăng ~11% YoY (số liệu dựa trên Báo cáo chiến lược của Công ty chúng tôi), nhưng mức độ phân hóa rất rõ: tăng trưởng chủ yếu tập trung vào ngân hàng, bất động sản và điện. Các nhóm ngành còn lại phản ứng mờ nhạt, khiến VN-Index thiếu động lực lan tỏa để bứt phá.

Vậy nên rất nhiều Nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu xác thực về kết quả đàm phán thương mại, thay vì kỳ vọng sớm dựa trên tin tức.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Doanh nghiệp đang cấp tập tổ chức đại hội cổ đông 2025. Theo dõi sát các cuộc họp như vậy, cảm nhận của anh chị về quản điểm của các lãnh đạo doanh nghiệp về cơ hội kinh doanh năm nay như thế nào, nhất là trong bối cảnh bất định về thương mại?

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Theo quan sát của tôi, đa phần các doanh nghiệp đều nhìn nhận và có sự thận trọng nhất định về vấn đề căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, thận trọng chứ không phải quá sợ hãi. Nỗ lực ở phía những doanh nghiệp lớn trong nước là điều đáng khích lệ, khi đã đưa ra các giải pháp, cũng như kế hoạch dự phòng nhằm thích ứng với thuế quan. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng khá tự tin, một số trấn an cổ đông và mong muốn cổ đông tiếp cận vấn đề khách quan. Nhiều đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp như Dệt may, Khu công nghiệp cũng chủ động ứng phó, linh hoạt trong việc nhập - xuất hàng, tìm kiếm thêm đối tác... Tôi kỳ vọng với sự điều hành và hỗ trợ thêm từ Chính phủ có thể củng cố nội lực cho doanh nghiệp trong nước.

Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Theo dõi sát mùa Đại hội cổ đông năm 2025, tôi nhận thấy điểm chung nổi bật ở các doanh nghiệp lớn là tâm thế thận trọng có chủ động.

Khác với sự lạc quan mạnh mẽ giai đoạn 2020–2021 hay sự phòng thủ trong năm 2023, các lãnh đạo doanh nghiệp năm nay đã chủ động xây dựng kịch bản kinh doanh đa tầng, ứng biến linh hoạt với những bất định như thuế quan, chi phí vốn, hay biến động vĩ mô quốc tế.

Ngân hàng đa số đều lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng thận trọng hơn, ở mức 12–14%, tập trung vào nhóm khách hàng bán lẻ, SME và những ngành ít nhạy cảm với biến động toàn cầu.

Bất động sản đẩy mạnh cơ cấu sản phẩm, tập trung vào dòng căn hộ vừa túi tiền và nhà ở xã hội – lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng từ rủi ro vĩ mô và có chính sách hỗ trợ rõ rệt từ Chính phủ.

Nhóm điện, hạ tầng thì tận dụng cơ hội từ đầu tư công và chính sách chuyển dịch năng lượng sạch, với kế hoạch đầu tư mới tăng 15–20% so với cùng kỳ.

Thép thì các lãnh đạo doanh nghiệp tuy thận trọng nhưng vẫn phấn đấu nắm bắt nhanh và điều chỉnh để phù hợp với xu thế. Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trung bình từ 10-15% so với cùng kỳ.

Điểm đáng chú ý là đa số doanh nghiệp không kỳ vọng vào tăng trưởng đột phá ngay trong 2025, mà xác định đây là năm củng cố nền tảng tài chính, tối ưu chi phí và nâng cao năng suất vận hành để sẵn sàng bứt phá trong năm sau khi bức tranh vĩ mô sáng rõ hơn.

Dù bối cảnh thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều bất định, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đã thể hiện sự tỉnh táo: Không co cụm, cũng không mạo hiểm mở rộng bằng mọi giá. Họ chọn cách chuẩn bị kỹ lưỡng và kiên định với chiến lược dài hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta

Nhà đầu tư vừa trải qua một mùa họp cổ đông vào thời điểm mà cuộc chiến thương mại đang leo thang tuy nhiên hầu hết lãnh đạo các doanh nghiệp đều tỏ ra tương đối lạc quan với cơ hội từ xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh và dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta được nhận định sẽ hưởng lợi rất nhiều từ lợi thế địa chính trị có được, tuy vậy rủi ro đến từ tin tức vĩ mô là rất lớn do đó tâm lý thận trọng vẫn sẽ bao trùm toàn thị trường. Bản thân các doanh nghiệp và các nhà đầu tư chúng ta đều chuẩn bị kịch bản để ứng phó với bất định thương mại.

 
Xu thế dòng tiền: Thấy gì từ nhịp rung lắc đột biến? - Ảnh 6

Tôi có tham gia bắt đáy và nâng tỷ trọng cổ phiếu lên 80% trong ngày 22/4. Theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư không nên chờ đàm phán do thị trường thường phản ứng trước khi thông tin rõ ràng, đồng thời kịch bản thuế quan xấu nhất đã xảy ra. 

Ông Nghiêm Sỹ Tiến

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Qua các đại hội cổ đông 2025, lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện thái độ thận trọng lạc quan, tập trung vào thị trường nội địa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Nhóm ngành tiêu dùng thiết yếu, logistics, năng lượng tái tạo được đánh giá cao nhờ nhu cầu ổn định và chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cảnh báo rủi ro từ chi phí đầu vào (giá nguyên liệu) và áp lực cạnh tranh khi thị trường toàn cầu chưa hồi phục, có nhiều biến động.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Có những chia sẻ của các lãnh đạo doanh nghiệp về những động thái khó lường và gây lo ngại, có những thay đổi trong việc đưa ra cũng như các điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều ẩn số. Một số doanh nghiệp vẫn khá lạc quan về triển vọng doanh thu lợi nhuận, một số khác hạ mục tiêu lợi nhuận cả năm trước tình hình mới.

Nguyễn HoàngVnEconomy

Cú sập mạnh đột biến tuần qua đã khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu nhưng cũng giúp đẩy thanh khoản lên rất cao. Anh chị có tham gia bắt đáy hôm 22/4 không, tỷ trọng cổ phiếu hiện tại là bao nhiêu? Nhà đầu tư có nên tiếp tục chờ kết quả đàm phán?

Ông Nghiêm Sỹ TiếnChuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV

Tôi có tham gia bắt đáy và nâng tỷ trọng cổ phiếu lên 80% trong ngày 22/4 khi nhiều cổ phiếu lao dốc mạnh, trong khi đó không có thông tin gì mới có thể gây sốc đột ngột cho thị trường. Theo quan điểm của tôi, nhà đầu tư không nên chờ đàm phán do thị trường thường phản ứng trước khi thông tin rõ ràng, đồng thời kịch bản thuế quan xấu nhất đã xảy ra. Vì vậy, nhà đầu tư nên chủ động chọn lọc các cổ phiếu ít bị ảnh hưởng trực tiếp nhất và có triển vọng rõ ràng.

Ông Nguyễn Việt Quang - Giám Đốc kinh doanh, Chứng khoán Yuanta

Theo quan điểm của tôi, thời điểm này mặc dù chúng ta vẫn có những cơ hội tuy nhiên rủi ro là rất lớn khi thị trường liên tục biến động khó lường. Nhà đầu tư nên tiếp tục thận trọng và chờ đợi những tin tức tích cực xuất hiện đặc biệt là kết quả đàm phán của chính phủ.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS

Cơ hội rõ nét nhất là khi thị trường bất ngờ giảm sâu mà không vì một lý do nào đặc biệt ngoại trừ yếu tố tâm lý “chim sợ cành cong”, tâm lý sợ thị trường giảm thêm cũng đã khiến các nhà đầu tư bán trong hoảng loạn thì đây lại là cơ hội tốt để mua vào.

Bối cảnh vĩ mô, diễn biến các cuộc đàm phán cho chúng ta một góc nhìn về triển vọng kinh tế, triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng không hoàn toàn phản ánh chính sách giá trị nội tại, mức định giá ước tính đối với các doanh nghiệp đang có lợi nhuận ổn định hoặc có dữ liệu, cơ sở để dự báo mức định giá (tương đối). Theo tôi nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu dựa trên các tiêu chí đầu tư rồi sau đó mới đánh giá thêm câu chuyện bối cảnh vĩ mô thế nào và tất nhiên vẫn còn việc quyết định đầu tư mua nhiều hay ít cổ phiếu mà mình đang quan tâm.

Nguyễn Thị Thảo Như - Giám đốc Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt

Cú sập mạnh ngày 22/4, với mức giảm hơn 70 điểm trong phiên, thực sự là một trong những đợt giảm điểm lớn nhất của thị trường kể từ đầu năm đến nay. Cá nhân tôi và đội ngũ đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước nên có tham gia giải ngân thận trọng trong phiên này.

Tuy nhiên, việc “bắt đáy” không phải hành động tất tay hay đánh cược. Chúng tôi chỉ giải ngân thêm một phần tỷ trọng danh mục vào các cổ phiếu cơ bản mạnh, được chiết khấu sâu, chủ yếu tập trung vào các nhóm Blue-chip có cơ bản tốt và hiện tại tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục của tôi khoảng 60–70%, vẫn để lại biên độ tiền mặt đủ nhiều để linh hoạt trong các kịch bản tiếp theo.

Nhà đầu tư cũng nên theo dõi sát sao diễn biến vĩ mô và đàm phán để có thể chủ động hơn. Ở trong một thị trường biến động mạnh, người chiến thắng là người quản lý vị thế và kỷ luật tốt nhất.

Trong bối cảnh niềm tin thị trường chưa hoàn toàn hồi phục, chiến lược hợp lý là ưu tiên quản trị rủi ro và chọn lọc cổ phiếu cơ bản tốt.

Thị trường có thể biến động ngắn hạn, nhưng giá trị doanh nghiệp thực chất mới là nền tảng cho lợi nhuận dài hạn. Đầu tư thành công không nằm ở việc đoán đúng nhịp sóng, mà ở việc nắm giữ đúng tài sản và “mùa đông không còn đáng sợ khi tay bạn đã nắm chặt bó củi thời cơ!”

Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Vào thời điểm thị trường giảm mạnh chiều ngày 22/04, phân bổ cổ phiếu của tôi đã phù hợp với chiến lược của mình, vì vậy tôi đã không bắt đáy để tăng thêm tỷ trọng. Tuy nhiên, sự sụt giảm cho phép tôi lọc ra các ngành và cổ phiếu tiềm năng phục hồi mạnh hơn, chẳng hạn như nhóm Tiêu dùng, Đầu tư công, Cảng biển. Từ các quan sát này, tôi đã dành một phần tỷ trọng giải ngân thêm vào những nhóm này ở các phiên sau. Hiện tại, tỷ trọng cổ phiếu đang ở mức 70%.

Tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên kèm rung lắc và sẽ tiếp cận kháng cự 1250 điểm. Một số cổ phiếu trong danh mục đã đạt giá mục tiêu ngắn hạn, có lẽ tôi sẽ nghiêng về chờ chốt lời một phần trong thời gian tới.

Về tiến trình đàm phán thương mại, tôi nghĩ nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, vì lập trường của chính quyền Tổng thống Trump là thiếu nhất quán. Gần đây, Anh và Nhật bản đã công bố chưa đạt được tiến triển đáng kể trong đàm phán, dẫu cho trước đó nhiều nguồn tin đánh là có “triển vọng”, thậm chí Anh đã “ra về tay trắng” sau khi chính quyền Trump đưa ra yêu cầu mới về việc cắt giảm thuế đối với ôtô Mỹ.