13:59 16/11/2022

Xuất khẩu dầu của Nga vẫn tăng ngay trước thời điểm lệnh cấm của EU và giá trần có hiệu lực

Đức Anh

Trong báo cáo tháng công bố ngày 15/11, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết xuất khẩu dầu thô của Nga, bao gồm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), tháng 10 vẫn tăng bất chấp lệnh cấm của EU cũng như giá trần do G7 và EU áp đặt sắp có hiệu lực...

Thời gian qua, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ tranh thủ gom dầu giá rẻ từ Nga - Ảnh: Reuters
Thời gian qua, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ tranh thủ gom dầu giá rẻ từ Nga - Ảnh: Reuters

Cụ thể, tổng lượng dầu thô xuất khẩu tháng 10 của Nga đã tăng 165.000 thùng/ngày lên 7,7 triệu thùng/ngày. Trong đó, xuất khẩu sang EU là 1,5 triệu thùng/ngày. Dự kiến lệnh cấm sắp có hiệu lực sẽ làm giảm lượng xuất khẩu dầu Nga sang khối này khoảng 1,1 triệu thùng/ngày.

“Hiện chưa rõ Nga có thể điều hướng lại bao nhiêu trong số dầu bị ảnh hưởng này sang cho các khách hàng khác trên thế giới”, IEA nói trong báo cáo. “Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy mạnh gom dầu Nga với giá chiết khấu nhưng hoạt động này đã chững lại những tháng gần đây. Mặt khác, lượng dầu phải điều hướng quá lớn để các quốc gia còn lại trên thế giới có thể hấp thụ”.

Dự kiến ngày 5/12 tới, các nước EU sẽ bắt đầu thực thi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển và cấm các doanh nghiệp trong khu vực này cung cấp dịch vụ tài chính hoặc bảo hiểm vận tải cho các lô dầu Nga. Cùng ngày, kế hoạch áp giá trần do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đứng đầu sẽ có hiệu lực. Kế hoạch này sẽ cho phép các công ty phương Tây tiếp tục giao dịch dầu Nga, nhưng với điều kiện giá phải dưới hoặc bằng giá trần.

Theo tờ Wall Street Journal, cơ chế giá trần là nỗ lực của phương Tây nhằm tiếp tục duy trì dòng chảy dầu Nga trên toàn cầu, nhưng vẫn hạn chế được doanh thu từ hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của Moscow. Mức giá trần hiện vẫn chưa được quyết định, nhưng theo một số quan chức Mỹ, ngưỡng giá trần khoảng 60 USD là phù hợp để Nga vẫn có thể tiếp tục sản xuất dầu. Về phía Nga, Moscow tuyên bố sẽ không bán dầu cho những quốc gia tham gia cơ chế này.

 

Việc đột ngột chặn dòng chảy dầu cũng có thể đe dọa tới các quốc gia châu Âu tham gia cấm nhập khẩu dầu Nga. Nền kinh tế châu lục này vốn đã bị ảnh hưởng khi Moscow siết nguồn cung khí đốt tự nhiên, đẩy hóa đơn năng lượng tại đây tăng chóng mặt. Lệnh cấm này cũng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu diesel ở châu Âu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)

Giới phân tích nhận định, những biện pháp chưa từng có, cũng như sự thiếu chắc chắn trong cách thức thực hiện trong thực tế của một số biện pháp, đang gây ra tình trạng mơ hồ về quy mô và tác động của chúng, khiến ngành năng lượng gặp khó khăn trong việc chuẩn bị cho tương lai.

“Một ẩn số lớn là liệu các nước nhập khẩu không tham gia cơ chế giá trần - như Trung Quốc và Ấn Độ - sẽ phản ứng thế nào trước những hạn chế về dịch vụ bảo hiểm vận tải hay không. Nhiều nước đã hưởng mức giá giảm sâu khi mua dầu Nga, do đó chưa rõ liệu giá trần có ảnh hưởng chút nào tới hành vi của họ hay không”, ông Callum Macpherson, giám đốc phụ trách hàng hóa tại Investec, nhận xét.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đầu tuần này nói rằng các biện pháp trừng phạt sắp có hiệu lực sẽ là một trong những đám mây đen đang phủ lấp triển vọng của thị trường năng lượng, bên cạnh chính sách Zero Covid ở Trung Quốc và kinh tế toàn cầu suy yếu.

Theo các nhà phân tích của IEA, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã thành công trong việc kéo tụt sản lượng dầu của nước này nhưng lại thất bại trong việc làm giảm doanh thu của Moscow vì giá dầu tăng đồng nghĩa nước này thu về nhiều tiền hơn dù xuất khẩu ít hơn. Số liệu từ IEA cho thấy doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong tháng 10 đã tăng 1,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái lên 17,3 tỷ USD.

“Việc đột ngột chặn dòng chảy dầu cũng có thể đe dọa tới các quốc gia châu Âu tham gia cấm nhập khẩu dầu Nga. Nền kinh tế châu lục này vốn đã bị ảnh hưởng khi Moscow siết nguồn cung khí đốt tự nhiên, đẩy hóa đơn năng lượng tại đây tăng chóng mặt”, IEA nhận định. “Lệnh cấm này cũng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu diesel ở châu Âu”.

Bên cạnh đó, cơ quan có trụ sở tại Paris chỉ ra một tác dụng phụ nữa của các biện pháp trừng phạt. Đó là các công ty vận chuyển có thể tìm thêm nhiều cách để che giấu nguồn gốc dầu Nga. Trong tháng 10, số lượng dầu xuất khẩu của Nga không tiết lộ điểm đến là khoảng 450.000 thùng/ngày, tăng từ 100.000 thùng/ngày hồi tháng 9.

Trước đó, IEA dự báo nhu cầu dầu từ Trung Quốc năm nay và năm 2023 sẽ tăng khi nước này dần nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch. 

IEA đã nâng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 thêm 170.000 thùng lên 99,8 triệu thùng/ngày. Dự báo nhu cầu năm 2023 được nâng thêm 130.000 thùng lên 101,4 triệu thùng/ngày.

Về cung, nguồn cung từ Nga giảm được cho là sẽ kéo tụt tốc độ tăng cung dầu toàn cầu. IEA dự báo cung dầu toàn cầu sẽ tăng lên 100,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với sự báo được đưa ra tháng trước. Dù vậy, cung dầu vẫn sẽ thiếu khoảng 700.000 thùng/ngày do nhu cầu tăng lên.