10:50 26/10/2022

IEA: Thế giới vẫn cần dầu Nga

Ngọc Trang

Giám đốc IEA dự báo tiêu thụ đầu mỏ có thể tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, vì vậy thế giới vẫn cần dầu Nga để đáp ứng nhu cầu...

Ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - Ảnh: Reuters
Ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) - Ảnh: Reuters

Theo ông Fatih Birol, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đang bị thắt chặt cùng với việc các nhà sản xuất dầu lớn cắt giảm sản lượng đang đẩy thế giới rơi vào “cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên”.

“Việc châu Âu tăng nhập khẩu LNG giữa lúc chiến tranh tiếp diễn ở Ukraine và nhu cầu đối với nhiêu liệu này có thể phục hồi ở Trung Quốc sẽ khiến thị trường tiếp tục thắt chặt hơn nữa, khi mà chỉ có khoảng 2 tỷ mét khối LNG được tung ra thị trường trong năm sau”, ông Birol phát biểu tại Tuần lễ năng lượng quốc tế Singapore ngày 25/10.

Cùng với đó, quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác gồm Nga, là một quyết định “đầy rủi ro” bởi IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu tăng gần 2 triệu thùng/ngày trong năm nay.

“Quyết định này đặc biệt rủi ro đối với một số nền kinh tế đang ở trên bờ vực suy thoái. Còn nếu nói về suy thoái kinh tế toàn cầu, thì đây là quyết định thực sự đáng tiếc”, ông Birol nói.

 

Một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng “không vô lý khi tin rằng tới 80-90% lượng dầu Nga sẽ tiếp tục chảy ra thị trường nằm ngoài cơ chế này nếu như Moscow tìm cách để không phải tuân thủ trần giá".

Ông dự báo tiêu thụ đầu mỏ có thể tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023, vì vậy thế giới vẫn cần dầu Nga để đáp ứng nhu cầu.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã đề xuất một cơ chế giá trần, theo đó các nước tham gia cơ chế vẫn có thể mua dầu Nga những với giá thấp hơn hoặc bằng giá trần. Việc này nhằm vừa hạn chế doanh thu từ dầu của Nga vừa đảm bảo không gây xáo trộn nguồn cung khiến giá dầu tăng.

Ông Birol cho biết cơ chế này vẫn đang được bàn thảo chi tiết và sẽ cần sự tham gia của các nước nhập khẩu dầu lớn.

Theo Reuters, tuần trước, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói rằng “không vô lý khi tin rằng tới 80-90% lượng dầu Nga sẽ tiếp tục chảy ra thị trường nằm ngoài cơ chế này nếu như Moscow tìm cách để không phải tuân thủ trần giá".

“Tôi cho rằng đây là điều tốt bởi vì ở thời điểm hiện tại thế giới vẫn cần dầu Nga. 80-90% là một mức ổn và đáng khích lệ giúp đáp ứng nhu cầu", ông Birol nói.

Theo ông Birol, dù vẫn sẽ có một lượng lớn dầu dự trữ chiến lược được xả ra thị trường trong giai đoạn nguồn cung bị gián đoạn, hiện tại chưa có kế hoạch cho một đợt xả dầu mới nào.

Trên toàn cầu, giá các mặt hàng năng lượng - bao gồm dầu, khí đốt tự nhiên và than đá - tăng vọt đang ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng khi họ đang đồng thời đối mặt với lạm phát thực phẩm và dịch vụ gia tăng. Tại châu Âu, giá cả leo thang cùng nguy cơ phải phân phối khí đốt theo định mức đang là mối đe dọa lớn với người tiêu dùng khi mùa đông đang cận kề.

“Châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay, dù có chút khó khăn, nếu như thời tiết ôn hòa”, ông Birol nhận định. “Nhưng trong trường hợp mùa đông cực lạnh và kéo dài, bất kỳ sự kiện bất ngờ nào, như vụ rò rỉ đường ống Nordstream, sẽ khiến châu Âu phải trải qua mùa đông với những tổn thương lớn về kinh tế và xã hội”.

Giám đốc IEA cũng cho rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể là “bước ngoặt” để đẩy nhanh sự phát triển các nguồn năng lượng sạch và xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững, an toàn.

“An ninh năng lượng là nhân tố số một giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, khi mà các quốc gia xem công nghệ năng lượng và năng lượng tái tạo như một giải pháp”, ông nói.

IEA đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng công suất điện tái tạo năm 2022 lên mức 20% so với năm trước, từ mức dự báo 8% trước đó. Tổ chức này dự báo năm nay công suất điện tái tạo toàn cầu sẽ tăng thêm gần 400 gigawatt.

“Nhiều quốc gia ở châu Âu cũng như nhiều nước khác đang đẩy nhanh việc lắp đặt mạng lưới năng lượng tái tạo bằng cách giảm quy trình cấp phép nhằm thay thế khí đốt Nga”, ông Birol cho biết.