Xuất khẩu hồ tiêu ứng phó linh hoạt trước những biến động thị trường
Quý 1/2025, Việt Nam xuất khẩu 47.660 tấn hồ tiêu các loại, với kim ngạch đạt 326,6 triệu USD, giảm 16,1% về lượng, nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng đến 38,6% so với cùng kỳ năm trước...

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 3/2025, nước ta xuất khẩu được 20.244 tấn hồ tiêu (trong đó, 17.493 tấn tiêu đen và 2.751 tấn tiêu trắng), đem về 141,6 triệu USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 45,6% về kim ngạch so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 21,2% về lượng, nhưng tăng 27,9% về kim ngạch.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 3/2025 đạt 6.790 USD/tấn, tăng 122 USD; tiêu trắng đạt 8.802 USD/tấn, tăng 268 USD so với tháng trước.
HOA KỲ LÀ THỊ TRƯỜNG LỚN NHẤT CỦA XUẤT KHẨU TIÊU VIỆT NAM
Tính chung quý 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 47.660 tấn hồ tiêu các loại (trong đó, tiêu đen đạt 39.853 tấn, tiêu trắng đạt 7.807 tấn), kim ngạch xuất khẩu đạt 326,6 triệu USD, giảm 16,1% về lượng, nhưng tăng đến 38,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong quý 1/2025 đạt 6.711 USD/tấn, tăng 94,9% và tiêu trắng đạt 8.617 USD/tấn, tăng 73,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Về thị trường xuất khẩu hồ tiêu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất, với khối lượng xuất khẩu đạt 10.278 tấn trong quý 1, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Ở vị trí thứ hai là Ấn Độ, khối lượng xuất khẩu đạt 3.370 tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Đức ở vị trí thứ ba, với 3.358 tấn, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2024. Vị trí thứ tư thuộc về UAE, với 2.757 tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Thứ năm là thị trường Trung Quốc, với 2.034 tấn, tăng 87,8% so với quý 1 năm 2024. Các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Hà Lan.
Ở chiều ngược lại, tháng 3/2025 Việt Nam đã nhập khẩu 4.940 tấn, kim ngạch nhập khẩu đạt 28,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng nhập khẩu tăng 32,5%, kim ngạch tăng 104,9%. Brazil quay trở lại là nước cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 3/2025 với lượng nhập đạt 3.061 tấn, tăng 187,4% so với tháng trước, chiếm 62,0% thị phần nhập khẩu. Tiếp theo là Indonesia với 977 tấn, giảm 29,8% và Campuchia 514 tấn, tăng 158,3%.
Tính chung quý 1/2025, Việt Nam đã nhập khẩu 9.686 tấn hồ tiêu các loại; (trong đó tiêu đen đạt 6.541 tấn, tiêu trắng đạt 3.145 tấn), tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 55,7 triệu USD. So với quý 1/2024, nhập khẩu tiêu trong quý 1/2025 tăng 21,3% về khối lượng và tăng 88,8% về kim ngạch. Brazil là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 4.363 tấn, tương đương với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Indonesia 3.707 tấn, tăng 385,2% và Campuchia 735 tấn, giảm 64,7%.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu đang đứng ở mức cao. Theo hệ thống khảo sát giá nông sản, giá tiêu ngày 11/4/2025 tại một số vùng trồng trọng điểm của Việt Nam đều tăng so với ngày 10/4/2025, qua đó giữ mặt bằng giá tiêu trong nước ở mức từ 148.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg.
Cụ thể, ngày 11/4/2025, giá tiêu tại Đắk Lắk và Đắk Nông ở mức 150.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với ngày 10/4; giá tiêu tại Gia Lai tăng 1.000 đồng/kg, hiện ở mức 148.000 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu ngày 11/4/2025 ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước ở mức 149.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ngày 10/4/2025.
THỊ TRƯỜNG SẼ CÓ NHIỀU BIẾN ĐỘNG
Theo các chuyên gia, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu đang ngày càng thu hẹp, cùng với đó là nhu cầu tiêu thụ tiêu tại nhiều quốc gia trên thế giới lại trên đà tăng mạnh. Sự mất cân đối giữa cung và cầu khiến khả năng giá giảm sâu trong ngắn hạn là rất thấp.
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu khả quan, song việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng mức thuế tối thiểu 10% lên toàn bộ hàng hoá nhập khẩu, và thuế đối ứng chưa biết sẽ bị Hoa Kỳ áp dụng ra sao (Hiện tại Hoa Kỳ đã tạm dừng thời gian áp dụng thuế đối ứng với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong 3 tháng) đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lo ngại. Bởi hồ tiêu là một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đang có thị phần tốt tại thị trường Hoa Kỳ.
Ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng VPSA, cho biết Việt Nam đang là nước cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Hoa Kỳ, chiếm tới 77% tổng lượng hạt tiêu mà Hoa Kỳ nhập khẩu hàng năm. Năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 72.311 tấn và ghi nhận lượng tăng kỷ lục 33,2%; kim ngạch đạt 409 triệu USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đi tất cả các thị trường các thị trường.
Tuy nhiên, việc chính quyền của ông Donald Trump áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã gây ra nỗi lo ngại lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam. Bởi trong những tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam đã ký nhiều đơn hàng giao xa với nhiều nhà nhập khẩu Hoa Kỳ; trong đó có những đơn hàng có thời gian giao hàng tới tháng 8, tháng 9 năm nay.
Trước đây, xuất khẩu tiêu sang Hoa Kỳ gần như được miễn thuế. Hiện nay, nhiều lô hàng đang trên đường sang Hoa Kỳ, các lô hàng này trước đây ký kết về giá cả khi chưa có thông tin về việc áp thuế. Nay dự kiến khi cập cảng Hoa Kỳ sẽ phải chịu thuế 10%, nhiều khả năng các đối tác nhập khẩu sẽ đàm phán lại giá, và có thể các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam và đối tác nhập khẩu ở Hoa Kỳ sẽ phải cùng chia sẻ nhau về chi phí thuế 10% này.
Ngành hồ tiêu đang bắt đầu tìm hiểu xem mức thuế cụ thể với hồ tiêu Việt Nam để có giải pháp ứng phó tiếp theo. Doanh nghiệp vẫn hy vọng các vòng đàm phán giữa hai Chính phủ sẽ có kết quả tích cực, kỳ vọng sau 3 tháng nữa nữa, hồ tiêu sẽ chỉ phải chịu thuế nhập khẩu tối thiểu 10% mà không phải gánh thêm thuế đối ứng.
Trong khi hai nước đang còn đàm phán, VPSA cho hay giải pháp lúc này đối với ngành hàng hồ tiêu Việt Nam là nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành để cạnh tranh với các nước xuất khẩu tiêu khác.
Để giảm rủi ro từ các chính sách của Hoa Kỳ, VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu cần có những phương án ứng phó linh hoạt. Thay vì làm kế hoạch kinh doanh theo tháng, theo năm; chuyển sang làm kế hoạch xuất khẩu theo tuần, cần bám sát sự biến động của giá cả hàng hóa để phản ứng phù hợp.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu Việt Nam cần chủ động tìm kiếm các thị trường mới để tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Xuất khẩu hạt tiêu sang châu Âu, Nhật Bản, các nước Trung Đông tăng trưởng tốt nhờ ưu đãi thuế quan và nhu cầu cao đối với sản phẩm phát triển bền vững, chế biến sâu.