06:00 21/03/2023

Xuất khẩu ngành hàng gỗ tiếp tục giảm

Chu Khôi

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ 2 tháng đầu năm 2023 tiếp tục giảm sâu tới 34,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất và có tốc độ giảm mạnh. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tình trạng thiếu đơn hàng từ trước đó…

2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và đồ gỗ giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. 
2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và đồ gỗ giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ tháng 2/2023 ước đạt 800 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng 1/2023 và giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 1,61 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. 

Với kết quả này, xuất khẩu ngành hàng gỗ vẫn đang trên đà suy giảm, thậm chí tốc độ giảm còn đáng lo ngại hơn cả năm ngoái.

NHẬP KHẨU GỖ NGUYÊN LIỆU GIẢM

Xét về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 3 thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, chiếm 78,1% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong tháng 2/2023 là 290,4 nghìn m3, trị giá 109,2 triệu USD, tăng 24,3% về lượng và tăng 24,5% về trị giá so với tháng 1/2023. Tuy nhiên, so với tháng 2/2022 lại giảm 20,5% về lượng và giảm 19,2% về trị giá.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu gỗ nguyên liệu đạt 466,9 nghìn m3, trị giá 175,4 triệu USD, giảm 40,9% về lượng và giảm 41,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo phân tích của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm trong 2 tháng đầu năm 2023 là do lạm phát gia tăng tại các thị trường chính như Mỹ, EU… khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu.

Khi đó nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ giảm, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp. Cùng với đó là việc các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xu hướng sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước để giảm chi phí đầu vào.

Về thị trường nhập khẩu, lượng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các thị trường lớn như: Cameroon, EU, Mỹ, Trung Quốc, Lào… giảm, trong khi đó lượng nhập khẩu từ một số thị trường lớn như: Congo, New Zealand, Angola, Malaysia, Gabon… lại tăng.

Về giá nhập khẩu, giá nhập khẩu bình quân các loại gỗ nguyên liệu của Việt Nam đạt 375,4 USD/m3, tăng 5,1% so với tháng 12/2022. Tuy nhiên so với tháng 1/2022 lại giảm 1,9%, trong đó giá nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Cameroon tăng 3,3% so với tháng 1/2022 lên 425,8 USD/m3; Trung Quốc tăng 14,9%, lên 584,7 USD/m3; New Zealand tăng 14,4%, lên 429,9 USD/m3…

Trên thị trường thế giới, trích giá từ nguồn Reuters, giá gỗ xẻ tại sở giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) tháng 2/2023 có diễn biến giảm vào cuối tháng. Theo đó, hợp đồng kỳ hạn tháng 3/2023 ngày 22/2 ở mức là 374 USD/tbf, giảm 135,6 USD/tbf so với đầu tháng. Nhu cầu tồn kho từ các xưởng cưa vẫn còn nên giá tăng giảm thất thường.

Theo thông tin từ trang https://www.globalwood.org, tại thị trường Mỹ tháng 2/2023, giá gỗ xẻ tăng, giảm trong tháng không đều do ảnh hưởng lạm phát từ năm 2022 nhiều xưởng cưa đã phải cắt giảm, đặc biệt ở phía tây của Bắc Mỹ. Chiến dịch cắt giảm các xưởng cưa nhằm ngăn giá giảm sâu hơn nữa và việc cắt giảm đang dần đi đúng lộ trình.

TÌM CÁCH VƯỢT KHÓ KHĂN

Đề cập về thị trường gỗ nguyên liệu trong nước, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, cho biết hiện vẫn còn một số lượng xưởng cưa gỗ và doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã ngừng hoạt động do bị ảnh hưởng kinh tế khó khăn cả trong nước và nước ngoài nên đóng cửa hoàn toàn hoặc chưa có kế hoạch mở lại.

Nhu cầu sử dụng đầu năm cũng chưa sôi động, nên giá gỗ nguyên liệu trong nước tăng giảm chưa ổn định. Trong khi đó, thị trường viên nén xuất khẩu đang là chủ lực, nhiều công ty đã có ký kết xuất khẩu từ năm ngoái nên giá củi và mùn cưa có xu hướng tăng nhẹ.

Về triển vọng xuất khẩu đồ gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng tình hình sẽ sáng sủa trở lại trong thời gian tới. Các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng trở lại. Dự báo tháng 4/2023, đơn hàng sẽ phục hồi đáng kể, ước khoảng 70% so với trước.

Ngoài ra, nhu cầu ngày nay của người tiêu dùng thường đề cao tính cá thể, nên khách hàng cũng không muốn mua đồ giống hệt nhau. Trong sự thay đổi đó, thay vì chỉ cung cấp đồ gỗ với những mẫu mã làm giống nhau hàng loạt, bán giá rẻ số lượng lớn, thì các doanh nghiệp nên chuyển hướng sang sản xuất hàng có mẫu mã độc đáo.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20- 03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Xuất khẩu ngành hàng gỗ tiếp tục giảm - Ảnh 1