Xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng khó
Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc
Bên cạnh Australia, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, hiện Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính; Chính phủ hai nước đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, giảm dần tiểu ngạch. Doanh nghiệp Việt phải vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này.
Tại hội thảo "Cập nhật thông tin thị trường và phát triển xuất khẩu chính ngạch nông sản (trái cây, rau quả) sang thị trường Trung Quốc" ngày 28/2, bà Nguyễn Thị Minh Thuý, Phó trưởng phòng Phòng Quan hệ quốc tế, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, Trung Quốc là thị trường thực sự tiềm năng cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam, nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch.
Yêu cầu kiểm dịch, xuất xứ rõ ràng
Trong khi đó, quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém. Xuất khẩu tiểu ngạch lại luôn đe doạ những rủi ro do không có ràng buộc pháp lý giữa người mua và người bán.
Mặt khác, yêu cầu về chất lượng hàng hoá tại thị trường Trung Quốc cũng ngày càng nâng lên – đây cũng là xu hướng chung trên thị trường thế giới. Trung Quốc đã bắt đầu khó tính hơn trong việc sử dụng các mặt hàng nông sản và ngày càng đẩy mạnh truy suất nguồn gốc nông sản.
Ông Lê Thanh Hoà, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra hàng loạt các quy định đối với hoa quả xuất khẩu của Việt Nam khi xuất sang thị trường này, như phải đáp ứng các yêu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm (Nghị định 15/2018/NĐ-CP); đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng - có nhãn mác; sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại.
Đặc biệt, Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu hoa quả vào nước này. Từ 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.
Ông Shi Xin Biao, chuyên gia thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.,Ltd cũng chia sẻ, tháng 12/2018 Hải quan Trung Quốc đã thông báo khẩn tới các chi cục hải quan của Trung Quốc về việc những yêu cầu trong nhập khẩu hoa quả Việt Nam vào Trung Quốc. Trong đó đưa ra những yêu cầu rõ ràng đối với các hạng mục kiểm dịch hoa quả xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Và từ 1/1/2019 các cơ quan hải quan phải kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả nhập từ Việt Nam xem ở trong phần "Phụ lục" có ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói đã được đăng kí hay chưa, hàng hóa có phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.
Nếu phù hợp với yêu cầu thì mới cho phép tiến hành kiểm dịch. Nếu phát hiện hàng hóa có nguồn gốc không phải từ các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được đăng kí thì không được phép nhập vào Trung Quốc.
Đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm
Làm ăn tại Việt Nam từ năm 2014, điều ông Shi Xin Biao lo lắng hơn cả là công nghệ bảo quản, giữ tươi, điều kiện hạ tầng kho bãi của Việt Nam còn nhiều hạn chế... Đại diện doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng, 10 năm tới, tốc độ tăng về nhu cầu hoa quả của Trung Quốc sẽ chững lại nhưng yêu cầu về chất lượng thì lại được nâng lên. Chất lượng của các loại quả sẽ phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn.
Do đó, để đáp ứng các yêu cầu phía Trung Quốc đặt ra, ông Shi Xin Biao kiến nghị, Việt Nam cần phát triển công nghệ bảo quản tươi cho hoa quả cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để lưu giữ.
Việt Nam nhập thêm công nghệ tiên tiến hơn để trồng các loại hoa quả cũng như hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng hiện đại hơn cho các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó, làm tốt hơn việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, quản lý về bao bì để nhanh chóng được thông quan quy trình kiểm định kiểm dịch của Hải quan Trung Quốc.
Việt Nam cũng nên tiến hành quản lý chuỗi kho lạnh và có những quy định về chính sách truy xuất nguồn gốc. Cũng theo ông Shi Xin Biao, doanh nghiệp Việt Nam cần trực tiếp sang Trung Quốc tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng; nắm bắt được thời điểm thu hoạch hoa quả của Trung Quốc để xuất khẩu hiệu quả.
Còn theo ông Hoà, trong tương lai những quy định này ngày một khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc.
Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm: từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Đồng thời, nâng cao nhận thức về sản phẩm chất lượng và an toàn hơn. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung...