08:00 14/07/2023

Xuất khẩu viên nén giảm mạnh, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường chính của Việt Nam

Chu Khôi

Khủng hoảng năng lượng trên thế giới, tạo thành làn sóng đầu tư vào sản xuất viên nén tại các nước như Malaysia, Thái Lan và Indonesia, đã bắt đầu cạnh tranh với viên nén của Việt Nam…

Xuất khẩu viên nén đang trải qua biến động mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Xuất khẩu viên nén đang trải qua biến động mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén từ Việt Nam vào Hàn Quốc giảm hơn 40% về khối lượng và giảm 45% về kim ngạch so với cùng kỳ của năm 2022.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam và Tổ chức Forest Trends vừa công bố bản báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, thực trạng và xu hướng thị trường đầu ra sản phẩm”. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén ước đạt 1,85 triệu tấn, kim ngạch ước gần 300 triệu USD.

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường tiêu thụ viên nén lớn nhất của Việt Nam, khối lượng viên nén xuất khẩu vào hai thị trường này chiếm trên 95% trong tổng khối lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam vào tất cả các thị trường.

XUẤT KHẨU GIẢM MẠNH, VÌ ĐÂU?

Theo số liệu từ báo cáo, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc đạt 0,65 triệu tấn, tương đương 96,1 triệu USD về kim ngạch, giảm 41% về lượng và 45% về kim ngạch so với cùng kỳ của năm 2022.

Viên nén xuất khẩu đi Hàn Quốc chủ yếu làm từ gỗ phụ phẩm của ngành chế biến đồ gỗ như mùn cưa, dăm bào, đầu mẩu gỗ thừa. Các doanh nghiệp viên nén xuất khẩu đi Hàn Quốc chủ yếu nằm ở vùng Đông Nam Bộ, nơi tập trung các nhà máy sản xuất đồ gỗ.

Đối với Nhật Bản, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu viên nén vào thị trường này ước đạt khoảng 1 triệu tấn, kim ngạch 173 triệu USD, giảm 5,7% về khối lượng, trong khi kim ngạch vẫn tăng 19,7% so với cùng kỳ 2022.

Viên nén xuất khẩu đi Nhật Bản đòi hỏi nguồn nguyên liệu gỗ là rừng trồng trong nước, có chứng chỉ FSC. Nguyên liệu này chỉ có ở những nơi tập trung nhiều các diện tích rừng trồng của Việt Nam, đặc biệt là từ vùng Miền Trung trở ra phía Bắc. Do đòi hỏi chứng chỉ, nên Nhật Bản luôn trả giá cao cho viên nén.

Từ năm 2013 đến năm 2022, lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam đã tăng lần lượt là 28 và 34 lần. Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu viên nén lớn thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu 4,9 triệu tấn và kim ngạch đạt 0,79 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng xuất đạt 1,57 triệu tấn, kim ngạch đạt khoảng 256,5 triệu USD.

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay giá viên nén xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật Bản vào những tháng đầu năm 2022 dao động khoảng 140 USD/tấn giao hàng tại cảng Việt Nam (giá FOB), nhưng đến nửa cuối năm 2022 đã tăng rất mạnh, đạt 180-190 USD/tấn.

 

Số doanh nghiệp xuất khẩu viên nén tại Việt Nam đã tăng từ 123 doanh nghiệp năm 2020 lên 152 doanh nghiệp vào năm 2022. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ đã phải dừng hoạt động do thua lỗ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, giá xuất khẩu viên nén giảm rất mạnh, nhất là tại thị trường Hàn Quốc. Trong khi mức giá xuất khẩu đi Nhật Bản vẫn đạt 145 – 165 USD/tấn, thì giá viên nén Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đã rớt xuống chỉ còn 78 USD/tấn vào tháng 4/2023. Đây là mức giá thấp dưới giá thành sản xuất, khiến một số doanh nghiệp viên nén Việt Nam quy mô nhỏ không có tiềm lực về tài chính phải ngừng sản xuất.

Với sự nỗ lực mở cửa thị trường của Chi hội Viên nén thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giá xuất khẩu viên nén vào Hàn Quốc đã tăng trở lại trong 2 tháng gần đây, đạt 110 USD/tấn vào đầu tháng 7/2023.

Lý giải về hiện tượng suy giảm xuất khẩu viên nén trong nửa đầu năm nay, ông Tô Xuân Phúc- Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho hay xuất khẩu đồ gỗ suy giảm, khiến lượng phụ phẩm của ngành chế biến gỗ là mùn cưa, vỏ bào, các cành cây nhỏ cũng giảm theo. Điều này tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu cho viên nén xuất khẩu sang Hàn Quốc, đã đẩy giá nguyên liệu và giá thành sản xuất viên nén lên cao.

Trong khi đó, hiện nay Hàn Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung viên nén. Trước khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, mỗi năm Nga xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn viên nén ra thế giới, chủ yếu là vào khối EU.

"Tuy nhiên hiện nay, Nga không thể xuất khẩu viên nén vào thị trường EU. Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp Nga phải đã hạ giá xuất khẩu xuống rất rẻ để thâm nhập thị trường Hàn Quốc. Việc giá viên nén từ Nga xuất khẩu sang Hàn Quốc quá thấp, đã khiến các nhà nhập khẩu Hàn Quốc hạ giá viên nén nhập khẩu từ Việt Nam", TS Tô  Xuân Phúc thông tin.

Những năm qua, khủng hoảng năng lượng trên thế giới cũng làm nhu cầu và giá viên nén tại thị trường thế giới tăng rất mạnh. Dẫn đến hình thành làn sóng đầu tư vào sản xuất viên nén không chỉ ở nhiều quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

DỰ BÁO TƯƠNG LAI THỊ TRƯỜNG VIÊN NÉN

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam dự báo trong những tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam sẽ không có nhiều biến động. Giá viên nén xuất khẩu vào Hàn Quốc sẽ tăng theo đà hiện nay, tuy nhiên sẽ vẫn thấp hơn mức giá của cuối năm ngoái. Trong khi đó, lượng và giá xuất khẩu viên nén vào Nhật Bản ổn định.

Chuyên gia của Forest Trends cho rằng cạnh tranh về nguồn nguyên liệu để sản xuất viên nén sẽ tiếp tục căng thẳng, bởi thị trường đầu ra xuất khẩu của các mặt hàng gỗ chưa có tín hiệu hồi phục.

 

"Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu viên nén tại Nhật Bản sẽ tăng lên 20 triệu tấn, trong đó lượng viên nén gỗ sẽ chiếm khoảng 13 – 15 triệu tấn (còn lại là hạt cọ dầu). Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và có chứng chỉ bền vững, có nhà máy sản xuất quy mô, quản lý bài bản".

TS. Tô Xuân Phúc- Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends.

Phân tích về thị trường dài hạn, ông Tô Xuân Phúc nhận định nhu cầu tiêu thụ viên nén trên thế giới sẽ tăng khoảng 250% trong thập kỷ tới, đạt con số 36 triệu tấn từ mức 14 triệu tấn năm 2017. Trong những năm vừa qua, cầu tiêu thụ tăng chủ yếu tại các nước Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Riêng tại thị trường Nhật Bản, hiện mỗi năm nước này sử dụng khoảng 8 triệu tấn viên nén, trong đó 40-50% là vỏ hạt cọ dầu, phần còn lại (50 - 60%) là viên nén từ gỗ.

Mặt khác, ngành viên nén có cơ hội mở rộng thị trường khi cầu tiêu thụ tại Việt Nam bắt đầu có tín hiệu tăng nhanh, bởi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng sạch, bao gồm viên nén nhằm thay thế than trong sản xuất năng lượng. Quy hoạch Điện 8 được Chính phủ phê duyệt ngày 15/5/2023 đã ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm điện sinh khối nhằm thay thế điện than có mức phát thải cao.

Theo TS Tô Xuân Phúc, trong tương lai ngành viên nén Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của viên nén từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Indonesia và Malaysia, nhiều nhà máy viên nén mới được xây dựng đã đi vào hoạt động, và nhiều rất nhiều máy đang được xây dựng. Tuy nhiên, với nhu cầu viên nén trên thế giới sẽ tăng gấp nhiều lần trong thập kỷ tới, hứa hẹn ngành sản xuất, tiêu thụ viên nén sẽ ngày càng trở nên sôi động.