14 kênh truyền hình nước ngoài dừng phát sóng tại Việt Nam từ 1/10
Thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết 14 kênh truyền hình nước ngoài sẽ dừng cung cấp phát sóng trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam từ ngày 1/10/2021…
Cụ thể, Cục dẫn thông báo của công ty Disney Networks Group Asia Pacific Limited (công ty Disney) và của công ty Buena Vista International Inc (công ty BVII), từ ngày 1/10/2021, công ty Disney sẽ dừng phát sóng 12 kênh truyền hình, công ty BVII sẽ dừng phát sóng 2 kênh truyền hình tại khu vực Đông Nam Á và Hồng Kông, trong đó có Việt Nam.
Danh sách các kênh truyền hình nước ngoài dừng cung cấp phát sóng trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam từ ngày 1/10/2021 gồm:
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết, hiện thời hạn quyền cung cấp 14 kênh chương trình nước ngoài này trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam của các đại lý được ủy quyền có thời hạn đến hết ngày 30/9/2021.
Ngày 18/8/2021, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền có kế hoạch thông báo kịp thời để đảm bảo quyền lợi của thuê bao theo quy định của pháp luật và hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Đồng thời, Cục cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát danh mục kênh truyền hình nước ngoài đang cung cấp trên dịch vụ để có phương án kinh doanh phù hợp kể từ ngày 1/10/2021.
Cuối năm 2020, trả lời đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay Việt Nam có 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trả tiền với khoảng 14 triệu thuê bao và doanh thu khoảng 9.000 tỷ đồng/năm.
Tổng số thuê bao, truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, AppleTV, WeTV của Trung Quốc đang cung cấp tại Việt Nam khoảng 1 triệu thuê bao với ước tính doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Hùng cũng cho biết các nền tảng xuyên biên giới như trên đang “không chịu các quy định pháp luật, không đóng thuế” tại Việt Nam, tạo ra sự bức xúc và cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp trong nước.
Chưa kể, không ít nội dung trên các kênh truyền hình xuyên biên giới còn vi phạm pháp luật Việt Nam, vi phạm quy định về báo chí, điện ảnh, trẻ em, thậm chí phát phim sai sự thật về chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam...