18:03 30/09/2022

30 nhà cung cấp nước ngoài lớn đã đăng ký thuế, kê khai nộp thuế

Nhĩ Anh

Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước như: Facebook (2.099 tỷ đồng); Google (2.114,6 tỷ đồng); Microsoft (714 tỷ đồng),…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử" vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết, thời gian qua ngành thuế đã triển khai rất đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

THU THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ XUYÊN BIÊN GIỚI QUA TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM TĂNG 

Theo đó, ngành đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế; tích cực tham gia đàm phán Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh tế số; hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh các cá nhân kinh doanh…

Với những giải pháp này, Tổng cục Thuế cho biết số thu từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, tốc độ thu bình quân giai đoạn 2018-2021 đạt 130%. Đặc biệt số thu năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020.

Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước như: Facebook (2.099 tỷ đồng); Google (2.114,6 tỷ đồng); Microsoft (714 tỷ đồng),…

Sau hơn 5 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cung cấp dịch vụ số, lũy kế hết tháng 8/2022 cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 1.082 tỷ đồng. Số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 520,7 tỷ đồng, gấp đôi số thu năm 2021.

NHIỀU THÁCH THỨC TRONG QUẢN LÝ THUẾ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Hiện nay chính sách thuế đã có quy định với tổ chức, cá nhân khi hoạt động thương mại điện tử tự kê khai và nộp thuế theo quy định, cơ quan thuế đóng vai trò hướng dẫn tuyên truyền là chính. Vừa qua, ngành thuế đã triển khai rất đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng có những cơ chế kiểm soát, trong trường hợp người nộp thế cố tình không kê khai thì sẽ có chế tài cụ thể. Các chính sách về thuế đã được hướng dẫn rất đầy đủ và khá hoàn chỉnh…

Trước sự tăng trưởng với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây của thương mại điện tử,  đại diện Tổng cục thuế cũng thừa nhận rằng thương mại điện tử là một hoạt động thương mại mới nên có nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế. Đối với đặc trưng nền kinh tế số và thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, ngành thuế gặp không ít khó khăn. Đó là vấn đề quản lý đầy đủ nguồn thu, đối tượng nộp thuế và việc tính thuế. Cùng với đó là khó phân biệt các loại thu nhập bởi thương mại điện tử có nhiều loại như phí dịch vụ, phí bản quyền… có rất nhiều loại chi phí cần làm rõ để phân biệt làm cơ sở đánh thuế.

30 nhà cung cấp nước ngoài lớn đã đăng ký thuế, kê khai nộp thuế - Ảnh 1

Đối với việc quản lý các đối tượng, có thể đối tượng đánh thuế là tổ chức hoặc cá nhân, 1 cá nhân có thể mở nhiều gian hàng trên các mạng xã hội cũng có thể bán hàng trên nhiều nền tảng khác nhau.

Một thách thức nữa được cơ quan thuế chỉ ra là quản lý dòng tiền. Vấn đề này không hề đơn giản vì tại Việt Nam việc giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến…

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết cơ quan này đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72, bổ sung các quy định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội trong nước và ngoài nước yêu cầu các tài khoản, các trang cộng đồng, các kênh cung cấp nội dung, thông tin liên hệ với Bộ hoặc qua các mạng xã hội trong nước để nắm bắt các dữ liệu và cần thiết sẽ trao đổi với các cơ quan liên quan để nắm bắt các hoạt động của đối tượng có doanh thu.

Quan trọng nhất phải quản lý hoạt động của dòng tiền bởi có thể một giao dịch hàng trăm nghìn đô nhưng cũng có giao dịch số tiền hạn chế. Vấn đề là làm sao quản lý được dòng tiền để đối soát khi mà các nền tảng xuyên biên giới hoặc các tổ chức cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh doanh thu hoặc kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới, kê khai thuế đầy đủ như quy định.

Chuyên gia này khẳng định rằng đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới, về cơ sở pháp lý chúng ta đã có tương đối đầy đủ như: Luật quản lý thuế, Nghị định 126 hướng dẫn về Luật quản lý thuế, các Thông tư, Nghị định liên quan đều đã có các quy định đóng thuế và thu thuế. Mục tiêu là đẩy mạnh được hoạt động quản lý thuế, thu thuế được hiệu quả.

Theo các chuyên gia, để các chính sách thuế được thực thi hiệu quả thì cần có sự phối hợp các đơn vị liên quan, đặc biệt là để đồng nhất chính sách thuế cho hoạt động thương mại điện tử.

Đến nay, Bộ Tài chính đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và đang trong quá trình xây dựng, ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý dòng tiền, trong đó có các quy định về bảo mật, an toàn thông tin. Ngành thuế cũng sẽ tăng cường phối hợp với Cục An ninh mạng, Bộ Công an trong việc ra soát thông tin của những cá nhân có thu nhập lớn từ các nền tảng xuyên biên giới.

Chia sẻ điều này, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, khẳng định, quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử không phải chuyện riêng của ngành tài chính mà còn là nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan.

Về mặt khuôn khổ pháp luật, cơ bản chúng ta đã có để thực thi các nghiệp vụ, biện pháp để thu thuế trên nền tảng số. Tuy nhiên, cách mạng số thay đổi liên tục, tạo ra nhiều hành vi, nhiều hoạt động rất mới. Chính vì vậy, sự cần thiết phải hoàn thiện về khuôn khổ pháp luật, có độ phổ quát cao hơn, chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó khi thu thuế trên nền tảng số thì làm thế nào để thu đúng đối tượng, tránh tình trạng trốn thuế, mất bình đẳng, mất cạnh tranh không chỉ làm mất nguồn thu nhà nước mà mất bình đẳng giữa những người kinh doanh ở những lĩnh vực khác…