4 tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ trên 83.000 tỷ đồng xây Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
4 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách để đầu tư dự án Vành đai 3 khoảng 83.290 tỷ đồng...
Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi UBND thành phố, đồng thời tham mưu báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư đường Vành đai 3.
Theo đó, trên cơ sở kết quả thống nhất giữa UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, UBND TP. Hồ Chí Minh thay mặt UBND 3 tỉnh trên báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo về phương án đầu tư đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Được biết, chiều dài toàn tuyến Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 91,66 km, có quy mô 8 làn xe cao tốc đi qua 4 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An, TP. Hồ Chí Minh được chia làm 4 đoạn.
Điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này hơn 177.710 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1, dự kiến thực hiện từ năm 2021-2025 và được chia 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng cho giai đoạn hoàn thiện, làm đường song hành, tuyến nối với cao tốc. Dự án gồm 4 hợp phần giao cho các địa phương liên quan thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với dự án thành phần 2 sẽ xây dựng tuyến chính, bao gồm nút giao với 4 làn xe cao tốc dài hơn 76km. Dự án thành phần này dự kiến giao TP. Hồ Chí Minh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đường song hành hai bên của dự án rất lớn. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh cho rằng việc đầu tư đường Vành đai 3 theo phương thức đối tác công tư và sử dụng nguồn vốn ngân sách của các địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là rất khó khăn, không thể thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2026.
Trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT, theo kết quả nghiên cứu của đơn vị nghiên cứu, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư khoảng 15.411 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% so với tổng mức đầu tư của dự án.
Tuy nhiên, thời gian hoàn vốn kéo dài lên tới 29 năm nên khó hấp dẫn nhà đầu tư và tính khả thi chưa cao.
Đồng thời, sẽ phải trình Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng cho dự án như sử dụng ngân sách của địa phương để chi cho nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương; cho phép tổ chức phí dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư đoạn 1A được triển khai đầu tư bằng nguồn vốn vay của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF); tỷ lệ vốn góp của nhà nước tham gia vào dự án trên 50% tổng mức đầu tư dự án...
Đồng thời, hiện nay, do cả 4 tỉnh, thành đều là các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 nên việc bố trí ngân sách trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho dự án này là thiết thực nhất.
Do vậy, 4 địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách trung ương trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỷ đồng, bao gồm, giải phóng một lần theo quy mô hoàn chỉnh, xây dựng tuyến chính cao tốc 4 làn xe cả nút giao trên tuyến và đầu tư đường song hành hai bên.
“Trường hợp vốn ngân sách trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, để xuất trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 46.971 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương", UBND TP. Hồ Chí Minh nêu rõ.