06:00 21/07/2021

5 bài học lớn nhất của Jeff Bezos trong 27 năm điều hành Amazon

An Huy

Trong suốt khoảng thời gian giữ vai trò “sếp tổng” của Amazon, Bezos thường xuyên chia sẻ những lời khuyên và bài học kinh nghiệm của bản thân thông qua các cuộc trả lời phỏng vấn và thư gửi cổ đông hàng năm...

Tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos - Ảnh: Vox.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos - Ảnh: Vox.

Đầu tháng này, Jeff Bezos đã rời cương vị Tổng giám đốc (CEO) Amazon, công ty mà ông thành lập vào năm 1994. Sau 27 năm, dưới sự điều hành của Bezos, cửa hàng sách online ngày nào đã trở thành một “đế chế” thương mại điện tử với giá trị vốn hoá thị trường đạt 1,8 nghìn tỷ USD.

Cùng với đó, Bezos cũng trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng cá nhân đạt hơn 200 tỷ USD.

Trong suốt khoảng thời gian giữ vai trò “sếp tổng” của Amazon, Bezos thường xuyên chia sẻ những lời khuyên và bài học kinh nghiệm của bản thân thông qua các cuộc trả lời phỏng vấn và thư gửi cổ đông hàng năm.

Dưới đây là 5 bài học lớn nhất mà vị tỷ phú 57 tuổi từng chia sẻ, do trang CNBC điểm lại:

CHẤP NHẬN RỦI RO

“Khi nghĩ về những thứ sẽ làm bạn hối tiếc khi bạn 80 tuổi, đó thường sẽ là những thứ mà bạn đã không làm. Đó là sự bỏ lỡ. Rất hiếm khi bạn tiếc về những gì bạn đã làm nhưng thất bại hoặc không mang lại hiệu quả hoặc gì đó khác”, Bezos nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2018.

Tư duy  đã định hình cuộc sống của Bezos trước khi ông lập Amazon. Khi mới 30 tuổi, Bezos đã có một công việc ở Phố Wall, tại quỹ đầu cơ D. E. Shaw, nhưng ông nhận thấy tiềm năng tương lai của nền kinh tế Internet và đi tới ý tưởng mở một cửa hàng trực tuyến để bán sách. Sếp của Bezos nhất trí với ông rằng ý tưởng này hứa hẹn, nhưng vẫn cố thuyết phục ông sẽ ít rủi ro hơn nếu ông tiếp tục giữ công việc đang có.

“Tôi hình dung ra mình năm 80 tuổi, nhìn lại cuộc đời trong môt một khoảnh khắc suy tư tĩnh lặng”, Bezos nhớ lại thời điểm đó trong một cuộc trò chuyện ở Ấn Độ vào năm 2020. “Liệu đến giữa năm tôi có cảm thấy hối tiếc vì đã từ bỏ công ty này và cả khoản tiền thưởng cuối năm?”

Dĩ nhiên, Bezos đã quyết định bỏ việc để theo đuổi ý tưởng của mình. Ông chuyển nhà tới đầu bên kia của đất nước để mở Amazon trong một gara thuộc vùng ngoại ô của Seatle vào mùa hè năm 1994. Website Amazon bắt đầu chạy một năm sau đó, vào ngày 16/7/1995.

“Tôi không nghĩ là mình sẽ phải hối tiếc một khi đã nỗ lực, dù có thất bại đi chăng nữa. Tôi cho là mình sẽ luôn bị ám ảnh bởi việc không thử làm xem sao”, Bezos nói vào năm 2018. Bởi vậy, ông “chọn con đường ít an toàn nhất để theo đuổi đam mê, và tự hào về lựa chọn đó”.

“Hãy hình dung về bản thân bạn lúc 80 tuổi, nhìn lại cuộc đời và những lựa chọn khiến bạn thấy hối tiếc. Từ đó, đưa ra những quyết định cá nhân”, Bezos nói thêm. “Tôi không chỉ nói về chuyện kinh doanh, mà còn cả những vấn đề khác. Cũng giống như chuyện ‘tôi yêu người đó nhưng tôi không bao giờ nói với cô ấy’, và bạn biết đó, 50 năm sau, bạn sẽ nghĩ ‘tại sao mình lại không nói với cô ấy? Tại sao mình không theo đuổi tình yêu đó?’”.

“Đó là sự hối tiếc khiến bạn rất khó cảm thấy hạnh phúc khi bạn tự kể lại cho mình câu chuyện đời mình, trong một khoảnh khắc riêng tư nào đó”, Bezos nói.

ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH THẬT NHANH CHÓNG

Bezos tin rằng chìa khóa để duy trì một hoạt động kinh doanh có tính sáng tạo cao là đưa ra “những quyết định chất lượng cao, với một tốc độ cao”.

Trong lá thư gửi cổ đông Amazon vào năm 2015, ông đã viết về tầm quan trọng của tốc độ và và sự nhanh lẹ trong việc đưa Amazon trở thành “một công ty lớn đồng thời là một cỗ máy sáng tạo”. Ông thừa nhận rằng một số quyết định là “không thể đảo ngược hoặc gần như không thể đảo ngược”, phần lớn các quyết định không phải là như vậy.

“Hầu hết các quyết định… đều có thể thay đổi, có thể đảo ngược. Chúng là những cánh cửa hai chiều”, ông viết. Trong những trường hợp đó, khi bạn đưa ra một quyết định ‘dưới mức tối ưu’, bạn không phải sống với hậu quả trong một thời gian quá dài. Bạn có thể mở lại cánh cửa và quay trở lại”.

Những dạng quyết định như thế nên được đưa ra nhanh chóng, theo Bezos. Ông viết rằng nếu mọi người hoặc các công ty dành quá nhiều thời gian cho việc cân nhắc những quyết định có thể đảo ngược, việc đó có thể dẫn tới “sự chậm trễ, tâm lý lo sợ rủi ro, thiếu thử nghiệm đầy đủ, và rốt cục là dập tắt sáng tạo”.

“Tất cả những quyết định tốt nhất của tôi trong công việc và cuộc sống đều được đưa ra bởi trái tim, trực giác, linh cảm, chẳng có gì dựa trên phân tích cả”, Bezos nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington DC năm 2018.

XÁC ĐỊNH THIÊN HƯỚNG

Tự tìm ra thiên hướng là một vấn đề trung tâm trong lời khuyên mà Bezos thường đưa ra cho nhân viên trẻ, cũng như 4 người con của ông – vị tỷ phú tiết lộ tại Diễn đàn Lãnh đạo tại George W. Bush Presidential Center hồi năm 2018.

“Bạn có thể có một công việc, hoặc bạn có thể có một sự nghiệp, hoặc bạn có thể có một thiên hướng”, Bezos nói. “Và nếu bằng cách nào đó bạn xác định được thiên hướng của mình, thì coi như bạn đã trúng số, vì đó là một chuyện rất quan trọng”.

Nói cách khác, xây dựng sự nghiệp từ đam mê là ý tưởng của Bezos về thành công thực sự. Và ông tin rằng mỗi người đều có một đam mê riêng. “Bạn không chọn đam mê, mà đam mê chọn bạn”, ông nói khi đó. “Tất cả chúng ta đều được ban tặng những đam mê nhất định, và những người may mắn là những người chọn đi theo đam mê”.

Bezos từng nói rằng ông theo đuổi đam mê của mình như một “nhà sáng tạo trong gara” khi ông mở Amazon. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông thừa nhận đam mê thực sự của cuộc đời ông là vũ trụ.

“Từ khi tôi lên 5 tuổi, đó là năm Neil Amstrong đặt chân lên Mặt Trăng, tôi đã mê mẩn vũ trụ, tên lửa, động cơ tên lửa, du lịch vũ trụ”, Bezos nói vào năm 2019. Đến nay, ông đã chi hàng tỷ USD để phát triển công ty du lịch vũ trụ Blue Origin. Vào ngày 20/7, ông sẽ bay vào vũ trụ, trong chuyến bay có người đầu tiên của công ty này.

CHẤP NHẬN SỰ THIẾU NĂNG SUẤT CỦA SUY NGHĨ VẨN VƠ

Trong lá thư gửi cổ đông Amazon vào năm 2018, Bezos có một mục đặt tựa đề “Trực giác, tò mò, và sức mạnh của suy nghĩ vẩn vơ”. Trong mục đó, CEO Amazon viết về tầm quan trọng của việc dành thời gian để “thám hiểm” sự tò mò của bản thân để đi đến những giải pháp mới và sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức.

Hoạt động kinh doanh của Amazon có thể phụ thuộc vào năng suất, bởi khách hàng đặt mua gần như bất kỳ sản phẩm nào với kỳ vọng mặt hàng đó được giao tới cửa chỉ trong vòng vài ngày. Nhưng Bezos tin rằng một chút vừa đủ sự thiếu năng suất là cần thiết để thành công. Trong lá thư, ông miêu tả điều này là “suy nghĩ vẩn vơ” hoặc thăm dò và thử nghiệm ngay cả khi việc đó đồng nghĩa với đi đường vòng qua một giải pháp.

“Suy nghĩ vẩn vơ là một cách cân bằng quan trọng với năng suất”, ông nói. “Bạn cần tới cả hai”.

“Đôi khi (thực ra là thường xuyên) trong kinh doanh, khi bạn biết rõ rằng bạn sẽ làm gì vào lúc nào, bạn sẽ đạt được năng suất. Hãy lên kế hoạch và tiến hành”, Bezos viết trong thư. “Ngược lại, suy nghĩ vẩn vơ trong kinh doanh không mang lại năng suất… nhưng cũng không phải là sự cẩu thả. Suy nghĩ vẩn vơ được dẫn dắt bởi cảm tính, bởi linh cảm, bởi trực giác, bởi sự tò mò, và có sức mạnh từ một phán quyết sâu trong sâu thẳm. Phán quyết này mang lại cho khách hàng của bạn một phần thưởng lớn đến nỗi đáng để bạn cho phép mình bừa bộn và hời hợt một chút để tìm ra con đường đến đó”.

Theo Bezos, một trong những bài học mà ông đã học được trong quá trình xây dựng Amazon là “thành công có thể đến thông qua sự lặp lại: sáng tạo, ra mắt, sáng tạo lại, ra mắt lại, bắt đầu lại theo cách khác, xoá bỏ, lặp lại, hết lần này đến lần khác”, ông viết, và viết thêm rằng “con đường đến với thành công là bất kỳ điều gì, ngoại trừ sự bằng phẳng”.

ĐỪNG ĐÁNH MẤT CHẤT RIÊNG CỦA BẠN

Hồi tháng 4 năm nay, trong lá thư cuối cùng gửi cổ đông Amazon trên cương vị CEO, Bezos viết về tầm quan trọng của việc giữ vững “bản sắc cá nhân”.

“Chúng ta đều biết rằng chất riêng đó, tức bản sắc cá nhân, có giá trị rất lớn. Chúng ta đều được dạy ‘hãy là chính mình’. Điều tôi thực sự muốn nói với các bạn là chấp nhận và có cái nhìn thực tế về việc bạn sẽ cần bao nhiêu năng lượng để duy trì bản sắc đó. Thế giới muốn bạn hoà lẫn theo cả nghìn cách và sẽ lôi kéo bạn. Đừng để điều đó xảy ra”.

Bezos nói tiếp rằng đáng để bạn duy trì sự khác biệt của mình, cho dù điều đó đòi hỏi “luôn luôn cố gắng”.

“Phiên bản cổ tích của lời khuyên ‘hãy là chính mình’ là tất cả mọi nỗi đau sẽ chấm dứt ngay khi bạn cho phép chất riêng của bạn toả sáng. Nhưng đó là một lời nói dối. Là chính mình là một việc đáng làm, nhưng đừng nghĩ rằng việc đó là dễ dàng hay miễn phí”, ông viết.