6 nhóm giải pháp để đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp
Nguyên nhân khiến công tác cổ phần hoá, thoái vốn bị chậm trong năm 2020 chủ yếu là do các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, kết thúc năm 2020, còn 91 doanh nghiệp chưa được cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.
Trong đó, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 gồm Hà Nội còn 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Tp.HCM còn 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương còn 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty, trong đó đã công bố giá trị 1 Tổng công ty); Bộ Xây dựng còn 2 Tổng công ty.
Lý giải nguyên nhân khiến công tác cổ phần hóa, thoái vốn bị chậm, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai.
Ngoài ra, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 cũng làm cho sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội bị đình trệ, kéo theo việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Do đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn tới, Bộ Tài chính đã đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung vào các nội dung như hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, xây dựng danh mục tiêu chí doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo hướng tạo chủ động, gắn trách nhiệm cho cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tiến độ thời gian việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ này đề xuất có cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện.
Hai là, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011-2020 theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn Nhà nước.
Ngoài ra, cần xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này; không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước.
Bốn là, củng cố mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cơ cấu lại của các doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường giám sát, kiểm tra của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu khác.
Năm là, xây dựng đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 một cách toàn diện về tài chính, nguồn nhân lực, đổi mới công tác quản lý doanh nghiệp thông qua áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, cơ cấu lại sản phẩm, ngành nghề phù hợp với mục tiêu phát triển của vùng kinh tế, định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực hoạt động.
Sáu là, người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại doanh nghiệp; tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án được duyệt.