17:51 15/08/2012

Ai dễ dãi trong cấp phép khai thác khoáng sản?

Nguyên Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển để nghị chỉ rõ địa chỉ vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản - Ảnh N.H.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển để nghị chỉ rõ địa chỉ vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản - Ảnh N.H.
Báo cáo giám sát nêu kiến nghị không được dễ dãi trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng ai dễ dãi?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại phiên họp chiều 15/8.

Liên quan đến nội dung này, Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã chỉ ra không ít bất cập, vướng mắc gây nên tổn thất tài nguyên khoáng sản rất lớn. Trong hơn 4 nghìn giấy phép khai thác mà UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp rất ít dự án chế biến sâu, nếu có thì cũng là những dự án chế biến với công nghệ đơn giản, không có giá trị cao về mặt kinh tế.

Đáng chú ý là số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản. Theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ trong 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm ( 478 giấy phép).

Một số địa phương cấp phép tràn lan, có lúc trái quy định của pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của Trung ương. Nhiều giấy phép cấp không đúng đối tượng, một số đơn vị có tiềm năng khai thác, chế biến khoáng sản thì không được cấp giấy phép, còn nhiều tổ chức, cá nhân không hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, không có nhân lực và trang thiết bị thì lại được cấp giấy phép, đã dẫn đến tình trạng chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản, đoàn giám sát nhận định.

Báo cáo giám sát cũng cho biết, 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo số liệu của Tổng cục cảnh sát phòng, chống tội phạm thì từ năm 2007 đến tháng 7/2012 lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện xử lý 4.142 vụ. Riêng năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 phát hiện và xử lý 2.117 vụ, phạt vi phạm hành chính 21,7 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân của yếu kém được nhấn mạnh chính là doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, áp lực phải thu hồi vốn nhanh và chính sách về thuế chưa thực sự hợp lý đã dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ khai thác khu vực khoáng sản có chất lượng cao, bỏ khu vực khoáng sản có chất lượng thấp để hạ giá thành khai thác, tăng lợi nhuận “dễ làm, khó bỏ”, làm tổn thất tài nguyên.

Đoàn giám sát kiến nghị, không được dễ dãi trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản, vì đây là việc làm cần có trình độ khoa học và công nghệ cao cùng với tiềm lực kinh tế lớn. Khi đã khai thác phải khai thác triệt để tránh tình trạng “dễ làm, khó bỏ” lãng phí tài nguyên.

Một số ý kiến kiến nghị, nội dung giám sát này cần được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ tư và có nghị quyết về vấn đề này vì đây là vấn đề lớn, đang diễn biến phức tạp được cử tri cả nước rất quan tâm, Chủ nhiệm Dũng nhấn mạnh.

Khẳng định độ “nóng” của vấn đề, song các ý kiến thảo luận cũng chỉ ra không ít bất cập của chính báo cáo kết quả giám sát, nhất là thiếu địa chỉ về trách nhiệm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, cần liệt kê ra bao nhiêu mỏ vi phạm với địa chỉ cụ thể.

Phần kiến nghị có nêu cần chấn chỉnh công tác cấp giấy phép thăm dò rồi không được dễ dãi trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chấn chỉnh ai, ai không được dễ dãi, chủ thể nào dễ dãi phải nêu rõ ở kiến nghị, ông Hiển đề nghị.

Đồng tình với Chủ nhiệm Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cần phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước, chỉ rõ xem quản lý cấp bộ ngành có trách nhiệm gì không? Báo cáo đánh giá rất hay nhưng không rõ địa chỉ thì tác dụng khắc phục sẽ thấp, bà Mai nói.

Báo cáo rất là vĩ đại song bức tranh không rõ, hiện nay khoáng sản được chế biến khai thác thế nào, tác động đến môi trường ra sao, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa nhận xét báo cáo có vẻ rất bình yên còn tình hình rất nghiêm trọng. "Tôi vừa tiếp xúc cử tri ở vùng ven sông Lô, nơi diễn ra việc khai thác cát vô cùng phức tạp, người dân bảo sẵn sàng "chiến đấu" không cho khai thác, dù tỉnh đã cấp giấy phép. Có thể nói quản lý nhà nước ở lĩnh vực này ở các địa phương có rất nhiều vấn đề, ông Khoa nói.

Cần kiến nghị mạnh mẽ hơn, thực tế hơn để ngăn chặn kịp thời và giải quyết tốt tình hình hiện nay, ông Khoa đề nghị.

Phó chủ tịch Uông Chu Lưu phát biểu, qua báo cáo chưa thấy độ nóng của vấn đề. Tỉnh nào, bộ nào, ai vi phạm thì không nói được mà cứ nói một số nơi, đó cũng là tình trạng chung của các báo cáo giám sát. Đã đến nơi rồi thì cứ nói thẳng ra để thấy rõ trách nhiệm và làm tốt hơn, phải có địa chỉ thì hiệu quả giám sát mới cao, Phó chủ tịch lưu ý.

Vẫn liên quan đến vấn đề trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, phải tìm cho ra hơn 4.000 giấy phép đã cấp sai đúng thế nào? giấy phép nào đã cấp sai thì thu hồi và xử lý cán bộ vi phạm, đồng thời cũng làm rõ thời hạn xử lý những vi phạm này.