Ai được, ai mất trong thương vụ UBS-Credit Suisse?
Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS Group AG đang nổi lên là bên được lợi hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng của Credit Suisse Group AG sau thương vụ mua lại lịch sử do Chính phủ Thụy Sỹ làm trung gian nhằm ngăn chặn khủng hoảng lây lan...
Sau những cuộc thảo luận gấp rút vào cuối tuần nhằm tìm ra một giải pháp trước khi thị trường châu Á mở cửa vào sáng thứ Hai (20/3), UBS đã nhất trí mua lại đối thủ đang gặp khó Credit Suisse với giá khoảng 3,3 tỷ USD. Theo thoả thuận, cổ đông Credit Suisse sẽ đổi được 22,48 cổ phiếu ngân hàng này lấy 1 cổ phiếu UBS.
Dưới đây là những bên được lợi và chịu thiệt hại trong thương vụ này.
BÊN ĐƯỢC LỢI: RALPH HAMERS VÀ UBS
Theo số liệu được UBS đưa ra, ngân hàng sau sáp nhập có tổng tài sản đầu tư là khoảng 5 nghìn tỷ USD. UBS cũng nhận được một ưu đãi miễn trừ đặc biệt nhằm đảm bảo chi nhánh tại Thụy Sỹ của Credit Suisse có lãi. Theo nhiều nhà phân tích, khoản lãi này lớn gấp hơn 3 lần so với mức giá mà UBS trả để mua lại ngân hàng đối thủ.
Ông Ralph Hamers, CEO của UBS, và đội ngũ của mình có nhiều việc phải làm để cân nhắc sẽ giữ lại những bộ phận và nhân sự nào, cũng như thực hiện các thay đổi ra sao. Tuy nhiên, ông Hamers có khoảng 56 tỷ Franc (khoảng 60 tỷ USD) từ lợi thế thương mại âm (negative goodwill) để bù đắp trong trường hợp phải thực thực hiện bất kỳ bút toán giảm giá trị tài sản (writedown) nào. Lợi thế thương mại âm xảy ra khi bên thâu tóm mua lại một công ty với giá thấp hơn giá thị trường.
Ngoài ra, UBS cũng có khoản đảm bảo trị giá khoảng 9 tỷ Francs từ Chính phủ Thụy Sỹ trong trường hợp ghi nhận bất kỳ khoản lỗ nào do thương vụ mua lại, đồng thời được tiếp cận nguồn thanh khoản dồi dào từ Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB).
Hiện tại, dù đã tạm dừng chương trình mua lại cổ phiếu của mình, UBS vẫn cam kết chia cổ tức lũy tiến cho các cổ đông.
BÊN THIỆT HẠI:
CÁC CỔ ĐÔNG LỚN NHẤT CỦA CREDIT SUISSE
Sau thương vụ trên, các nhà đầu tư Vùng Vịnh là cổ đông của Credit Suisse, cả mới lẫn cũ, đều chịu thiệt hại lớn.
Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia (Saudi National Bank) đã lỗ 1,1 tỷ Franc trong vòng chưa đầy 15 tuần kể từ khi hoàn tất việc mua cổ phần của Credit Suisse trong đợt huy động vốn gần đây nhất của nhà băng Thụy Sỹ. Chỉ vài tháng trước, Saudi National Bank vẫn cho rằng họ đã mua được món hời để trở thành cổ đông lớn nhất của Credit Suisse. Tuy nhiên, Chủ tịch của Saudi National Bank, ông Ammar Alkhudairy, đã góp phần vào cuộc khủng hoảng của Credit Suisse vào tuần trước khi nói rằng sẽ không đầu tư thêm cho ngân hàng này.
Một cổ đông lớn khác của Credit Suisse là Qatar Investment Authority (QIA) - quỹ đầu tư quốc gia của Qatar - chịu thiệt hại lớn hơn và trong dài hạn hơn do là nhà đầu tư đầu tiên của ngân hàng Thụy Sỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất. Bên cạnh việc là cổ đông lớn thứ hai của Credit Suisse, QIA còn từng sở hữu trái phiếu AT1 của Credit Suite - tài sản bị giảm về 0 sau thương vụ thâu tóm của UBS. Hiện không rõ QIA còn giữ trái phiếu này hay không.
Các cổ đông của Credit Suisse sẽ không được biểu quyết thông qua về sáp nhập với UBS sau khi Thụy Sỹ thay đổi quy định để thương vụ nhanh chóng được thực hiện.
ULRICH KOERNER
CEO của Credit Suisse, ông Ulrich Koerner, dự kiến sẽ rời khỏi ngân hàng này dù mới chỉ tiếp quản vị trí này từ mùa hè năm ngoái.
Ông đã không thể hồi sinh nhà băng đang lâm vào khó khăn dù đã vạch ra kế hoạch 3 năm cho Credit Suisse. Theo kế hoạch này, ông Koerner sẽ sa thải 9.000 nhân viên, giải thể mảng ngân hàng đầu tư đã tồn tại suốt 5 thập kỷ và đưa Credit Suisse trở lại nguyên gốc là một ngân hàng chuyên phục vụ giới siêu giàu. Điều này đồng nghĩa Credit Suisse sẽ tách riêng First Boston - ngân hàng đầu tư Mỹ được mua lại vào thập niên 1990 - và đưa First Boston niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2025.
Tuy nhiên, ông Koerner và đội ngũ của mình đã không thể vực dậy từ cuộc khủng hoảng niềm tin sau đợt rút tiền ồ ạt vào tháng 10 năm ngoái của khách hàng. Áp lực ngày càng gia tăng tại Credit Suisse buộc Chính phủ Thụy Sỹ phải can thiệp.
MICHAEL KLEIN
Michael Klein, cựu giám đốc tại ngân hàng đầu tư Citigroup Inc., là người lãnh đạo ngân hàng đầu tư Credit Suisse First Boston. Thương vụ thâu tóm của UBS đã khiến kế hoạch hồi sinh thương hiệu First Boston và đưa ngân hàng này trở thành một đế chế tư vấn ở Phố Wall của ông giờ đây tan thành mây khói. Trước khi Credit Suisse về tay UBS, ông đang trong quá trình bán công ty tư vấn của mình cho Credit Suisse với giá khoảng 210 triệu USD. Giờ đây, thương vụ này chắc chắc sẽ bị ảnh hưởng sau thương vụ mua lại.
CÁC TRÁI CHỦ NẮM GIỮ TRÁI PHIẾU AT1 CỦA CREDIT SUISSE
Các nhà đầu tư trái phiếu thường được bảo vệ tốt hơn trước các cổ đông khi một công ty sụp đổ nhưng điều này không đúng với trường hợp của Credit Suisse. Cơ quan chức năng Thụy Sỹ sẽ áp đặt khoản lỗ với khoản nợ rủi ro cao là trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Credit Suisse. Theo đó, toàn bộ 17 tỷ USD trái phiếu AT1 của Credit Suisse sẽ giảm về bằng 0. Việc này nhằm giảm bớt gánh nặng nợ và tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng, để nhà chức trách không phải dùng nhiều tiền thuế để xử lý cuộc khủng hoảng. Đây là khoản lỗ lớn nhất trên thị trường trái phiếu AT1 ở châu Âu.
NHÀ CHỨC TRÁCH VÀ NGƯỜI NỘP THUẾ THỤY SỸ
Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA) trở thành cơ quan đầu tiên giám sát một ngân hàng phải được giải cứu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mà ngân hàng nàyđược xem là có vai trò quan trọng với hệ thống tài chính của Thụy Sỹ. Chính phủ Thụy Sỹ đã phải cấp hàng tỷ USD Francs tiền bảo lãnh cho UBS, còn SNB buộc phải cung cấp một khoản hỗ trợ thanh khoản lớn để tạo điều kiện cho thương vụ thâu tóm. Điều này khiến ngân sách của Thụy Sỹ chịu rủi ro tới 15 năm sau vụ giải cứu.
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter thừa nhận đây là cách duy nhất để ổn định thị trường tài chính quốc tế. Chính phủ nước này chấp nhận phải chi ra nhiều tiền để giảm bớt cú sốc.