18:15 09/12/2010

AIG sắp dứt nợ Chính phủ Mỹ

An Huy

Hãng bảo hiểm khổng lồ AIG của Mỹ vừa công bố kế hoạch trả nốt khoản nợ tiền mặt 21 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ

AIG chuẩn bị trả nốt khoản nợ cho Chính phủ Mỹ.
AIG chuẩn bị trả nốt khoản nợ cho Chính phủ Mỹ.
Hãng bảo hiểm khổng lồ AIG của Mỹ vừa công bố kế hoạch trả nốt khoản nợ tiền mặt 21 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ. Đồng thời, Washington cũng chuẩn bị bán một phần lớn trong số cổ phần đang nắm giữ tại tập đoàn này, mở đường cho việc “giải phóng” AIG khỏi chương trình giải cứu áp dụng từ năm 2008.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, AIG sẽ dùng số tiền thu được từ việc bán lại hai chi nhánh bảo hiểm nhân thọ tại thị trường ngoài Mỹ để trả nợ cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Năm 2008, FED là cơ quan đầu tiên tung “phao cứu sinh” để cứu AIG thoát bờ vực đổ vỡ. Tính tới tuần trước, số tiền mà AIG còn nợ FED là 21 tỷ USD.

Trong thời gian khủng hoảng, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã bơm cho AIG 49 tỷ USD để đổi lấy cổ phần ưu đãi. Nguồn tin thân cận cho Bloomberg biết, bộ này vừa có kế hoạch chuyển đổi số cổ phần ưu đãi trên thành 1,66 tỷ cổ phiếu phổ thông, tương đương mức cổ phần 92% trong AIG, và sẽ bán ra số cổ phiếu tương đương cổ phần 20% cho các nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân vào khoảng cuối quý 1 năm sau.

Cùng với Bộ Tài chính, AIG cũng sẽ phát hành cổ phiếu trong đợt chào bán trên. Dự kiến, tổng số tiền thu về ít nhất sẽ đạt 15 tỷ USD, và có thể đánh dấu một trong những vụ chào bán cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử.

Theo giới phân tích, vụ bán cổ phiếu AIG sẽ là một “bài kiểm tra” đối với khả năng thu lời của Washington trong vụ giải cứu được xem là gây tranh cãi nhất từ trước tới nay bởi quy mô khổng lồ và mức độ rủi ro cao.

Trong thời gian khủng hoảng, Chính phủ Mỹ đã chi tổng cộng 182 tỷ USD để cứu AIG. Đợt bán 20% cổ phần sắp tới như kế hoạch mà Bộ Tài chính nước này đang lên kế hoạch có thể coi là một bước đi thận trọng trong việc “giải phóng” hoàn toàn AIG khỏi chương trình giải cứu nói trên.

Giá cổ phiếu của AIG đã tăng 41% trong thời gian từ đầu năm tới ngày 8/12, đạt mức 42,22 USD/cổ phiếu. Giới phân tích, chỉ cần bán được cổ phiếu ở mức giá 29USD/cổ phiếu là Bộ Tài chính Mỹ đã hòa vốn trong vụ đầu tư này.

Thời gian gần đây, Chính phủ Mỹ đã nhận thấy nhu cầu mạnh của thị trường đối với cổ phiếu của các ngân hàng, định chế tài chính và công ty được giải cứu trong thời gian khủng hoảng. Thực tế này cho phép Washington đẩy nhanh quá trình bán cổ phần trong các “con nợ” như Citigroup hay General Motors (GM).

Cách đây ít ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã bán nốt số cổ phần còn lại của cơ quan này trong tập đoàn Citigroup, thu về 10,5 tỷ USD. Vụ giải cứu Citigroup chung cuộc đã đem về cho Chính phủ Mỹ khoản lãi 12 tỷ USD.