15:08 02/11/2021

An Giang: Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm để giữ chân nguồn lao động

Phúc Minh

Với những lao động muốn ở lại địa phương làm việc thì An Giang cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đồng thời, vận động doanh nghiệp có thêm những chính sách phúc lợi hỗ trợ cho người lao động, để giữ chân họ…

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm việc với tỉnh An Giang. Ảnh - Nguyễn Hành.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm việc với tỉnh An Giang. Ảnh - Nguyễn Hành.

Thông tin tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với tỉnh An Giang về triển khai gói an sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP (gói 26.000 tỷ); Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP.

Báo cáo về kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ, ông Phạm Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cho biết, đến nay tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho trên 173.303 đối tượng, với tổng kinh phí là 191,3 tỷ đồng.

Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội 30 tỷ đồng, chính sách tiền mặt 156,9 tỷ đồng, chính sách vay vốn 4,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tiến hành hỗ trợ người lao động tự do và đối tượng đặc thù cho 102.857 lượt đối tượng với số kinh phí là 154,2 tỷ đồng. 

Mặc dù vậy, ông Sơn thừa nhận trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế như tiến độ thực hiện một số chính sách vẫn còn chậm, số đối tượng hỗ trợ vượt khả năng ngân sách của tỉnh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ cho phép tỉnh kéo dài thời gian thực hiện “Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động” theo Nghị quyết 68 đến hết năm 2022, vì hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 tại An Giang vẫn còn diễn biến phức, đa số các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, chưa có nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động. 

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá, việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội của An Giang khá tốt nhưng còn chưa linh hoạt. Vì vậy, ông đề nghị An Giang đã lập danh sách thì cần triển khai chi hỗ trợ sớm cho người dân, không để họ phải chờ đợi quá lâu.

Đối với thị trường lao động, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần phải rà soát, cập nhật, thống kê trình độ của số lao động mới về địa phương để phân loại số lao động có trình độ, tay nghề và lao động phổ thông, từ đó kết nối người lao động với doanh nghiệp trong tỉnh. Thông qua công nghệ thông kết nối với các tỉnh, thành để giới thiệu việc làm cho những lao động muốn trở lại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai làm việc.

Cũng tại buổi làm việc, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, An Giang nên sớm triển khai hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là lao động tự do, phê duyệt bao nhiêu thì chi bấy nhiêu. 

Ông Huy đánh giá, đến nay doanh nghiệp đã từng bước khôi phục sản xuất, vì vậy tỉnh cần rà soát lại xem nhu cầu của doanh nghiệp về chính sách này. Ngoài ra, An Giang cần có những giải pháp triển khai để khôi phục thị trường lao động, tạo việc làm cho hơn 50.000  lao động trở về địa phương.

Mặt khác, tỉnh cũng cần rà soát thật kỹ về trình độ, tay nghề của số lao động mới trở về địa phương, bao nhiêu lao động tự do, lao động có trình độ tay nghề; số có nhu ở lại địa phương làm việc; số sẽ trở lại TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, từ đó có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Ông Huy góp ý, đối với người lao động muốn trở lại TP. HCM và các tỉnh lân cận thì kết nối giới thiệu việc làm, hỗ trợ tiêm vaccine…cho họ. Trường hợp lao động muốn ở lại địa phương làm việc thì tỉnh cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đồng thời, vận động doanh nghiệp có thêm những chính sách phúc lợi hỗ trợ cho người lao động, để giữ chân nguồn lao động.