Bắc Giang giải ngân được 7400 tỷ vốn đầu tư công
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công do Bắc Giang quản lý là hơn 10,9 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này được đầu tư khởi công mới và xây dựng chuyển tiếp các công trình giao thông, môi trường, y tế, thủy lợi, trường học, văn hóa...
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trong 10 tháng đầu năm 2022 đạt được kết quả khá tích cực, đến nay, giá trị khối lượng thực hiện đạt 8.590 tỷ đồng, bằng 78,4% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt hơn 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 67,8% so với tổng kế hoạch vốn.
Tuy nhiên chưa đạt so với yêu cầu đề ra, còn một số tồn tại, hạn chế như: Khó khăn lớn nhất đối với các dự án đầu tư công hiện nay là biến động của giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào quá lớn và chưa có cơ chế xử lý đối với các hợp đồng trọn gói.
Tồn tại, vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án chuyển tiếp chưa được giải quyết dứt điểm, tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng thi công của một số dự án khởi công mới còn chậm. Nguồn vốn bố trí cho một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành công trình trong năm 2022.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn của các dự án; rà soát, điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khối lượng thanh toán, các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Khẩn trương hoàn thành thủ tục để khởi công đối với các dự án khởi công mới đến nay chưa khởi công. Chỉ đạo các huyện, thành phố, đơn vị được giao làm chủ đầu tư thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, khẩn trương giải ngân vốn; tập trung cao cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án. Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành nghiệm thu, thanh toán ngay khối lượng hoàn thành và làm thủ tục tại kho bạc để giải ngân kế hoạch vốn của các dự án chuyển tiếp theo tiến độ đề ra.
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các cơ quan chuyên môn phải hoàn thành tham mưu bằng văn bản để cụ thể hóa cơ chế, chính sách, hướng dẫn của Trung ương trong triển khai xây dựng các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các dự án.
Quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo điều hành thi công các công trình. Các ngành bán sát sự chỉ đạo, điều hành của ngành dọc cấp trên để chủ động tham mưu các giải pháp cũng như phải thường xuyên đối thoại với nhân dân trong khu vực thi công dự án nhằm làm tốt hơn cả về tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư công.