08:28 17/11/2014

Báo cáo thực hiện “lời hứa” sau chất vấn thiếu những gì?

Nguyên Hà

Từ sáng 17/11, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 sẽ diễn ra trong ba ngày liên tục

Rải rác từ trước khi khai mạc kỳ họp đến trước đây mấy ngày, các báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã được gửi tới Quốc hội - Ảnh: VNN.<br>
Rải rác từ trước khi khai mạc kỳ họp đến trước đây mấy ngày, các báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã được gửi tới Quốc hội - Ảnh: VNN.<br>
Từ sáng 17/11, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 sẽ diễn ra trong ba ngày liên tục.

Rải rác từ trước khi khai mạc kỳ họp đến trước đây mấy ngày, các báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Chính phủ và nhiều thành viên Chính phủ đã được gửi tới Quốc hội.

Tổng hợp những nét chính của các nội dung này ở văn bản dài tới 108 trang với trên 54 ngàn chữ, đoàn thư ký kỳ họp đã chỉ ra khá nhiều nội dung còn thiếu hoặc chưa đầy đủ tại các báo cáo hậu chất vấn nói trên.

Chẳng hạn, với ngành thanh tra, Quốc hội yêu cầu xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, phẩm chất hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến rõ nét trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
 
Nhưng thời gian vừa qua, nổi lên một số vấn đề về việc xây dựng đội ngũ ngành thanh tra mà báo cáo không nêu. Như việc cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã ký bổ nhiệm cán bộ cấp cục, vụ không đủ tiêu chuẩn tại cơ quan Thanh tra Chính phủ trước khi về hưu.

Mặc dù, Phó tổng thanh tra Chính phủ thừa nhận, trong số những cán bộ được bổ nhiệm, “vẫn còn trường hợp có khuyết điểm và một số ít chưa đảm bảo yêu cầu công việc” tại cuộc họp báo quý 3 trong tháng 10 vừa qua.

Trong lĩnh vực nội vụ, Quốc hội giao đến hết năm 2014, hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội.

Tuy nhiên, báo cáo hậu chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng chưa đề cập nội dung này, theo nhận xét của đoàn thư ký kỳ họp.

Một nội khác cũng thiếu vắng tại báo cáo của Bộ trưởng Thái Bình, dù đã được Quốc hội yêu cầu thực hiện, là ”phối hợp với các cấp, các ngành tổng kết, đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tập trung vào các khâu quy hoạch, chính sách tuyển dụng, tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, công chức gắn với vị trí việc làm; xác định yêu cầu về tiêu chuẩn, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực chạy việc, chạy chức, chạy quyền trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức”.
 
Sáng 18/11 tới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lần thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.

Kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức là một trong bốn nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.

Các hạn chế của báo cáo một số ngành khác cũng được đoàn thư ký tập hợp. Như trong lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu triển khai thực hiện tốt Luật Giá, tăng cường kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá, tập trung vào những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, bảo đảm cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Nhưng, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mới chỉ nêu việc thực hiện bình ổn giá bằng những nhận định mang tính định tính, chưa có số liệu cụ thể để thấy việc triển khai điều chỉnh giá như thế nào, có tác động gì đối với doanh nghiệp và người dân, đặc biệt đối với giá xăng dầu và điện. Việc kiểm soát giá sữa được triển khai từ trước khi thực hiện nghị quyết chất vấn, sau khi nghị quyết ban hành thì báo cáo không nêu thực tế triển khai.

Ngoài ra, báo cáo chưa có thông tin về việc thực hiện bình ổn giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ như thuốc bảo vệ thực vật, thóc, gạo tẻ thường, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thiết yếu và việc sử dụng quỹ bình ổn giá.

Vẫn trong lĩnh vực tài chính, đoàn thư kỳ kỳ họp cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo về “đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ tài sản của Nhà nước; đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hoá, nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu đầu tư và doanh nghiệp; xây dựng phương án sử dụng và quản lý nguồn vốn từ kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.

 Mặc dù những nội dung này được Quốc hội yêu cầu báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 này.

Nhìn tổng thể, đoàn thư ký khái quát, nội dung các báo cáo còn chưa được thống nhất, số liệu một số báo cáo còn thiếu, không rõ hoặc không kế thừa liên tục. Có báo cáo sử dụng nội dung cũ không được cập nhật số liệu. Một số báo cáo còn chưa bám sát nội dung yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận nên khó cho việc đánh giá kết quả thực hiện.

Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau hoạt động chất vấn còn chậm, chưa đảm bảo theo yêu cầu của Quốc hội, đoàn thư ký nêu rõ.