Bayer Việt Nam vào Top 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững 2025: Dấu ấn ESG trong nông nghiệp và y tế
Vừa qua, tại lễ công bố Top 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam 2025 (CSA 2025) do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức, Bayer Việt Nam đã được vinh danh là một trong những doanh nghiệp FDI tiên phong thực thi hiệu quả các mục tiêu ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), đặc biệt trong hai lĩnh vực mũi nhọn là nông nghiệp và y tế...
Giải thưởng CSA 2025 được đánh giá dựa các tiêu chí ESG khắt khe, với sự thẩm định của Hội đồng chuyên môn đến từ Ngân hàng HSBC, Công ty PwC Việt Nam, Công ty Schneider Electric Việt Nam, Công ty Talentnet, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital.

Tham gia trong phiên thảo luận “Giải mã Bộ ba Sức mạnh: Thiên nhiên - Xã hội - Con người”, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Bộ phận Giải pháp Quản lý Cây trồng, Bayer Việt Nam, đã chia sẻ thiết thực về những nỗ lực của Bayer trong hành trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng với ba lĩnh vực chính là khoa học cây trồng, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, cùng mục tiêu “Người người khoẻ mạnh, nhà nhà ấm no”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Sơn nhấn mạnh Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu không chỉ làm thay đổi chu kỳ mưa nắng, ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng, làm giảm năng suất và gia tăng sâu bệnh, mà còn đặt ra thách thức lớn cho an ninh lương thực, khi nhu cầu tiêu thụ nông sản ngày càng cao nhưng tài nguyên sản xuất ngày càng hạn hẹp.
Ông Sơn dẫn chứng đợt hạn mặn lịch sử cuối năm 2015 - đầu 2016 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khiến 11/13 tỉnh phải công bố thiên tai, nước mặn xâm nhập sâu tới 85km, phá hủy hoàn toàn mùa vụ và để lại hậu quả kéo dài nhiều năm sau.
Trước thực tế đó, Bayer với vai trò là doanh nghiệp nông nghiệp toàn cầu đã đặt mục tiêu đến năm 2030, giúp các khu vực ứng dụng giải pháp Bayer giảm 30% phát thải khí nhà kính, đồng thời hỗ trợ 100 triệu nông hộ trên toàn thế giới tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và chất lượng nông sản.
Cụ thể tại Việt Nam, thông qua các hợp tác công tư, Bayer Việt Nam triển khai loạt sáng kiến như Canh tác bền vững hướng đến tương lai (Bayer ForwardFarming) và Nông nghiệp tiên phong, nhà nông thịnh vượng (Better Life Farming) giúp nông dân tại các vùng trọng điểm như ĐBSCL và Tây Nguyên tiếp cận mô hình canh tác bền vững, phát thải thấp, đồng thời tăng chất lượng, năng suất và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu các thị trường quốc tế.

Riêng đối với mô hình canh tác lúa bền vững Bayer ForwardFarming, sau khi triển khai hơn năm mùa vụ, kết quả thực tế từ Viện Lúa ĐBSCL ghi nhận rất tích cực: mức phát thải khí nhà kính thấp hơn tới 24,7% và tiết kiệm 50% nước và lợi nhuận của nông dân tăng từ 13% đến 55%.
Bên cạnh đó, với định hướng nông nghiệp tái sinh bền vững, mô hình Better Life Farming triển khai trên 2 loại cây trồng là sầu riêng và cà phê tại Tây Nguyên đã đạt được những kết quả ấn tượng về năng suất cũng như chất lượng, đồng thời kiểm soát tốt vấn đề dư lượng thuốc, hạn chế ô nhiễm và tạo cân bằng sinh thái cho vùng sản xuất.
Không dừng lại ở sản xuất, Bayer còn tập trung vào khía cạnh xã hội và con người. Ông Sơn chia sẻ: “Trong mọi chương trình, mọi giải pháp, con người luôn là yếu tố then chốt. Dù có công nghệ hay mô hình tiên tiến đến đâu, nếu thiếu sự nhiệt huyết và đồng hành từ con người thì hiệu quả cũng sẽ rất hạn chế.”
Với quan điểm đó, cùng các đối tác, Bayer không chỉ xây dựng giải pháp kỹ thuật cho nhà nông mà còn triển khai nhiều hình thức tiếp cận đa dạng để “truyền lửa” và đồng hành cùng người nông dân. Hàng năm, công ty thực hiện hàng nghìn hoạt động từ quy mô nhỏ như đưa từng nhóm nông dân đi thăm vườn, hướng dẫn trực tiếp cách chăm sóc sầu riêng, cà phê, lúa…, đến tổ chức các lớp tập huấn quy mô lớn với sự tham gia của chuyên gia và nhà khoa học.
Song song, công ty phối hợp với các đơn vị chuyên môn như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục và Chi cục Bảo vệ thực vật và nhiều đối tác trong chuỗi giá trị để đào tạo cán bộ kỹ thuật địa phương – những người sau đó sẽ tiếp tục truyền đạt kiến thức cho nông dân trong vùng.
Đáng chú ý, Bayer cũng đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số để lan tỏa thông tin canh tác đến cộng đồng nhà nông, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các nội dung khuyến nông ngắn gọn, dễ hiểu, trực quan đang thu hút hàng triệu lượt tiếp cận từ nông dân trên cả nước.
Theo đó, ông Sơn cho biết thêm việc thúc đẩy bình đẳng giới trong nông nghiệp bền vững cũng là một trong những ưu tiên chiến lược của Bayer tại Việt Nam. Thông qua mô hình CLB Nữ Đại sứ Cà phê Bền vững tại khu vực Tây Nguyên và các hoạt động tương tự tại ĐBSCL, Bayer đã tạo điều kiện để phụ nữ nông thôn được trang bị kiến thức về kỹ thuật canh tác, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng hộ gia đình. Riêng tại vùng ĐBSCL, đã có hơn 800 phụ nữ được tiếp cận chương trình đào tạo thực tiễn này.

Tận dụng thế mạnh trong lĩnh vực y tế, Bayer kết hợp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông hộ cải thiện sinh kế sau thiên tai như bão Yagi ở khu vực phía Bắc, đồng thời cung cấp các gói chăm sóc sức khỏe thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững, công bằng trong cộng đồng nông nghiệp.
Cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ, trong suốt thời gian qua, Bayer phối hợp cùng các đối tác chiến lược, các tổ chức, nhân viên y tế triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, các hội thảo khoa học nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức cho đội ngũ y tế.
Ngoài ra, Bayer hướng đến hỗ trợ nâng cao nhận thức người dân Việt Nam chăm sóc sức khỏe chủ động, đặc biệt là phụ nữ, chiến dịch sức khoẻ phụ nữ mang tên Science for Her được triển khai từ nhiều năm nay với mong muốn nâng cao nhận thức và hỗ trợ phụ nữ tự chủ chăm sóc sức khoẻ tại mỗi giai đoạn của cuộc đời.
Cùng với các lãnh đạo ngành, đại diện Bayer khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với cam kết của Việt Nam tại COP26, hướng đến phát triển bền vững thông qua những hoạt động thiết thực và mạnh mẽ.