16:58 23/08/2022

Bình Thuận cần 37.468 tỷ đồng để phát triển nhà ở

Thanh Xuân

Thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Thuận dự kiến cần tổng vốn là 37.468 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng; nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng; nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND tỉnh Bình Thuận vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo địa phương này, việc phát triển nhà ở phải gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát triển nhà ở trên cơ sở sử dụng tiết kiệm các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên đất đai.

Ngoài ra, cần phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở cho người dân đặc biệt là tại khu vực đô thị; phấn đấu phát triển nhà ở khu vực nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu, diện tích sàn nhà ở, diện tích sàn nhà ở bình quân năm 2022 như sau: diện tích nhà ở tối thiểu 8,8 m2 sàn/người; diện tích nhà ở khoảng 30.127.858 m2 sàn; diện tích nhà ở bình quân đạt 24 m2 sàn/người. Tổng nhu cầu vốn cần để thực hiện khoảng 7.417,25 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2025, tỉnh cần phấn đấu diện tích nhà ở tối thiểu 10 m2 sàn/người; diện tích nhà ở khoảng 34.566.560 m2 sàn; diện tích nhà ở bình quân đạt 27 m2 sàn/người.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Kế hoạch phát triển nhà tại Bình Thuận giai đoạn 2021-2025 với tổng diện tích sàn nhà ở cần đầu tư xây dựng là khoảng 6.662.792 m2 sàn. Trong đó, diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng cho loại hình như sau: nhà ở thương mại 800.000 m2 sàn; nhà ở tái định cư 495.000 m2 sàn; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức 5.000 m2 sàn; nhà ở xã hội 595.000 m2 sàn; nhà ở dân tự xây 4.767.792 m2 sàn.

Về tỷ lệ xây dựng nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở, tỉnh phấn đấu phải đạt trên 30% tổng diện tích phát triển nhà ở của dự án, khoảng 250.000 m2 sàn; tỷ lệ nhà ở riêng lẻ trong các dự án dưới 70% tổng số căn nhà phát triển dự án. Bên cạnh đó, diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê đạt tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê, tương đương khoảng 119.000 m2 sàn.

Để thực hiện kế hoạch đặt ra, tổng nhu cầu vốn sẽ cần là 37.468 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức khoảng 24 tỷ đồng; nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng; nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng; nhà ở dân tự xây khoảng 21.425 tỷ đồng.

Dự kiến, việc phát triển nhà ở thương mại bằng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn của các hộ gia đình; vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội… và một phần từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước. Theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, vốn ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở là khoảng 1.370 tỷ đồng.